Câu chuyện về Danh y – Thiền sư Tuệ Tĩnh
Danh y – Thiền sư Tuệ Tĩnh (1330 – 1400), là người đặt nền móng cho nền y dược cổ truyền dân tộc, được hậu thế suy tôn là tiên thánh của ngành thuốc Nam.
Phần I – Nỗ lực của Nguyễn Bá Tĩnh
Cậu bé mồ côi ham học
Thế là Nguyễn Bá Tĩnh [1] không được tới trường theo học nữa. Vị cao tăng đồng thời là ân nhân của Bá Tĩnh mất đi, Thượng tọa mới thay quyền chủ trì chùa Giao Thủy [2] một hôm bảo Bá Tĩnh rằng:
– Cháu đã 15 tuổi rồi, phải tập làm ăn đi thôi. Bao nhiêu con nhà khá giả cũng chẳng theo đòi việc học đến nơi đến chốn được nữa là cháu. Mà học để làm gì? Cháu không nghe nói: “Tướng là chim ưng, quân dân là vịt” [3] đó sao. Ngay con nhà vương tôn quý tộc ở vùng này cũng chỉ rượu chè, cờ bạc, ngày đêm yến tiệc ca xướng, có học hành gì đâu? Ta thương cháu mới lấy lời bảo ban cháu như thế.
Nghe Thượng tọa nói, Bá Tĩnh buồn lắm. Đã mấy lần Bá Tĩnh lựa lời xin, nhưng Thượng tọa vẫn không chuyển ý. Hàng ngày, những lúc rảnh rỗi, Bá Tĩnh thường đem vở học ra xem. Chao ôi, giở lại những trang sách mà Bá Tĩnh như vẫn nghe thấy lời giảng ấm áp của thầy cũ, tiếng nô đùa của chúng bạn và những giờ tập văn sôi nổi. Bây giờ thì những kỷ niệm ấy đã qua rồi. Bá Tĩnh nhớ bạn, nhớ trường quá. Giá cha mẹ ta còn sống – Bá Tĩnh tủi thân ao ước – lẽ đâu ta phải bỏ học thế này. Càng nghĩ về cảnh mình, Bá Tĩnh càng thêm nhớ vị cao tăng, đã nuôi cho ăn học và coi Bá Tĩnh như con. Bá Tĩnh không nhớ mặt mẹ cha, vì cha mẹ mất từ năm Bá Tĩnh 6 tuổi. Nghe nói, một vị sư gần nhà [4] đem về nuôi, rồi vị cao tăng chùa Giao Thủy lại xin đem về đây. Nhưng nay vị cao tăng đã mất, Bá Tĩnh cảm thấy trơ trọi, không người nương tựa.
Thượng tọa thường bảo ta cái gì nhỉ? Có thể Thượng tọa cũng là người thương ta thật bụng? Nhưng bọn con nhà vương hầu mải chơi bời thì kệ chúng nó, sao lại bắt ta thôi học. Ta là con nhà nghèo [5], lại không có cha mẹ, nhưng chính vì thế mà ta cần phải học giỏi. Sự thật là bao giờ Bá Tĩnh cũng học giỏi nhất trường. Bá Tĩnh sung sướng thấy con nhà nghèo cũng có thể học giỏi được. Ước gì ta được học đến đầu đến đũa và thành đạt để làm rạng rỡ cho tổ tông, đền ơn phụng dưỡng của nhà chùa và các bạn nghèo khắp chốn vẫn hằng khuyến khích, an ủi ta. Hay là ta lại xin Thượng tọa một lần nữa. Cứ mạnh bạo nói hết lời, có thể Thượng tọa cho chăng? Bá Tĩnh vừa vui mừng vừa lo lắng đi tìm gặp Thượng tọa.
Quyết chí theo nghiệp đèn sách
Chùa Giao Thủy được mở rộng không ngờ. Nhiều nhà giàu trong vùng thi nhau cúng tiền của và ruộng đất cho nhà chùa [6]. Người đi tu ngày một đông [7]. Vì vậy, kể từ khi thôi học, Bá Tĩnh bận không sao mở mắt được. Thấy Bá Tĩnh thông minh, lanh lẹn, Thượng tọa lại càng hay sai bảo. Bây giờ thì Bá Tĩnh đã rõ, Thượng tọa thương Bá Tĩnh theo ý riêng. Nhà sư muốn Bá Tĩnh trở thành một người chân tu. Nhưng bao đêm rồi, Bá Tĩnh không sao chợp mắt được. Cũng có lúc Bá Tĩnh nghĩ như Thượng tọa: người nghèo như Bá Tĩnh khó mà học thành đạt được. Nhưng sao Phạm Ngũ Lão, cũng là con nhà nghèo xuất thân, lại được vua trọng dụng, phong cho chức trọng quyền cao? Vua Trần chẳng vẫn mở khoa thi kén người tài giúp nước đó sao? Bá Tĩnh thường hỏi mọi người về Phạm Ngũ Lão. Tấm gương khổ học và những chiến công của người anh hùng ấy có sức thu hút và cổ vũ Bá Tĩnh mạnh biết bao. Cuối cùng, Bá Tĩnh quyết định: phải khổ công tự học, Bá Tĩnh thấy rõ cách học ấy sẽ vô cùng khó khăn nhưng là con đường duy nhất để đạt được chí mình. Bá Tĩnh ân hận đã để lỡ mấy năm không tự dùi mài đèn sách. Chí đã quyết từ đấy, ngoài công việc của nhà chùa, Bá Tĩnh đi tìm sách để học.
