Chuyện kể về Nguyễn Xí
Chuyện kể về Nguyễn Xí – một danh tướng uy dũng của Lê Lợi đã lập được nhiều đại công trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược.
1. Nguyễn Xí cùng Đinh Lễ bàn mưu tính kế
Một đêm vào cuối mùa thu năm Bính Ngọ (1426), trời Lam Sơn trong vắt, nhiều sao. Khi mảnh trăng hình lưỡi liềm nhô lên sau đỉnh đồi, núi rừng Lam Sơn đã rầm rập bước chân người. Đây là lần thứ ba, trong vòng hơn một tháng, các đạo quân Lam Sơn tiến ra Đông Quan. Hai ngàn quân tinh nhuệ nối nhau dưới chân đồi, đợi lệnh lên đường.
Ngồi trên lưng ngựa, viên thượng tướng trẻ tuổi len giữa hàng quân, chờ đợi.
Đã hơn 10 năm, từ khi rời quê hương huyện Chân Phúc [1] về Lam Sơn tìm minh chủ để giết giặc cứu nước cứu nhà đến nay, không biết bao nhiêu lần người con trai ấy cùng đội thiết đột của mình xông vào trại giặc. Từ lúc nghĩa quân còn bị vây khốn ở Chí Linh đến trận đột kích đồn Đa Căng mở đường tiến vào Nghệ An (1424), rồi trận Bồ Đằng, trận Trà Long, trận Khải Lam, Bồ Ải và tiến lên vây thành Nghệ An, người con trai đất Chân Phúc đã cùng với nghĩa quân Lam Sơn sống những ngày gian khổ nhưng vô cùng oanh liệt. Trên đường tiến vào Nghệ An, mỗi bước quân đi là thành giặc tan tành, quân Minh kinh hồn bạt vía. Cho đến nay, suốt dải đất từ Thanh Hóa trở vào hầu như vắng bóng giặc. Chúng hoảng sợ, rút vào cố thủ trong một số thành trì, chịu số phận cá nằm trên mặt thớt.
Năm tháng trôi đi, cùng với nghĩa quân trưởng thành trong chiến đấu, người con trai vốn quen nghề buôn muối [2] ấy đã trở thành viên thượng tướng của đoàn quân bách chiến.
Mặt trăng mỗi lúc một lên cao, tiếng gà gáy sáng đã vang rộn, viên thượng tướng lại càng sốt ruột vì chưa thấy phát lệnh xuất quân. Vừa lúc đó người lính hầu cận của quan Tư Không Đinh Lễ từ đầu đoàn quân phi ngựa tới:
– Thưa thượng tướng, tiền quân đã chuẩn bị xong, xin thượng tướng cho quan Tư Không biết tình hình hậu quân ra sao?
– Ta đang chờ lệnh chuyển quân, mọi việc đã xong xuôi. – Viên thượng tướng vừa dứt lời, không kịp chào người lính đã quay ngựa. Một lát sau, tiếng pháo lệnh xé trời. Viên thượng tướng xuống ngựa, trao cương cho người lính tùy tòng, hòa mình vào đoàn hậu quân, bước vội trên đường đồi quen thuộc.
Viên thượng tướng trẻ tuổi đang cùng đại quân tiến như vũ bão về phía sào huyệt của giặc, chính là Nguyễn Xí.
Phía Đông Nam thành Đông Quan, làng Thanh Đàm nằm bên dòng Nhị Hà vẫn yên tĩnh. Trong khi đó ở các mặt Tây, Tây Nam sào huyệt của giặc, chiến sự không mấy ngày không xảy ra. Nhưng bên trong cái vẻ yên tĩnh bề ngoài ấy, làng Thanh Đàm và các vùng phụ cận đang như một đống lửa ủ kín, đợi dịp để bùng lên.
Hơn một tháng trời lặng lẽ đóng quân ở đây, mấy hôm nay đạo quân thứ ba của nghĩa quân Lam Sơn đang gấp rút sửa soạn nhận lệnh mới.
Sau khi đi kiểm tra lại các cơ ngũ, thượng tướng Nguyễn Xí trở về bản doanh thì đã xế chiều. Tháng 10 ngày ngắn trời lấm tấm mưa, thời tiết bắt đầu lạnh. Vừa đặt người xuống ghế ngồi chưa ấm chỗ, Nguyễn Xí được tin quan Tư Không Đinh Lễ trở về. Nguyễn Xí vội vã đi ra cửa. Trông thấy Đinh Lễ, Nguyễn Xí không ngăn nổi vui mừng:
– Ngài từ Cao Bộ về phải không? Tôi đang mong đợi.
