Những biến đổi lớn trong xã hội thời Chiến quốc
Những biến đổi lớn trong xã hội thời Chiến quốc chủ yếu do các cuộc chiến tranh gây ra, làm cho đời sống của người dân trở nên bi đát hơn cả thời Xuân thu.
Thời Chiến quốc, chiến tranh còn nhiều hơn, quy mô lớn hơn và tàn khốc hơn thời Xuân thu. Lời nói của Mạnh tử: “Đánh nhau để tranh thành thì giết người, thây đầy thành; đánh nhau để giành đất thì giết người, thây đầy đồng” mô tả được phần nào tình hình chiến sự thời đó. Phạm vi chiến trường rộng hơn, quân số xuất chinh đông hơn, gấp hàng chục, hàng trăm lần thời Xuân thu.
Mâu thuẫn và đấu tranh giữa các nước và giữa giai cấp quý tộc trong từng nước ngày một mở rộng và sâu sắc. Lúc này, tầng lớp công khanh và đại phu ở các nước lập được nhiều chiến công lớn nên được ban cấp rất nhiều ruộng đất và tù binh, thế lực kinh tế và chính trị của họ mạnh hẳn lên. Ví như ba nhà đại phu Hàn, Triệu, Ngụy của nước Tấn là những nhà có thể lực mạnh nhất. Vào thế kỷ V trước Công nguyên, sau khi đã chiếm đoạt đất đai của mấy nhà đại phu khác, họ lại phế truất vua Tấn, chia sẻ nước Tấn thành ba nước riêng rẽ. Hoặc như ở nước Tề, đại phu họ Điền đã phế vua Tề để tự lập. Trong quá trình một số ít đại phu lớn mạnh lên, thì số đông đại phu khác bị sa sút đi. Chiến tranh cướp đoạt và đời sống xa xỉ khiến họ mất hết của cải và thái ấp, trở thành kẻ sĩ bình thường hoặc bị giáng xuống làm nô bộc. Tầng lớp đại phu đã suy yếu, không giữ vững được địa vị quý tộc thế tập của họ nữa. Vua trực tiếp thống trị nhân dân, bắt nhân dân chịu binh dịch và sưu dịch, thu tô ruộng và thuế nhân khẩu.
Ngày ấy kẻ sĩ là tầng lớp hoạt động sôi nổi nhất về chính trị. Một bộ phận xuất thân từ gia đình đại quý tộc bị sa sút, một bộ phận là những phần tử bình dân lớp trên biến thành. Tầng lớp sĩ có tri thức văn hóa, có kinh nghiệm đấu tranh chính trị và thủ đoạn thống trị nhân dân hoặc có tài thuyết khách và tài thao lược nên vua chúa và quý tộc thời bấy giờ đã vời họ về làm quan lại, tướng tá, mưu sĩ hay “thực khách”, tức là khách nuôi lâu năm trong nhà. Nếu ở nước này, nhà này không thích hợp với họ nữa, sĩ lại chuyển sang giúp nước khác, nhà khác. Hôm nay họ đang nước Tần, ngày mai họ đã có thể ở nước Sở, cho nên người ta gọi họ là “du sĩ”. Vua các nước thời đó, như Uy vương nước Tề, Huệ vương nước Ngụy, Chiêu vương nước Yên đều là những người nuôi kẻ “sĩ” có tiếng trong một thời. Lại còn có bốn công tử là Mạnh Thường quân nước Tề, Tín Lăng quân nước Ngụy, Bình Nguyên quân nước Triệu và Xuân Thân quản nước Sở, đều có nuôi kẻ sĩ trong nhà đến hàng nghìn người. Sĩ lập được công lao thì vua chúa ban thưởng vàng bạc, chức tước và ruộng đất.
Do sự phát triền của sức sản xuất, sự xuất hiện và phát triển của kinh tế hàng hóa, do chiến tranh loạn lạc xảy ra liên miên, tổ chức công xã nông thôn (chế độ tỉnh điền) bị phá hoại, trong thôn xã có sự phân hóa giai cấp mạnh mẽ, một số nhỏ nông dân giàu có trở thành địa chủ, phú nông, đa số nông dân mất ruộng dất, phải đi cấy rẽ, làm thuê, trở thành tá điền, cố nông. Tầng lớp quý tộc, địa chủ và thương nhân giàu có cướp đoạt nhiều ruộng đất của nông dân; do thấy bóc lột sức lao động của nông dân làm mướn, cấy rẽ có lợi hơn dùng nô lệ, do đó chuyển sang thuê mướn nhân công và cho phát canh lấy tô. Quan hệ sản xuất phong kiến nông nô xuất hiện và dần dần chiếm ưu thế trong nông nghiệp. Nô lệ từ nay thu hẹp trong sản xuất thủ công, hầm mỏ và phục vụ trong nhà.
Đời sống của các tầng lớp nhân dân lao động ở bên dưới thời Chiến quốc vẫn không được cải thiện chút nào so với thời Xuân thu. Nền kinh tế thời Chiến quốc có phát triển cao hơn thời Xuân thu, thì tình hình đó chỉ có tạo điều kiện cho giai cấp thống trị tăng cường vơ vét, bóc lột người dân để làm giàu thêm hoặc để mở rộng chiến tranh cướp đoạt. Vì chiến tranh thời Chiến quốc quy mô lớn hơn và khốc liệt hơn, nên nhân dân chết chóc vô số và bị bóc lột trăm bề. Đời sống của họ còn bi đát hơn thời Xuân thu nhiều. Nguy cơ xã hội vô cùng trầm trọng. Điều đó, giai cấp thống trị ở nhiều nước không phải là không bắt đầu nhận thấy.
Thời Chiến quốc, những sự biến đổi lớn lao về kinh tế, xã hội và chính trị nói trên được phản ánh trong phong trào “biến pháp”, tức là phong trào cải cách được tiến hành ở nhiều nước. Đầu thời Chiến quốc, nước Nguy thực hành cải cách đầu tiên, rồi đến nước Triệu, nước Hàn. Thế kỷ IV trước Công nguyên, các nước Tề, Sở, Tấn, Yên đều lần lượt thực hành cải cách.
Mục đích và phương pháp cải cách của các nước giống nhau, tức là nhằm ngăn chặn nguy cơ xã hội, nhằm làm cho nước giàu, quân mạnh, nhưng nội dung và quá trình tiến hành cải cách lại có khác nhau. Có nước thực hành cải cách tương đối triệt để, có nước vẫn giữ lại một số chế độ cũ, có nước cải cách về mặt này, có nước cải cách về mặt khác. Nói chung, trong quá trình thực hiện cải cách, các nước đều trải qua những cuộc đấu tranh gay gắt trong nội bộ giữa phái cải cách tiến bộ và phải bảo thủ.
Những biến đổi lớn trong xã hội thời Chiến quốc
Lịch sử Trung Quốc cổ đại
– LichSu.Org –