Nhưng việc tự học của Bá Tĩnh gặp nhiều khó khăn. Bá Tĩnh thiếu thầy, thiếu sách, thiếu cả dầu. Lại nữa, nhiều ngày phải làm việc nặng, phải đi nhiều, đêm đến gắng lắm mới khỏi buồn ngủ. Nhưng Bá Tĩnh đã quyết là làm, không khó khăn nào ngăn cản được chí lớn của Bá Tĩnh. Chẳng mấy chốc, chùa Giao Thủy và nhân dân trong vùng bàn tán nhiều về chàng trai đang khổ luyện học tập. Người ta nói rằng, chỗ ở của Bá Tĩnh chứa rất nhiều sách. Những sách ấy, Bá Tĩnh tự làm ra tiền để mua, hoặc đi mượn. Ai cũng bảo Bá Tĩnh là thần đồng và chẳng có điều gì chàng lại không biết. Hồi ấy, nến còn hiếm, chỉ đủ dùng cho nhà chùa, nên đêm đêm, Bá Tĩnh đốt lá đa để học mãi tận khuya. Một lần, nửa đêm thức giấc, thấy Bá Tĩnh đang ngồi học như thế, Thượng tọa cảm động quá, ôm lấy chàng trai mà khóc. Từ đó Thượng tọa xuất một phần nến và thường tìm mua sách quý về cho Bá Tĩnh. Gương khổ học của Bá Tĩnh được dân trong vùng đem ra răn dạy con cháu và ai cũng yêu thương chàng trai mồ côi, tuổi trẻ mà có chí lớn. Bá Tĩnh bối rối khi được nghe tất cả những lời đồn đại về mình. Bá Tĩnh bối rối vì nó là sự thật. Tuy thế, có những chuyện mà người dân không biết, và khiến cho Bá Tĩnh vô cùng cảm động. Một lần, khi Bá Tĩnh thức dậy, thấy ai để cạnh chỗ ngủ của mình một chục cây nến lớn và năm nén bạc. Bá Tĩnh không dám nhận. Nhưng biết của ai để trả lại? Cách mấy tháng sau, Bá Tĩnh lại nhận được món quà như thế. Nhưng lần này thì Bá Tĩnh bắt được thủ phạm. Đó là người gia nô, theo lệnh của một tiểu thư, con nhà giàu thường vẫn đến tụng kinh ở chùa, đem đến. Thật là một thử thách đối với chàng trai. Nhưng Bá Tĩnh vẫn bắt người gia nô phải đem trả cô gái tất cả những tặng phẩm rất đỗi có ý nghĩa đó. Công chưa thành, danh chưa toại, làm sao Bá Tĩnh có thể nghĩ đến chuyện khác, ngoài việc học tập được!
Năm tháng trôi qua, thấm thoát Bá Tĩnh đã lớn phổng lên thành một thanh niên đĩnh đạc, tuấn tú. Tiếng tăm hay chữ của Bá Tĩnh đã lan rộng khắp vùng. Các nhà giàu cũng phải nể trọng về tài học và tính tình điềm đạm của Bá Tĩnh. Nhưng Bá Tĩnh không tự bằng lòng về những điều đã học được trong sách vở. Bá Tĩnh say mê tìm hiểu phép âm dương, ngũ hành [8] để cắt nghĩa những mối liên hệ của vạn vật, kể cả con người trong thực tế. Từ chỗ hiểu bốn mùa vận hành âm dương biến hóa, khi trời đất hòa hợp nhau mà sinh ra vạn vật. Bá Tĩnh thấy được sự sống chết, già cỗi hay bệnh tật của người ta là đều do sự biến chuyển của hai khí âm dương cả. Đi đâu, làm gì Bá Tĩnh cũng luôn đặt cho mình câu hỏi, rồi lại tự lý giải. Không tự trả lời được Bá Tĩnh lại tìm thêm sách ở khắp mọi nhà để nghiền ngẫm cho kỳ hiểu mới thôi.
Thượng tọa và mọi người xung quanh thấy Bá Tĩnh thông kinh sử, hiểu luật trời đất có ý khuyên Bá Tĩnh đi thi. Ai cũng chắc sẽ có ngày Bá Tĩnh đỗ đạt và được hưởng quyền cao chức trọng. Tự thấy sức mình có thể đỗ được, Bá Tĩnh vùi đầu vào việc học để chờ khoa thi.
Phần II – Người đặt nền móng cho nền y dược cổ truyền
Biến cố khiến Nguyễn Bá Tĩnh thay đổi con đường theo đuổi
Một tai biến khủng khiếp đã xảy ra trong vùng Giao Thủy. Bệnh dịch hoành hành dữ dội, đã giết chết bao sinh mạng con người. Chùa Giao Thủy cũng không thoát khỏi chứng bệnh ác nghiệt ấy. Mấy vị sư thầy, sư ông đã bị chết. Thượng tọa chủ trì và một số tăng sư trong chùa cũng đang lâm bệnh. Trong vùng lan truyền một cái tin: vì dân vùng Giao Thủy làm trái ý trời nên trời giáng họa. Thế là từ nhà giàu đến nhà nghèo, ai cũng lo sửa lễ cúng trời. Các đình làng khói hương nghi ngút ngày đêm.
Trước cảnh ấy, Bá Tĩnh không còn lòng dạ nào nghĩ đến việc học để thi nữa. Dù chưa biết nhiều về thuốc, nhưng có chút ít kiến thức về luật âm dương ngũ hành, Bá Tĩnh lao vào một cuộc thử thách vượt qua sức mình. Phải chuyển hóa vi phúc, khởi tử hoàn sinh cứu lấy trăm họ! Bá Tĩnh quên ăn quên ngủ để tìm hiểu sách thuốc. Nhưng, ngay cả những thầy thuốc nổi tiếng cũng đều bó tay. Thảng hoặc, có người biết cách chữa thì lại chui rúc vào các nhà giàu, phục dịch bọn quyền quý, bỏ mặc dân lành. Chưa bao giờ Bá Tĩnh tự thấy mình vô dụng, đáng hổ thẹn như lúc này. Bá Tĩnh không tin có ma quái nhưng đành phải bó tay trước thảm họa ghê gớm ấy. Và một ý nghĩ làm cho Bá Tĩnh đau nhói: biết đâu cha mẹ ta khi trước cũng bị chết về chính căn bệnh ác hiểm này?
Đã mấy ngày rồi, Bá Tĩnh chạy hết nơi này đến nơi khác để tìm thầy thuốc. Nhưng người này mách người khác, không ai dám hứa làm phúc cho dân. Cuối cùng biết một danh y có thể chữa được căn bệnh thì lại ở tịt trong thái ấp của một vị vương họ Trần. Bá Tĩnh đã lần tìm tới. Nhưng người ta đã xua đuổi Bá Tĩnh như xua đuổi một con vật ghê tởm. Nuốt hận trở về, nhìn những người thân đang đau đớn, chưa biết sống chết thế nào, Bá Tĩnh vô cùng khổ tâm. Chỉ tới lúc khó khăn mới biết được lòng người – Bá Tĩnh chua chát nghĩ thầm – Các vị cư quan nhiệm chức, lương cao bổng hậu, đi một bước bắt dân hầu hạ phục dịch, mà lúc dân gặp cảnh khốn, không thấy ra tay cứu hộ độ trì. Họ bỏ mặc dân lành và nỡ coi trăm họ như vịt cả hay sao?