Nhìn viên thượng tướng trẻ vạm vỡ, võ phục gọn gàng, lúc nào cũng ở tư thế sẵn sàng xung trận. Đinh Lễ thầm phục Bình Định Vương đã khéo dùng người và luyện tướng. Giá như lúc bình thường thì Đinh Lễ đã kéo viên thượng tướng dưới quyền mình và cũng là người bạn chiến đấu tâm phúc dềnh dàng bên vò rượu nóng để bàn luận việc quân cơ. Nhưng lúc này thì không được. Vừa bước vào nhà, Đinh Lễ vừa báo tin:
– Tình hình khẩn cấp rồi đó!
Không cần suy nghĩ, Nguyễn Xí nắm chặt đốc gươm trả lời:
– Thưa ngài, đại quân của chúng ta chỉ đợi lệnh là lên đường.
Đinh Lễ ngồi yên lặng, nhìn những hạt mưa bay lất phất ngoài trời.
Trong căn nhà lá, ngồi đối diện với Đinh Lễ bên án thư, Nguyễn Xí nhận thấy vừa mới mấy ngày qua mà khuôn mặt quan Tư Không đã gầy sút hẳn đi. Nguyễn Xí biết lắm. Nằm lì ở Thanh Đàm cùng với đại quân, nhưng hàng ngày Nguyễn Xí vẫn theo dõi sát diễn biến ở chiến trường. Tổng binh Vương Thông đem 8 vạn quân từ thành Đông Quan kéo ra mặt Tây Nam đóng quân ở ba nơi: bến Cổ Sở [3], cầu Sa Đối [4], và cầu Thanh Oai [5], hình thành thế chân vạc. Hắn định một trận là quét sạch đạo quân của Thái Úy Lý Triện đang hoạt động ở đấy. Rồi đó, chiến trận xảy ra ở Cổ Lãm [6], Sơn Thọ, Mã Kỳ phải bỏ Thanh Oai chạy về Đông Quan để lại 1.000 xác chết và 500 quân bị bắt sống. Đến lượt Phương Chính, Lý An hoảng sợ phải bỏ cầu Sa Đối. Vương Thông tập trung quân về bến Cổ Sở. Và Cổ Sở cũng bị ta tấn công. Với số lượng ít hơn quân giặc nhiều lần mà phá tan kế tấn công của giặc dữ không phải là chuyễn dễ. Trong cuộc đọ sức cực kỳ anh dũng và mưu lược ấy, quan Tư Không đã góp phần điều binh khiển tướng. Trong lúc đó Nguyễn Xí vẫn cùng đại quân nằm im ở Thanh Đàm. Mặc dù đã biết rõ nhiệm vụ quyết định vô cùng quan trọng của đạo quân do mình chỉ huy, nhưng trong những ngày chờ đợi, viên thượng tướng không phải không có lúc thầm ghen tị với đạo quân thứ nhất.
Đang lúc nóng lòng sốt ruột, thì Đinh Lễ từ mặt trận Tây Nam trở về, Nguyễn Xí nói với quan Tư Không:
– Thưa ngài, chỉ một đạo quân của Thái Úy Lý Triện, đã nhổ bật được hai vị trí Thanh Oai và Sa Đối, dồn chúng về bến Cổ Sở. Nếu có mặt đạo quân của ta nữa, lo gì chẳng bắt sống được Vương Thông.
Đinh Lễ vẫn yên lặng. Cái yên lặng kín đáo của người chỉ huy cao tuổi, đã dạn dày kinh nghiệm, khiến viên thượng tướng trẻ phải dè dặt, đến khó chịu. Không thể dằn lòng được Nguyễn Xí đứng dậy chống gươm:
– Vâng lệnh đại vương, chúng ta đem hai ngàn quân ra đây kìm chân giặc ở Đông Quan, đợi dịp đánh thẳng vào sào huyện của chúng. Nay Vương Thông sang, hắn hùng hổ kéo quân ra ngoài thành nhằm tiêu diệt đại quân của Thái Úy Lý Triện. Trong tình thế này còn nằm im mãi, nếu có cơ sự gì, lũ chúng ta còn mặt mũi nào mà nhìn đại vương nữa.
