Sự hình thành xã hội thị tộc và công xã thị tộc mẫu hệ

Xã hội thị tộc và công xã thị tộc mẫu hệ

Xã hội thị tộc được hình thành và công xã thị tộc mẫu hệ ra đời mang tính tổ chức xã hội chặt chẽ và ổn định hơn, thay thế cho bầy người nguyên thủy.

1. khái niệm thị tộc là gì?

Do yêu cầu phát triển của sức sản xuất, bầy người nguyên thủy với mối quan hệ lỏng lẻo cố hữu dần được thay thế bằng một tổ chức xã hội chặt chẽ hơn, ổn định hơn, vì thế tổ chức công xã thị tộc ra đời. Đối với lịch sử loài người, đây là một bước phát triển nhảy vọt và so với những bước phát triển kế tiếp thì nó có một ý nghĩa to lớn hơn nhiều. Sở dĩ có sự chuyển biến đó là do sự lao động tập thể tiến bộ hơn, phức tạp hơn, đòi hỏi xã hội phải được tổ chức chặt chẽ hơn để tiến hành lao động sản xuất tốt hơn. Tổ chức xã hội đó chính là công xã thị tộc; mọi thành viên của nó đều gắn chặt chẽ với nhau bởi mối quan hệ dòng máu, vì có chung một tổ tiên trực tiếp, do đó mà gọi là thị tộc.

Thị tộc được xem như là một tập đoàn sản xuất lâu dài, ổn định và đoàn kết chặt chẽ, có khả năng đảm bảo tiếp tục sản xuất với hiệu suất cao hơn, đảm bảo kế thừa những kinh nghiệm và kỹ năng lao động của những người đi trước. Trong giai đoạn lịch sử này của loài người, quan hệ dòng máu là sức mạnh duy nhất có thể có, và có thể duy trì được lâu dài. Từ đó, thị tộc trở thành hình thái tổ chức cơ bản của xã hội nguyên thủy. Như vậy là sự phát triển của sức sản xuất đã dẫn tới một sự cải tạo căn bản của cơ cấu xã hội bầy người nguyên thủy.

Xã hội thị tộc
Xã hội thị tộc

Công xã thị tộc là một tập đoàn lớn hơn, đông hơn bầy người nguyên thủy, có thể gồm vài chục đến hàng trăm người, sống thành từng gia đình, gồm lớp cha mẹ và con cái, anh chị em ruột thịt. Nhiều thị tộc có quan hệ dòng máu xa hợp thành một bộ lạc. Trong giai đoạn đầu của xã hội thị tộc, bộ lạc thường chia làm hai “nửa” gọi là bào tộc, mỗi bào tộc được tổ chức nên bởi hai thị tộc, bốn thị tộc… tóm lại là bởi một số thị tộc chẵn. Về sau, với sự phát triển của chế độ thị tộc, tổ chức bào tộc dần dần mất đi, vì thế bộ lạc chỉ còn do một số thị tộc, hoặc nhiều hoặc ít, tổ chức nên. Đồng thời với sự xuất hiện của công xã thị tộc thì cũng bắt đầu có lệ cấm anh chị em cùng một thị tộc lấy nhau. Gia đình đồng huyết đã chấm dứt. Do đó, trai hay gái của một thị tộc này, phải lấy vợ hay chồng ở một thị tộc khác, chế độ hôn nhân đó gọi là ngoại tộc nhân, mà đặc điểm của nó là việc kết hôn bao giờ cũng tiến hành giữa hai “nửa”, tức là giữa hai bào tộc của một bộ lạc hoặc giữa hai thị tộc của một bào tộc.

2. Công xã thị tộc mẫu hệ

Dưới chế độ ngoại tộc hôn, việc hôn nhân bao giờ cũng phải được xây dựng trong phạm vi bộ lạc, giữa hai bào tộc hay hai thị tộc của bộ lạc ấy. Nguyên tắc đó gọi là chế độ nội tộc hôn. Trong xã hội thị tộc, ngoại tộc hôn và nội tộc hôn không đối lập nhau mà tồn tại song song. Đó là hai nguyên tắc tự nhiên, nhưng cần được chấp hành một cách nghiêm chỉnh. Hôn nhân từ nay không còn là một hiện tượng sinh vật nữa, mà đã là một hiện tượng xã hội.

Công xã thị tộc mẫu hệ
Công xã thị tộc mẫu hệ

Trong giai đoạn này, việc kết hôn chỉ có thể tiến hành một cách tập thể, và bản thân hôn nhân mới chỉ là sự kết hợp ngẫu nhiên và không ổn định giữa tập thể những người con gái của thị tộc này với tập thể những người con trai của thị tộc kia – hình thức hôn nhân gọi là chế độ quần hôn. Hình thức gia đình mới xây dựng trên chế độ quần hôn gọi là  gia đình Pu-na-lu-a, có nghĩa là gia đình của những người bạn thân, vì những người vợ chung và những người chồng chung không gọi nhau là chị em hay anh em nữa, mà họ cũng không cần thiết phải là anh em, chị em nữa, mà gọi nhau là “Pu-na-lu-a”, tức là bạn thân.

Do chế độ quần hôn mà con cái sinh ra chỉ biết mẹ chứ không biết cha, vì người cha không thể xác định được và người cha bao giờ cũng ở thị tộc khác, tức là thuộc đơn vị kinh tế khác. Trong ý thức của những thành viên của thị tộc, dường như lúc đầu người ta chưa hề có khái niệm về người cha, do đó họ hoàn toàn tập hợp xung quanh những người đàn bà là mẹ, và quan hệ dòng máu cũng tính theo dòng mẹ mà không tính theo dòng cha. Bởi vậy, công xã thị tộc ra đời, ở giai đoạn đầu là công xã thị tộc mẫu hệ.

Ở hậu kỳ thời đại đồ đá cũ, người ta đã tìm thấy những bằng cứ xưa nhất về sự xuất hiện của nghệ thuật tạo hình. Trong các di chỉ văn hóa của thời kỳ này, đã tìm thấy một số tác phẩm điêu khắc và hội họa nguyên thủy, thậm chí cả đồ trang sức nữa (những tượng phụ nữ, những hình khắc và hình vẽ các loại động vật, những chuỗi răng thú có xuyên lỗ,…). Sau hết, có một số di tích khác, đặc biệt là sự sắp đặt bộ xương người chết theo một tư thế đặc biệt, một số đề tài hội họa và tranh màu đã chứng tỏ rằng, ở thời kỳ này tôn giáo cũng đã xuất hiện.

Sự hình thành xã hội thị tộc và công xã thị tộc mẫu hệ
– LichSu.Org –

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.