Chao ôi, chỉ có mấy ngày thôi mà Bá Tĩnh gặp biết bao điều ngang trái, tâm hồn Bá Tĩnh trải qua bao nhiêu xáo động! Đáng lẽ giờ này, nhà chùa phải gióng chuông và tất cả sư sãi, tăng ni đang lặng lẽ thu xếp mọi việc trong ngày để lên chùa nghe Thượng tọa thuyết giáo. Tiếng chuông chùa ngân nga, giọng tụng kinh xen lẫn tiếng mõ đều đều ngày nào cũng giống ngày nào ấy, có lúc khiến Bá Tĩnh chán ngán sao lúc này lại đáng nhớ đáng yêu đến thế. Thiếu nó, Bá Tĩnh như thấy thiếu một cái gì thiêng liêng dù Bá Tĩnh vẫn thường ít quan tâm đến. Chưa bao giờ Bá Tĩnh yêu những cây đại trơ trụi lá cành, yêu những cây huyết dụ mỏng manh sắc lá đỏ tía, nấp dưới những bông mẫu đơn bạch đài các, tinh khiết đến thế. Phải rồi, ta yêu cả ngôi chùa thâm nghiêm, ngày đêm ánh nến loe lét không đủ soi sáng những bát hương lúc nào cũng lan tỏa mùi thơm đầm ấm siêu thoát. Nhưng yêu cảnh cũng không thể bằng yêu những con người hiền lành, thủy chung, cùng cảnh ngộ, bao năm cùng sống dưới mái chùa, từng chia sẻ những ngọt bùi, cay đắng. Nhưng đã mấy người chết rồi, mấy người đang lâm bệnh? Lòng Bá Tĩnh càng thêm rối bời vì bất lực, vì tủi hổ. Ta thương các sư sãi tăng ni, ta thương những người nghèo khắp chốn – Bá Tĩnh bứt dứt thầm nghĩ – Nhưng ta làm gì để thương họ. Ừ nhỉ, sao ta chưa bao giờ nghĩ đến điều ấy? Ta vô tâm, phụ bạn đến thế sao? Ta khổ học bao lâu để làm gì? Để làm quan mưu vinh hoa phú quý bỏ mặc dân lành như những ông quan vùng này ư? Nếu ta là thầy thuốc? Ừ mà sao ta lại không theo đạo làm thuốc để cứu chữa dân lành? Nhưng nghề thuốc không có địa vị cao sang mà chỉ là một chước thuật, chuyên chép ở ngoài sử. Phải, người ta dùi mài kinh sử suốt đông sang hè đều để làm bậc thang phú quý công danh đâu chỉ để theo đạo làm thuốc. Chẳng lẽ ta cứ chạy theo khoa cử ư? Nếu đỗ đạt thì danh giá và vinh thân thực. Thiếu gì người không phải vương tôn quý tộc, do đỗ đạt, được bổ làm quan. Và những danh hiệu tam khôi [9] không phải không có lúc làm cho Bá Tĩnh xao xuyến. Không, Bá Tĩnh thấy đời mình gắn bó với những người dân lành, những người từng đùm bọc Bá Tĩnh từ buổi thiếu thời ở ngay trên mảnh đất này. Họ còn đang bị đói cơm, nợ nần, tật bệnh lẽ nào Bá Tĩnh lại mưu phú quý, danh lợi riêng mình được. Thậm chí có khi chính danh lợi là một bệnh khó chữa hơn cả. Lòng Bá Tĩnh đã quyết: thi cử chỉ là việc phụ, việc chính là phải học đạo làm thuốc để trị bệnh cứu người.
Có tiếng ồn ào từ căn phòng của Thượng tọa. Bá Tĩnh như tỉnh cơn mê, hốt hoảng chạy tới.
– A di đà phật, Thượng tọa nguy mất – một sư thầy nói trong tiếng nấc.
Bá Tĩnh đứng sững giữa gian nhà, đau đớn nhìn Thượng tọa khó nhọc chuyển mình rồi sẽ nói, mắt rớm lệ:
– Con thực vô dụng!
– Tĩnh lại đây – Đột nhiên Thượng tọa tỉnh lại, cố lấy tay ra hiệu, giọng yếu ớt – Mấy ngày nay con vất vả nhiều. Ta thương con lắm. Ta không đẻ ra con nhưng con săn sóc, coi ta như cha vậy. Con là người sáng láng. Con phải tập trung với đạo, đi theo con đường bát chính [10] để mở mắt, mở trí cho người, khiến cho tinh thần người người được bình tĩnh, được thông tỏ, được sáng suốt, được tới cõi niết bàn!
– A di đà phật, con sẽ đi theo đường ấy. Hơn nữa, theo đạo làm thuốc để mong khỏi phải thấy cảnh đau lòng này.
Thượng tọa mắt sáng lên giây lát, gật đầu và định nói điều gì nữa. Nhưng thần chết đã cướp thêm một người thân nữa của Bá Tĩnh.
Người đặt nền móng cho thuốc Nam
Đã tự chọn cho mình một nghề cao quý, lại thông minh cần cù. Bá Tĩnh sớm vạch cho mình trình tự công việc và dốc toàn tâm lực vào việc học. Bá Tĩnh tự thu thập sách thuốc. Nghe nói cuốn nào hay, ở xa mấy Bá Tĩnh cũng lần đến mua cho bằng được. Việc đọc các trước tác… Dược thư pháp [11] và Nội kinh của Hoàng Đế [12] đã đem đến cho Bá Tĩnh những say mê mới. Một lần nữa, Bá Tĩnh am hiểu thêm luật âm dương ngũ hành và rút ra rằng: Âm dương được thăng bằng thì kín đáo khỏe mạnh, âm dương chênh lệch thì sinh bệnh; âm thắng thì dương bị bệnh, dương không đủ thì âm bị bệnh, dương có thừa thì phát sốt, âm dương suy kiệt và lìa nhau thì chết. Xem thế, bệnh tật có nhiều loại nhưng rút cục đều do sự chênh lệch về thể chất của âm thịnh hay suy và cơ năng của khí huyết hư hay thực mà sinh ra. Do đó, phép chữa trị bệnh chính là lấy việc điều hòa âm dương, lấy chính khi sáp đảo tà khí, bồi bổ chính khí làm chủ, phối hợp công với phạt. Bá Tĩnh không nhớ rõ đã mất bao nhiêu đêm ngày để đọc rộng, biết sâu những điều đã có trong sách vở ấy, nhưng qua việc đọc các sách ấy, cộng với sự suy nghĩ của bản thân mình, Bá Tĩnh thấy rõ nền Trung y không thể cứ để nguyên mà dùng cho người Việt được. Lý do vì thể trạng con người, khí hậu, đất đai đều mỗi nơi một khác. Vả chăng, thuốc Bắc xưa nay là hiếm, chỉ bọn vương tôn quý tộc và các nhà giàu mới mua được. Còn người nghèo chẳng những không có thuốc dùng, thảng hoặc, nếu có chạy tiền chữa khỏi được bệnh thì lại rơi vào cảnh nợ nần, túng thiếu không tài nào dứt được.