Thấy Nguyễn Xí nóng nảy, Đinh Lễ lại càng chậm rãi:
– Sau khi thăm dò lực lượng của Vương Thông ở Cổ Sở, đại quân của ta đã rút về Cao Bộ [7] để giữ chỗ hiểm. Hiện nay Vương Thông đang gấp rút tập trung lực lượng để hành quân tiêu diệt quân ta ở Cao Bộ đấy!
– Vương Thông dẫn đại quân tiến đánh Cao Bộ? – Nguyễn Xí hỏi dồn dập.
– Đúng thế, hắn mưu tập trung quân ở Ninh Kiều [8] rồi chia làm hai cánh kẹp chặt lấy Cao Bộ. Đạo quân của Thái Úy Lý Triện đang trong tình thế bị uy hiếp nghiêm trọng.
Nghe chuyện, Nguyễn Xí trừng mắt, đập tay xuống án thư, nói như thét bên tai Đinh Lễ:
– Từ ngày lũ chúng ta đi theo đại vương đến nay, trong lần bị vây khốn ở Chí Linh, tuyệt lương hàng tháng; khi ở Khôi Huyện quân tan không còn một lữ, ấy thế mà chúng không làm gì được ta. Nay ba đạo quân của chúng ta kéo ra đây theo lệnh của đại vương không phải để bó tay chịu cho chúng tiêu diệt. Lũ Vương Thông có tám vạn chứ tám mươi vạn quân, phỏng quân ta có sợ gì chúng. Trước tình thế này, mưu kế của các ngài ra sao?
Không trả lời thẳng điều Nguyễn Xí hỏi, Đinh Lễ chỉ nói nửa vời:
– Đã đến lúc cần đến đạo quân của chúng ta rồi đó.
Nguyễn Xí cau mày suy nghĩ. Con người vốn ưa hành động, sẵn sàng đánh giặc và quyết thắng giặc kỳ được của Nguyễn Xí lúc này bừng bừng như bốc lửa. Trong trí ông, khu đồng lầy vùng Cao Bộ mà ông đã có dịp đi qua hiện ra rõ rệt. Tám vạn quân Vương Thông hùng hổ dẫn xác đến đấy, trong khi quân của ta cả hai cánh chỉ có 6 ngàn người không kể một số lớn dân binh tham gia [9] ấy thế mà ông và các bạn chiến đấu của ông phải thắng và quyết thắng. Nguyễn Xí nói với Đinh Lễ:
– Quan Tư Không ạ, theo phép dùng binh, dử người tới chứ không để người dử tới. Nay Vương Thông hùng hổ, tự đắc dẫn quân đến Cao Bộ ấy là hắn đã bị ta dử đến rồi đó. Tôi xem ra vùng đất Tốt Động [10], Chúc Động [11] là chiến trường có lợi cho ta và sẽ là mồ chôn lũ giặc dữ. Cứ theo ý tôi thì ta sẽ hội quân mai phục ở dọc đường tiêu diệt giặc ngay giữa đồng lầy không cho chúng đặt chân đến Cao Bộ.
Đinh Lễ nghe, gật đầu mỉm cười. Quả rằng trong chiến đấu cứ mỗi lần chạm trán với quân giặc, Đinh Lễ lại càng thấy tài mưu lược của viên tướng trẻ họ Nguyễn. Trong khi họp bàn ở Cao Bộ, các tướng lĩnh quyết định phải cấp tốc điều đạo quân ở Thanh Đàm về ngay trong đêm nay để kịp phá giặc. Không có mặt trong cuộc họp, chỉ nghe qua tình hình mà Nguyễn Xí đã vạch được mưu kế phá giặc như lời bàn họp của hội đồng tướng lĩnh. Đinh Lễ cười cởi mở, đứng dậy vỗ vào vai Nguyễn Xí và nói nhỏ:
– Thượng tướng bàn thật xác đáng. Nội đêm nay chúng ta phải dẫn đại quân về Cao Bộ – Vạch tay trên mặt án thư. Đinh Lễ nói tiếp – Con đường từ Ninh Kiều vào Cao Bộ sẽ là nơi phục của quân ta đó. Theo tin thám báo thu được, nội đêm nay, khoảng canh tư canh năm, chính binh do Vương Thông cầm đầu gồm khoảng 6 vạn sẽ đi qua Tốt Động và Cao Bộ. Đạo quân của chúng ta có dịp lập công lớn rồi đó.
Nguyễn Xí nắm chặt tay:
– Quân ta ít nhưng tinh nhuệ, ai cũng hăm hở giết giặc để trả thù. Một người có thể địch được 10 tên giặc. Chúng ta chẳng những phá được đại quân của Vương Thông, mà còn đuổi chúng đến tận thành Đông Quan nữa chứ!