Một vấn đề lớn đặt ra cho Bá Tĩnh, thôi thúc Bá Tĩnh đêm ngày suy nghĩ: Người phương Bắc dùng thuốc Bắc thì người phương Nam dùng thuốc Nam và thuốc Nam có thật linh nghiệm bằng thuốc Bắc không? Giải được khó khăn này chính là giúp cả trăm họ lầm than khỏi được tật bệnh bằng thứ thuốc rẻ tiền, dễ kiếm. Hơn thế nữa, mở ra con đường sáng sủa cho ngành thuốc của người Nam, giúp cho các lương y không phải bó tay trước các bệnh có khi chỉ vì thiếu thuốc.
Nghĩa lớn thôi thúc, niềm tin vào sự linh nghiệm của thuốc Nam, khiến Bá Tĩnh làm việc quên mệt mỏi và dốc cả tâm trí cho công việc. Bá Tĩnh để tâm tìm hiểu công việc của Thái y viện Trần Anh Tông, đi các nơi sưu tầm những bài thuốc dân gian, tìm mua các phương thuốc gia truyền và bí truyền. Nghe nói ở đâu có môn thuốc hay là ở đó có mặt Bá Tĩnh. Bá Tĩnh đã đến rừng thuốc hoang ở Yên Tử (Đông Triều) tận mắt xem vườn thuốc Vạn An, lên núi Tam Đảo, Bắc Đẩu (Phả Lại) nghiên cứu các loài dược liệu quý [13]. Bằng cả công trình tìm hiểu công phu, kéo dài trong nhiều năm, Bá Tĩnh thấy rõ một số thầy thuốc tiền bối sùng bái kinh điển, dùng nguyên các phương thuốc Bắc để trị bệnh, ít để tâm dùng kinh nghiệm trong dân gian, coi thường dược liệu trong nước là sai lầm. Ngược lại, Bá Tĩnh chủ trương phải “dùng thuốc Nam chữa người Nam Việt”. Bá Tĩnh tiếp tục tìm hiểu dược tính của mỗi loại cây thuốc, phân loại các dược liệu, đồng thời xét bệnh chứng, tìm bệnh nguyên, chọn các phương thuốc, phân biệt rõ kinh trị hay truyền trị [14] ghi chép thành những mục rõ ràng cụ thể. Khi những ghi chép đã dày bằng cả tầm người, Bá Tĩnh tự coi việc theo đạo làm thuốc đã được một nửa. Còn một nửa khác là thể hiện những hiểu biết của Bá Tĩnh vào việc chữa bệnh, tìm ra những vị thuốc mới, định giá trị của từng phương thuốc. Bá Tĩnh biết rằng, phần này là phần quyết định. Người thầy thuốc giỏi hay kém không phải chỉ ở chỗ biết nhiều phương thuốc, đoán bệnh đúng mà còn phải linh hoạt gia giảm từng phương cho từng loại bệnh cụ thể. Bá Tĩnh vừa náo nức vừa lo lắng bước vào thử thách mới.
Con đường đầy gian nan thử thách của thuốc Nam
Bá Tĩnh đã lập nhà trị bệnh ngay tại chùa Giao Thủy. Nhà chùa cũng dành cho Bá Tĩnh cả một khu đất rộng ngay cạnh chùa để trồng các cây thuốc quý. Nhưng người đến xem mạch chữa bệnh ở đây rất ít. Dân chúng dù yêu mến Bá Tĩnh, nhưng vẫn tìm đến các thầy thuốc Bắc. Bá Tĩnh băn khoăn lắm. Có thể do ta mới vào nghề. Bá Tĩnh thầm nghĩ – lại chủ trương dùng Nam dược nên dân chúng chưa tin, trong khi ấy, thôi sùng bái Trung y, phục thuốc Bắc ăn sâu đến nỗi ngay cả những người nghèo, phải đi vay nợ để chữa bệnh họ cũng không ngần ngại. Giữa lúc Bá Tĩnh gặp khó khăn ấy, các thầy thuốc trong vùng vốn cho Bá Tĩnh coi trọng thuốc Nam là điên rồ, có dịp dè bỉu, khích bác.
Một vài danh y trong vùng có lần tới chùa Giao Thủy, hỏi Bá Tĩnh:
– Tôi nghe nói ngài mở nhà trị bệnh bằng thuốc Nam to lắm nên tôi xin học hỏi những điều hơn người.
Biết danh y nói kháy, Bá Tĩnh thận trọng đáp:
– Thưa ngài, tôi học vấn sơ sài, vào nghề thuốc chưa lâu cần học hỏi ngài chứ đâu dám tự cho mình làm cái việc dạy bảo vô lễ ấy. Và chăng, tôi không coi nghề thuốc là nghề kiếm sống để nhắm mắt chạy theo lợi lộc.
– Ồ, thật là quý hóa – Nhưng cũng phải sống mới làm được thuốc chứ. Xem ra thì nhà chữa bệnh của ngài không có khách – Vị danh y cười tủm tỉm. Mà không có khách cũng là phải thôi.
– Ngài cứ dạy tiếp.
– Cổ nhân nói: “Đạo làm thuốc như đạo làm tướng”. Vậy nên người thầy thuốc không thể dùng mấy thứ lá lẩu lăng nhăng để đùa với tử thần được. Ngài mồ côi sớm, không được học đến đầu đến đũa nên không thấy khó khăn, vất vả của đạo làm thuốc đó thôi.
Bị xúc phạm tới cảnh đời tư, Bá Tĩnh cố kìm cơn phẫn nộ, mềm mỏng:
– Xin ngài cứ nói hết lời.
– Cho nên, tôi lấy tình thương xin thành thật khuyên ngài, nghề thuốc khó kiếm sống lắm. Ngài nên chọn nghề khác dễ dàng hơn, hoặc đi theo Trung y; chỉ cần bỏ tiền mua trữ thuốc là có lời trông thấy.
– Hóa ra thế – Bá Tĩnh mát mẻ nói – khi trước nghe lời đồn đại, tôi trưởng ngài tài giỏi lắm. Nhưng nay thì tôi đã rõ. Ngài buôn thuốc nhiều hơn là hành nghề thuốc. Còn tôi, chính vì tôi mồ côi sớm nên tôi không muốn cho ai phải mồ côi như tôi. Tôi không coi thường thuốc Bắc, nhưng thuốc Bắc sang ta ít, nó lại nằm trong nhà các ngài, trăm họ không phải ai cũng lo đủ tiền để mua được. Ngài có thuốc Bắc, tôi có thuốc Nam. Thuốc Nam chữa người Nam sao lại không dùng được? Tôi không ngờ trong đạo làm thuốc cũng có lối luồn cúi, lệ thuộc như thế.