Hai người nhìn nhau cùng cười. Cái cười hả hê thoải mái của mối tình bạn thắm thiết đã từng thử thách trong chiến đấu, mà cũng là của những tướng lĩnh thao lược, luôn tỏ ra biết mình và biết người.
Trong ánh sáng lờ mờ của một buổi hoàng hôn vào ngày đầu tháng 10 [12] dưới làn mưa nhẹ, 3.000 quân cùng 2 thớt voi lặng lẽ nhưng vội vã rời làng Thanh Đàm.
Đống lửa ủ kín ở Đông Nam thành Đông Quan đã bắt đầu cời ra trước gió.
2. Chiến thắng Tốt Động – Chúc Động
Cánh đồng Tốt Động lầy lội và im ắng. Trong bóng tối mờ mờ của một đêm không trăng không sao, con đường độc đạo từ Ninh Kiều về Cao Bộ trườn qua cánh đồng lầy chỉ còn là một vệt xam xám im lìm lẩn vào đồng ruộng.
Vào đúng nửa đêm, cánh đồng Tốt Động như thức tỉnh. Ngoài tiếng gió thồi ù ù, người ta còn nghe thấy tiếng chân người bước rầm rập. Đạo quân thứ 3 từ Thanh Đàm đã về đây, đang gấp rút tản vào làng xóm và các gò đồng rậm rạp. Hai bên đường, trên mặt ruộng, quân chia nhau ngồi thu hình trong các mô rạ [13].
Sự thức tỉnh tạm thời của vùng đồng quê hẻo lánh cũng nhanh chóng tiêu tan. Làng xóm lại như trong giấc ngủ ngon lành. Làm sao có thể biết được trong cả vùng rộng lớn ấy, giữa một đêm đầu đông, hàng vạn quân dân, cả già trẻ lớn bé đều không ngủ và tỉnh táo hơn bao giờ hết. Người ta đang sống qua những khoảnh khắc căng thẳng nhất.
Đứng cạnh con voi chiến phủ phục trong lùm cây bên đường, Nguyễn Xí nắm chặt cây mâu trong tay. Đằng sau viên tướng trẻ là toán quân thiết đột thân tín. Nhìn bóng đêm dày đặc, cảnh vật im lìm. Nguyễn Xí rất hài lòng. Trong cuộc đọ sức này chỉ có việc đưa 4 ngàn quân [14] đến mai phục nhanh chóng và bí mật ở đây đã là giành được một nửa phần thắng lợi rồi. Nhìn về phía Chúc Động, ông thầm nghĩ: vào lúc này cánh quân của Phạm Văn Xảo, Đỗ Bí cũng đã ẩn kín trong núi rừng. Bây giờ đây Vương Thông với đại quân của hắn đang ở đâu?
Nặng nề và dai dẳng vẫn là thời khắc chờ đợi. Trong cuộc đời hơn 10 năm đánh giặc của mình, Nguyễn Xí đã bao nhiêu lần đợi giặc. Nhưng chẳng lần nào giống lần nào. Đây là lần đầu tiên ông đợi giặc trên mảnh đất gần sào huyệt của chúng, và là đợi một đạo quân đông đảo do chính tên Tổng binh Vương Thông mới hùng hổ dẫn binh từ bên nước hắn sang. Không có đạo viện binh này thì hà tất ông phải nằm lì ở Thanh Đàm đến hơn một tháng; có lẽ ông đã được lệnh dẫn quân vào chiếm Đông Quan rồi. Ấy cái nghề đánh giặc có nhiều chuyện bất ngờ như thế đó. Không gặp nhau ở Đông Quan thì gặp nhau ở đây, đâu cũng là đất trời của ta cả. Trong cuộc đọ sức này, chúng sẽ biết thế nào là sức mạnh của nghĩa quân Lam Sơn, là khí phách của đất trời Đại Việt. Từ nửa đêm, khi chia tay về vị trí chỉ huy của mình, Nguyễn Xí đã nói với Thái Úy Lý Triện và quan Tư Không Đinh Lễ rằng: “Lũ chúng ta quyết đánh bại Vương Thông, về đón đại vương ra đây, nếu không phải đem cái chết mà đền tội”. Rồi để chia tay, Thái Úy Lý Triện về với hậu quân, Nguyễn Xí về với trung quân của mình, còn Đinh Lễ ở với tiền quân. Họ hẹn nhau lấy đoạn đường gần ba dặm qua cánh đồng lầy Tốt Động làm mồ chôn quân giặc. Nguyễn Xí đang mải suy nghĩ thì từ Cao Bộ vang lên bốn tiếng trống cầm canh gióng giả. Vừa lúc đó có tiếng chân người bước vội vã. Một người lính từ chỗ Đinh Lễ đến báo cho Nguyễn Xí biết giặc đã sang sông, đang chia quân tiến vào Cao Bộ. Nguyễn Xí nắm chặt cây mâu, truyền cho quân sĩ sẵn sàng và nhắc lại lệnh:
– Pháo thứ nhất, ai nấy bất động [15], nghe pháo lệnh thứ hai, nhất tề xông lên!
Tiếng thì thầm nhắc bảo nhau truyền đi trong đêm tối.
Bên cạnh Nguyễn Xí, người lính quan sát đang nằm úp tai vào một tấm da căng trên miệng hố, vụt nhỏm dậy:
– Thưa thượng tướng, có tiếng rầm rập đang tiến gần về chúng ta.
– Được!
Nguyễn Xí nhảy lên mình con voi cùng với hai người lính hộ vệ. Con vật khổng lồ co chân chồm dậy, vắt vẻo vòi, đứng yên tại chỗ.
Trên mặt đường, giặc Minh nối nhau tiến vào.
Xóm làng đồng nội vẫn yên lặng.
Khi tiền quân của giặc do Thượng thư Trần Hiệp dẫn đầu vượt khỏi vị trí mai phục, một tiếng pháo lệnh nổ vang. Quân Minh hò reo thúc nhau xông lên, ào ào tiến vào Cao Bộ.
Ngồi trên mình voi chiến, Nguyễn Xí nói nhỏ với quân lính:
– Giặc đã trúng kế của ta rồi đó!
Viên thượng tướng nói vừa dứt, lại một tiếng pháo lệnh thứ hai. Tiếp theo, cả đất trời Tốt Động rung chuyển. Các mô rạ trên đồng lầy mở tung; xóm làng, gò đống như chồm dậy. Tiếng chiêng trống nổi lên, bốn ngàn quân được lệnh xông tới. Ngay từ đầu, con voi chiến của Nguyễn Xí đã xô ra. Như một tảng đá khổng lồ, voi lướt trên con đường độc đạo. Từ trên mình voi, Nguyễn Xí hô quân, thét vang như sấm, cây mâu trong tay xoay vù vù mở đường cho voi tiến. Cùng lúc đó, trong các làng mạc xung quanh, trống mõ thúc liên hồi. Dọc theo con đường độc đạo, nghĩa quân như một bầy sư tử, cắt quân giặc làm nhiều đoạn, thả sức chém giết. Bị phục kích bất ngờ, người ngựa của giặc hốt hoảng nhảy bổ xuống ruộng, chôn chân trên bùn lầy, ngã gục tại chỗ. Nhiều tên giặc liều chết chạy thoát vào làng xóm lại bị rơi vào tay nghĩa binh.
Ngồi trên mình ngựa, Tổng binh Vương Thông rống lên như lợn bị chọc tiết. Hắn giục Mã Kỳ ra lệnh tiến quân. Nhưng trong đám loạn quân còn ai nghe lệnh của hắn. Vương Thông chỉ thấy quân lính xô nhau chạy trở lại. Con ngựa của hắn như chôn chân trong dòng người hỗn loạn. Tiến hay lui? Tên tướng giặc chưa kịp quyết định thì trong ánh sáng mờ mờ, con voi chiến của Nguyễn Xí đã xéo lên quân giặc xô tới. Từ trên mình voi, Nguyễn Xí chỉ ngọn mâu và bầy tướng giặc thét lớn:
– Vương Thông, lũ mày trốn đâu cho thoát!
Tên tướng giặc lại rống lên, muốn nhảy bổ tới, quyết định sống mái với viên tướng chỉ huy cầm mâu ngồi trên mình voi. Nhưng đâu phải chỉ có một mình viên tướng đó, hàng biển người từ hai bên đồng ruộng cũng vừa réo tên hắn vừa vác gươm đao xông đến. Còn quân lính của hắn thì không nghe theo ai nữa rồi. Để bảo mạng, Vương Thông ra lệnh cho Sơn Thọ, Mã Kỳ:
– Lui binh, giữ toàn quân là hơn cả!