Sau chuyện ấy, Bá Tĩnh suy nghĩ nhiều lắm. Nhưng cũng từ va chạm đó, Bá Tĩnh càng quyết đi sâu học hỏi hơn nữa. Dân chúng ít đến xem bệnh thì ta đi xem bệnh cho dân chúng – Bá Tĩnh nhẫn nhục quyết định. Vì vậy, nghe nói trong vùng nhà nào có người đau ốm, Bá Tĩnh đều lần tới tìm cách cữu chữa không lấy tiền. Một lần nghe nói cuối làng có đứa bé bị hóc, uống thuốc Bắc không khỏi, Bá Tĩnh đến xem bệnh và chỉ cho nuốt hai cục mỡ lợn là khỏi hẳn. Gia đình cháu bé cảm cái đức của Bá Tĩnh, rối rít cảm ơn và nằng nặc tạ lại đôi gà thiến, nhưng Bá Tĩnh nhất định không lấy. Một lần khác, Bá Tĩnh cũng tự tìm đến chữa khỏi bệnh sản hậu cho một thiếu phụ trẻ bằng hoa kinh giới và hạt đào nhân, sau khi gia đình này đã mang nợ vì chạy thuốc.
Tuy thế, những cố gắng của Bá Tĩnh không phải một lúc đã chinh phục được lòng tin của dân trong vùng. Nhiều người nghèo vẫn đi vay nợ để chạy thuốc Bắc, chứ chưa chịu tin vào những vị thuốc Nam rẻ tiền dễ kiếm của Bá Tĩnh. Ta muốn làm phúc cho muôn họ – Bá Tĩnh buồn rầu tự nhủ – mà làm phúc cũng không dễ được tin.
Trong lúc đang băn khoăn, Bá Tĩnh được tin năm sau vua Trần Duệ Tông mở khoa thi Đinh lấy tiến sĩ [15]. Nhớ lại lần va chạm hôm nào và cảm thấy nếu đỗ đạt cao, con đường làm thuốc sẽ dễ dàng hơn, nên Bá Tĩnh quyết định đi thi. Từ đấy, ngoài việc chữa bệnh cho dân, chăm sóc cây thuốc trong vườn chùa, Bá Tĩnh ngày đêm sôi kinh nấu sử chờ khoa thi.
Phần III – Danh y – Thiền sư Tuệ Tĩnh
Yết kiến vua Trần Duệ Tông
Bá Tĩnh cùng các tân khoa tiến sĩ đang chuẩn bị lên ngựa đi diễu xem các phố xá Thăng Long, thì được lệnh vua vời đến. Trên đường tới cùng vua, phải đi ngang qua nơi mà ban sáng vừa thiết đãi triều làm lễ truyền lô [16], lĩnh mũ áo, nhất là qua dinh bộ Lễ vừa mới tan tiệc yến, Bá Tĩnh càng thêm hồi hộp.
Vừa trông thấy vua Duệ Tông ngồi trên bệ rồng giữa hai hàng văn võ đại thần, Bá Tĩnh vội quỳ xuống thi lễ.
– Hoàng thượng cho bình thân – viên quan nội giám nhắc Bá Tĩnh, rồi bảo Bá Tĩnh tiến lên.
– Trẫm nghe nói – Vua Trần Duệ Tông cất tiếng hỏi – Khanh từ chỗ khổ học mà đỗ được tiến sĩ, như vậy là rất đáng khen. Trẫm cũng nghe nói lâu nay khanh dày công nghiền ngẫm đạo làm thuốc và thu góp được nhiều phương thuốc hay, việc ấy đến đâu?
– Muôn tâu hoàng thượng – Bá Tĩnh đáp – thần sống ở nơi thôn dã, thương dân lành ốm đau tật bệnh nên để tâm tới việc học thuốc đã lâu. Nhưng thần chỉ chuyên chú về thuốc Nam và các phương thu thập được tuy nhiều nhưng chưa biết công hiệu thực hư ra sao!
– Trẫm muốn cho khanh làm quan Ngự y. Chẳng hay ý Khanh ra sao?
Bá Tĩnh lo lắng:
– Muôn tâu hoàng thượng, được hoàng thượng giao phó cho việc lớn, thần xin rập đầu lạy tạ, đâu dám chối từ. Nhưng ngặt vì thần tài hèn sức mọn, lại chuyên tâm Nam dược, chỉ hợp trong việc trị bệnh cho lương dân.
Vua thầm nghĩ: lời đồn đại về đức rộng của Bá Tĩnh quả không ngoa, con người này lúc nào cũng nghĩ đến dân lành. Tuy thế, vua chỉ nói:
– Trẫm hỏi ý Khanh là để minh chứng cho lòng trẫm yêu quý khanh chứ trẫm đâu nỡ ép. Và, biết chăm lo cho thần dân cũng là lo cho tính mệnh của trẫm rồi. Khanh có cần trẫm giúp đỡ gì không?
– Được hoàng thượng khích lệ nhìn tới, thần chỉ biết gắng công để báo đền.
Sau đó, Bá Tĩnh lại họp mặt với các bạn đồng khoa. Ai cũng tiếc cho Bá Tĩnh để lỡ một dịp được quyền cao chức trọng. Nhưng Bá Tĩnh chỉ mỉm cười mà không trả lời.
Cáo quan trở về nghiên cứu Nam dược
Người dân vùng Giao Thủy nô nức đi đón vị tân khoa tiến sĩ theo nghi lễ, với tất cả lòng tự hào của họ. Biết tin Bá Tĩnh không ra làm quan theo ý vua, mà trở về theo đạo làm thuốc, khiến cho ai nấy càng thêm yêu mến và kính trọng. Còn Bá Tĩnh, Bá Tĩnh cũng không ngờ việc đỗ đạt của mình đã đem lại uy tín và lòng tin của trăm họ đến thế. Bá Tĩnh không bao giờ quên được ánh mắt tỏ rõ lòng ngưỡng mộ của dân chúng hôm Bá Tĩnh từ kinh trở về. Bá Tĩnh càng hài lòng về quyết định không ra làm quan của mình. Phải xứng với lòng tin yêu mến ấy của muôn họ – Bá Tĩnh tự nhủ. Và, từ hôm trở về, Bá Tĩnh lại dốc sức vào việc trị bệnh, trồng thuốc và tiếp tục thu thập những phương thuốc quý trong dân gian.
Một hôm, Bá Tĩnh đang loay hoay tưới cho những cây thuốc trong vườn chùa thì mấy vị danh y trong vùng đến gặp Bá Tĩnh. Vừa bước vào nhà thuốc, Bá Tĩnh sửng sốt nhận ra một gương mặt quen. Bá Tĩnh chưa kịp nhớ ra, người ấy đã đến vái Bá Tĩnh, nói:
– Chúng tôi xin có lời mừng ngài tân khoa tiến sĩ.
– Xin đa tạ tấm lòng các ngài – Nhưng các ngài hiểu giùm, đi thi không phải là một chủ định lớn của tôi, cũng chỉ là vì để đạo làm thuốc được dễ dàng mà thôi.
– Ngài vẫn chưa bỏ lỗi cho tôi à!
– A, hóa ra là ngài – Bá Tĩnh sững sờ khi nhớ ra vị danh y khi trước đã đến khích bác mình – tôi đâu để bụng những chuyện ấy.
Vị danh y mặt đỏ bừng, nói:
– Khi trước, chúng tôi có nhiều lầm lẫn, tưởng ngài là người ít học. Nay mới biết là bậc tài năng lỗi lạc chúng tôi không thể nào theo kịp. Chúng tôi đến tạ lỗi và xin nhập môn với ngài để ngài tùy ý sai bảo.
Ra họ sùng bái khoa bảng – Bá Tĩnh nghĩ thầm. Nhưng vốn là người rộng lượng, Bá Tĩnh lộ rõ vẻ mừng rỡ:
– Các ngài quá khen. Nhưng nếu được các ngài chung lưng đấu cật thì môn thuốc Nam của người Nam ta chẳng mấy chốc phát đạt.
Có người tự nguyện đến giúp sức, bệnh nhân đến chữa ngày một đông, Bá Tĩnh thấy rõ cần phải mở rộng quy mô nhà trị bệnh, và bằng thực tế việc chữa bệnh để tìm ra những phương thuốc hay, những vị thuốc mới. Ý nghĩ mở lớp học Đông y và viết ra bộ sách chỉ dẫn các phương pháp để phòng và chữa bệnh bằng thuốc Nam sẵn có rẻ tiền dễ kiếm, cùng các phép ngoại khoa đơn giản và tiện dụng, như xông hơ, chườm cứu, nắn bó, đắp rịt thuốc, thổi thụt để thông quan khai khiếu đã thôi thúc Bá Tĩnh làm việc say sưa không biết mệt. Và, để có danh nghĩa sắp đặt công việc, Bá Tĩnh quyết định đi tu [17].
Thiền sư Tuệ Tĩnh – người thầy tâm huyết với nghề y
Quyết định đi tu trở thành sư chủ trì chùa Giao Thủy, đã tạo điều kiện cho Tuệ Tĩnh [18] dễ dàng mở rộng công việc từ thiện và điểu khiển các tăng đồ theo ý mình. Tăng đồ các chùa trong vùng hết đợt này đến đợt khác kéo đến chùa Giao Thủy để học làm thuốc. Thực tế giảng dạy đòi hỏi Tuệ Tĩnh cần phải viết gấp bộ Hồng nghĩa giác tư y thư [19],nhằm ghi lại những lý luận đơn giản về y học và dược học để các tăng đồ biết chẩn đoán bệnh và các phân tích gia giảm các phương thuốc nhất là việc chọn lọc các vị thuốc thích dụng.
Nhờ đào tạo được nhiều tăng đồ am hiểu y học, dược học, lại được người dân hết lòng hưởng ứng, Tuệ Tĩnh đã đi khắp đây đó, điều khiển việc tu bổ 24 ngôi chùa khác nhau. Tại những ngôi chùa này, Tuệ Tĩnh lo việc trồng thuốc, kiếm thuốc, chế thuốc vừa để chữa bệnh giúp dân nghiên cứu trên lâm sàng và truyền bá rộng rãi cho nhân dân ứng dụng. Không nơi nào có bệnh khó, bệnh lạ lại không có mặt Tuệ Tĩnh. Không có bệnh nguy hiểm nào, Tuệ Tĩnh lại ngần ngại từ nan. Tuệ Tĩnh đã dành tất cả tài năng, sức lực và tình thương chăm sóc người bệnh. Đối với Tuệ Tĩnh, uy quyền, danh lợi, giàu nghèo, sang hèn không ảnh hưởng đến thái độ chăm sóc. Hơn thế nữa, Tuệ Tĩnh dành sự đối xử ân cần đặc biệt cho người nghèo. Kể rằng có lần một quý tộc trong vùng cho con đến mời danh y Tuệ Tĩnh vào tư dinh để xem bệnh đau lưng cho mình. Tuệ Tĩnh sắp sửa đi thì đột ngột cặp vợ chồng nông phu mếu máo khiêng đến nhà bệnh của Tuệ Tĩnh, đứa con bị ngã gẫy đùi. Tuệ Tĩnh xem mạch cậu bé rồi bảo người con nhà quý tộc:
– Anh về thưa với cụ nhà rằng ta sẵn lòng đi, nhưng ngặt vì bận cứu chữa chú bé này.
Con nhà quý tộc sửng sốt:
– Xin ngài đến đằng dinh tôi trước. Bọn gia nô đã đem võng cáng đợi sẵn ở ngoài kia.
– Không – Tuệ Tĩnh phác một cử chỉ dứt khoát – ta phải chữa gấp cho chú bé này. Nếu chậm tất có hại.
Tuệ Tĩnh bắt tay ngay vào việc không chú ý đến thái độ hậm hực của người con nhà quý tộc. Qua gần trọn buổi, bằng những thứ thuốc Nam dễ kiếm, Tuệ Tĩnh đã cứu được cậu bé con nhà nông phu. Nhìn cậu bé đã được bó chân nằm ngoan ngoãn trên giường bệnh, Tuệ Tĩnh thở phào nhẹ nhõm.
Vợ chồng người nông phu tiến đến trước mặt Tuệ Tĩnh, cảm động nói:
– A đi đà phật! Nếu không có y sư ra tay cứu giúp, tính mạng cháu khốn mất. Ơn này biết lấy gì đền đáp được!
– Người nghèo cứu giúp nhau lúc hoạn nạn, sao ông bà lại nói ơn với huệ? Thôi, ông bà yên tâm mà về, chỉ một tuần trăng là chú bé sẽ đi lại như thường.
Trời gần tối, nhưng chợt nhớ ra cần phải đến xem bệnh cho người quý tộc đến mời từ trưa, Tuệ Tĩnh vội gọi một tăng đồ đi theo, không kịp cả cơm nước.
Cùng với sự tận tụy chữa bệnh của danh y Tuệ Tĩnh, môn thuốc Nam ngày càng có uy tín và được truyền bá rộng rãi không ngờ. Nhiều gia đình tự trồng thuốc và tự chữa lấy những bệnh đơn giản. Cần phải truyền lại kinh nghiệm cho tất cả mọi nhà một cách rõ ràng rành mạch. Nghĩ vậy nên mặc dù mới biên soạn xong bộ “Hồng nghĩa giác tư y thư” , Tuệ Tĩnh cần nghỉ ngơi dưỡng sức, nhưng do nhu cầu thôi thúc, Tuệ Tĩnh lại say sưa bắt tay vào soạn bộ “Nam dược thần hiệu” – bộ sách mà Tuệ Tĩnh đã thai nghén từ lâu, tài liệu thu thập cho nó bắt đầu từ mười năm trước [20].
Bằng 580 vị thuốc Nam, 10 khoa chữa bệnh tổng hợp, 3.873 phương thuốc dân tộc ứng trị cho 184 loại bệnh mà Tuệ Tĩnh đã dày công nghiên cứu, thể nghiệm qua thực tế chữa bệnh, Tuệ Tĩnh đã công phân ra từng loại bệnh chi tiết để biên soạn. Trong mỗi loại bệnh, Tuệ Tĩnh nêu rõ nguyên nhân, bệnh lý phương pháp trị liệu rồi tổng hợp các nghiệm phương cổ truyền, ứng theo triệu chứng.
Đến khi đưa hai bộ sách cho các tăng đồ đóng, xén, Tuệ Tĩnh bàng hoàng thấy từ ngày bắt đầu viết đến lúc hoàn thành thoắt đã 9 năm trôi qua [21], Tuệ Tĩnh đọc lại từng trang sách và hài lòng vì mỗi loại bệnh, Tuệ Tĩnh đã ghi được nhiều phương thuốc điều trị và mỗi phương thuốc ấy, đều là những kết quả rút ra từ thực tế chữa bệnh [22].
Người dân vùng Giao Thủy vô cùng tự hào về người ân nhân tài năng lỗi lạc của họ. Cái tên danh y Tuệ Tĩnh đã trở thành niềm tin của họ trong đời sống hàng ngày và cả trong ước mơ. Nơi nào Tuệ Tĩnh từng đi qua, nơi ấy nhắc nhở tới công ơn và nuôi mãi hình ảnh của Tuệ Tĩnh. Nhiều danh y nghe biết về quy mô bộ sách đã lặn lội tìm đến chùa Giao Thủy xin xem cho bằng được. Trong số họ, có người trở về đã lập bàn thờ sống Tuệ Tĩnh để tỏ rõ lòng khâm phục về đức độ và tài năng của nhà đại danh y [23].
Tiếng vang của bộ sách và phép trị bệnh giỏi của Tuệ Tĩnh đến tai vua Trần, truyền sang cả nước Minh. Còn Tuệ Tĩnh, lúc ở chùa này khi đến chùa khác, vẫn đang dốc toàn tâm lực vào việc chuyển họa vi phúc, khởi tử hồi sinh cho muôn dân.
Vua Trần cống nạp danh y Tuệ Tĩnh cho nhà Minh
Ba tên lính cấm vệ đeo kiếm đang phóng ngựa chạy như bay về phía chùa Giao Thủy. Vượt qua cầu, rẽ vào chùa, đột nhiên chúng cho ngựa chạy chậm lại. Tên lính đầu nói:
– Nhà vua đã dặn rõ, thiền sư Tuệ Tĩnh được lòng dân lắm nên không được trùng trình, lỡ hỏng việc.
– Phải bắt đi ngay chiều nay sao? – tên lính thứ hai hỏi lại.
– Chứ để qua lại một đêm, nhỡ có chuyện gì thì sao?
Tên lính đi thứ ba lúc này mới lên tiếng:
– Sao vua ta không bãi cái lệ cống người này đi nhỉ. Nghe nói nhà Minh bắt vua ta phải nộp 20 người có tài khéo, nghề tinh. Trong số ấy, chúng ghi đích danh y sư Tuệ Tĩnh.
– Thôi đấy, đừng có nhiều sự. Mất đầu như chơi.
Tới chùa Giao Thủy, ba tên lính xuống ngựa, tiến thẳng vào chùa.
– Y sư Tuệ Tĩnh có ở chùa không? – tên lính đi đầu hỏi chú tiểu khi chú này hớt hải chạy ra.
– Bẩm ngài, y sư của chúng tôi đang ở dưới vườn thuốc.
– Gọi ngay về đây, ta có việc cần.
Một lúc sau thiền sư Tuệ Tĩnh và các sư sãi, tăng ni bước tới trước mặt ba tên lính.
– A di đà phật! Chúng tôi cần gặp y sư Tuệ Tĩnh.
– Chính ta là Tuệ Tĩnh đây – Tuệ Tĩnh khẳng khái trả lời – các ngươi có việc gì cần?
– Có chiếu chỉ của Hoàng Thượng mời y sư về kinh ngay – Tên lính quỳ xuống dâng tờ chiếu.
Tuệ Tĩnh mặt biến sắc nhưng vẫn đón lấy tờ chiếu theo đúng lễ:
– Có chuyện gì thế này? Tuệ Tĩnh hỏi – sau khi đọc xong tờ chiếu.
– Chúng tôi chỉ tuân theo lệnh nhà vua – vẫn tên lính lúc nãy trả lời.
– Các ngươi có thể để thư cho sáng mai được không? Quần áo ta lấm láp thế này đi ngay sao tiện.
– Nhà vua truyền phải đi ngay. Vả trời cũng đã về chiều rồi. Đây là ngựa của y sư – tên tính giọng hơi sẵng, chỉ vào con ngựa đã được dắt tới.
Đột nhiên một tiếng nấc bật lên trong đám sư sãi, tăng ni, rồi nhiều người cùng khóc. Tuệ Tĩnh gượng cười quay lại an ủi:
– Ở hiền thì gặp lành. Ta đi rồi ta về, việc gì mà khóc.
Nói rồi không đợi tên lính giục, Tuệ Tĩnh lên ngựa phóng đi trước.
Ra khỏi chùa, thiền sư Tuệ Tĩnh bảo mấy tên lính:
– Ta ngờ rằng Hoàng Thượng bắt ta đem cống cho người Minh!
Cả ba tên lính đều cúi đầu im lặng.
– Ta không tiếc thân ta. Nhưng thiếu ta các tăng đồ của ta khó mà chữa khỏi tất cả các bệnh nhân đang được cứu chữa – ngừng lại để nén xúc động, Tuệ Tĩnh tiếp – Ta tiếc rằng ta phải đi quá sớm. Ta còn bao nhiêu việc cần phải làm. Ta cũng chưa kịp bàn soạn, giao phó công việc cho các tăng đồ của ta.
Ngựa đã phóng qua khỏi địa phận chùa Giao Thủy. Bất giác Tuệ Tĩnh quay lại ngắm nhìn ngôi chùa lần cuối. Ba tên lính mủi lòng khi thấy ở khuôn mặt phúc hậu nhưng cứng cỏi của nhà đại danh y, đã đầm đìa nước mắt. Nhưng Tuệ Tĩnh đã lại phóng ngựa đi, vì từ phía ấy Tuệ Tĩnh thấy các sư sãi, tăng ni đang tất tả chạy theo, hình như họ đang khóc, Tuệ Tĩnh khẽ thở dài rồi dùng vạt áo nâu sồng lau khô những dòng nước mắt. Ta lau những dòng nước mắt cuối cùng – Tuệ Tĩnh thì thầm với mình – hình như chùa Giao Thủy đã khuất từ lâu rồi [24].
Biết mình không trở về nước và sẽ chết ở bên ấy. Tuệ Tĩnh đã khắc một tấm bia nói: “Về sau có ai sang thì cho xác tôi về với”. Đời sau, khoảng năm 1670, có Nguyễn Danh Nho, người cùng làng, đi sứ sang Trung Quốc, nhân thấy văn bia ấy bèn rập đưa về Hải Dương, thuê khắc một tấm bia khác đem về làng để thờ. Khi đưa bia về, vì bị lụt, bia rơi xuống giữa cánh đồng giáp giới thôn Văn Trại và Nghĩa Phú. Sau dân làng đắp ở chỗ ấy một cồn cát để dựng bia và xây một cái bệ để thờ tại đấy, gọi là “Đền Bia”.
Câu chuyện về Danh y – Thiền sư Tuệ Tĩnh – LichSu.Org
Theo Quỳnh Cư
Chú thích trong câu chuyện về Danh y – Thiền sư Tuệ Tĩnh
- Tuệ Tĩnh tên thật là Nguyễn Bá Tĩnh, sinh năm 1341. Bị bắt sang triều Minh năm 1386, lúc ông mới 45 tuổi.
- Thuộc trấn Sơn Nam (Thái Bình – Nam Định)
- Đó là quan điểm của bọn quý tộc nhà Trần về mấy đời sau.
- Quê Tuệ Tĩnh ở làng Nghĩa Phú, tổng Văn Trai, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương.
- Theo Lê Trần Đức (Viện Đông Y) gia đình Tuệ Tĩnh là bần nông.
- Thời kỳ này, đạo Phật vẫn còn thịnh, quý tộc Trần vẫn hay đem tiền của, ruộng vườn cúng vào nhà chùa. Riêng Văn Huệ Vương Trần Quang Triều đã cúng cho nhà chùa một nghìn mẫu ruộng là một ví dụ.
- Thời này, người tu hành vẫn có thể lập gia đình.
- Phép âm dương ngũ hành, triết học cổ đại ở vùng Á Đông. Âm dương: nói về quy luật mâu thuẫn thống nhất của sự vật. Ngũ hành: đúng quy luật thúc đẩy và hạn chế của 5 loại vật rất cơ bản: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ để nói lên mối liên quan mật thiết của vạn vật.
- Tam khôi: năm 1247, vua Trần đặt ra 3 học vị: Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa cho kỳ thi Đình.
- Bát chính bao gồm:
1. Chính kiến: thành thực mê tin đạo.
2. Chính tư duy: thành thực mà suy xét.
3. Chính ngữ: thành thực mà nói năng.
4. Chính nghiệp: thành thực mà làm việc.
5. Chính mệnh: thành thực mà mưu sinh.
6. Chính tính tiến: thành thực mà mong tới.
7. Chính niệm: thành thực mà tưởng nhớ.
8. Chính định: thành thực mà ngẫm nghĩ. - Dược thư pháp có từ năm 2838 trước công nguyên, do Thần Nông soạn ra.
- Trần Anh Nông (1293 – 1313) đã lập ra Thái y viện, nhằm phát triển thuốc Nam.
- Những vườn thuốc này được vua Trần khuyến khích trồng từ cuối thế kỷ XIII. Có tài liệu cho là do Trần Hưng Đạo chăm lo.
- Kinh trị: các phương thuốc đã được ứng dụng. Truyền trị: các phương thuốc truyền miệng trong dân gian.
- Năm 1371, vua Trần Duệ Tông mở khoa thi này lấy tiến sĩ. Nhưng người đương thời vẫn quen miệng gọi là “thái học sinh”. Mãi năm 1442, đời Lê Thái Tông, danh hiệu Thái học sinh mới mất hẳn. Danh hiệu Thái học sinh có từ năm 1232 đời Trần Thái Tông. (Chú theo Dương Quảng Hàm trong “Việt Nam văn học sử yếu”).
- Lễ truyền lô: lễ xướng danh.
- Theo tài liệu của cụ Lê Trần Đức, Viện Đông y, Bá Tĩnh đi tu năm 35 tuổi, nghĩa là sau khi đỗ tiến sĩ.
- Đi tu Bá Tĩnh lấy pháp hiệu là Tuệ Tĩnh.
- Bộ sách này gồm 2 quyển: Nam dược quốc ngữ phú, Trực giải chỉ nam dược tính phú. (lý luận cơ bản của Đông y và phương pháp biện chứng luận trị với sự vận dụng 13 cổ phương pháp giảm, bằng quốc âm).
Bộ sách này được triều Lê khắc in năm 1717 (Theo Lê Trần Đức, trong Nghiên cứu lịch sử, số 100). - Bộ Nam dược thần hiệu gồm 11 quyển. Trong bộ sách này, Tuệ Tĩnh chia ra các loại bệnh như sau: bệnh trúng (ngoại cảm), bệnh về khí, bệnh về huyết, bệnh có đau, bệnh không đau, bệnh chín khiếu, bệnh nội thương, bệnh phụ nữ, bệnh trẻ em, bệnh ngoại khoa, thương khoa kèm theo môn thuốc chữa bệnh gia súc.
- Thời gian biên soạn hai bộ sách ấy chừng 9 năm. Nếu kể cả công sưu tầm tư liệu thì tới trên dưới 20 năm.
- Qua tác phẩm, Tuệ Tĩnh tỏ ra tin tuyệt đối vào cách chữa của mình. Có thể đó là một nhược điểm của Tuệ Tĩnh.
- Theo truyền thuyết, điều này cũng lặp lại đối với Hải Thượng Lãn Ông sau này.
- Tuệ Tĩnh bị bắt sang Trung Quốc năm 45 tuổi. Truyền rằng, lúc đầu Tuệ Tĩnh được vua Minh phong cho chứ Y tư cửu phẩm. Sau có công chữa khỏi bệnh sản hậu cho Minh hoàng hậu nên được phong là Đại y thiền sư.
Những câu chuyện kể về danh nhân Việt Nam
Trong suốt chiều dài lịch sử hào hùng của dân tộc, có rất nhiều các bậc danh nhân nổi tiếng được người dân yêu mến, kính trọng, lập đền thờ tưởng nhớ. Những câu chuyện về họ đôi khi được truyền thuyết hóa thành những câu chuyện dân gian lưu truyền từ đời này sang đời khác.
Ngoài câu chuyện nói về Danh y – Thiền sư Tuệ Tĩnh, để giúp các bạn có cái nhìn sâu hơn về lịch sử của dân tộc, LichSu.Org xin giới thiệu đến bạn đọc những câu chuyện kể về các bậc danh nhân Việt Nam vô cùng hấp dẫn qua từng giai đoạn lịch sử.