Vương Thông, Sơn Thọ, Mã Kỳ quay ngựa, xéo lên quân của chúng mà chạy.
Dẫn tàn quân chạy đến Chúc Động, Vương Thông mừng được thoát chết. Không ngờ ở đây, tiếng chiêng trống lại nổi lên và quân mai phục trong rừng cây bên sườn núi xô ra đón hắn. Trong lúc đó quân Lam Sơn từ Tốt Động đuổi theo. Vẫn con voi chiến với viên tướng trẻ sử dụng cây mâu như thần dẫn đầu. Vương Thông, Sơn Thọ, Mã Kỳ phải liều chết mở đường máu kéo đến bờ Ninh Giang, vượt cầu phao chạy về thành Đông Quan, để lại lũ tàn quân tranh nhau sang cầu, ngã xuống sông như rạ. Số còn lại bị tiêu diệt gần hết [16].
Trời đã sáng tỏ. Dưới làn mưa bụi, các tướng lĩnh gặp nhau bên chân núi Trúc Sơn. Bùn và máu bám đầy người, họ giơ gươm chào nhau, mừng chiến thắng. Trên mình voi chiến, Nguyễn Xí cất giọng vang vang hướng về phía Lý Triện và Đinh Lễ đang phi ngựa:
– Lũ chúng ta đón Đại Vương ra Bắc được rồi đó.
3. Vượt ngục thành Đông Quan
Nguyễn Xí bừng tỉnh, chung quanh một màu tối đen. Đây là đâu nhỉ? Viên thượng tướng khẽ cựa mình. Đôi tay có sức mạnh đả hổ của Nguyễn Xí giờ đây không cử động được nữa. Nguyễn Xí cố nhớ lại những việc vừa xảy ra, nhưng đầu nặng trĩu, lại chìm vào cơn mê sảng li bì.
Cho đến lúc cánh cửa lim xịch mở, Nguyễn Xí mở choàng mắt dậy. Cùng với ánh sáng yếu ớt lọt vào trong nhà tối, tên giám ngục bước vào. Lặng lẽ như mọt chiếc bóng, hắn hầm hầm nhìn Nguyễn Xí đang nằm sõng sượt trên sàn nhà, rồi trở ra. Cánh cửa lim sập lại. Nguyễn Xí nghe rõ tiếng khóa cửa lạch cạch,
Lúc này Nguyễn Xí mới tỉnh hẳn. Diễn biến của sự việc vừa qua dần dần hiện ra trong đầu viên thượng tượng. Mới sáng hôm trước, nhận được lệnh từ dinh Bồ Đề [17] cùng với quan Tư Không Đinh Lễ đến tiếp ứng cho Thái Giám Lê Nguyễn ở Tây Phù Liệt, Nguyễn Xí đã cùng với Đinh Lễ cỡi voi chiến dẫn 500 quân thiết đột từ cửa Nam đánh thúc vào sườn đạo quân của Vương Thông. Bị đánh cả hai mặt, Vương Thông vội rút quân vào thành. Đang đà thằng trận, Đinh Lễ và Nguyễn Xí đuổi theo tên Tổng binh giặc. Voi chiến lướt nhanh, hậu quân không theo kịp. Thấy vậy, đến Mai Động [18], tên tướng giặc quỷ quyệt quay lại. Xung trận trên một vùng đất nhiều ao hồ và ruộng bùn, không may voi bị sa lầy, Đinh Lễ và Nguyễn Xí bị rơi vào tay giặc [19]. Tiếp theo, là những trò dụ dỗ, dọa dẫm của Vương Thông. Bị giam hãm trong thành Đông Quan, tên tướng giặc dang tìm cách kéo dài tình trạng này để chờ viện binh. Bắt sống hai tướng, Vương Thông hy vọng sẽ khai thác được điều cần biết. Nhưng để trả lời tên tướng giặc, Đinh Lễ và Nguyễn Xí chỉ một mực cười khẩy, chửi rủa thậm tệ, bảo cho bè lũ tướng giặc biết ngày nộp mạng của chúng không còn xa nữa. Tên tướng giặc gầm lên như một con quỷ khát máu. Hắn dùng đến cực hình…
Nguyễn Xí băn khoăn không hiểu quan Tư Không Đinh Lễ có sống được qua cơn đòn thù ác liệt ấy không? Mình thì không chết, chúng sẽ còn giở những trò gì nữa đây? Đang suy nghĩ, cánh cửa lim lại mở. Một người lạ mặt, theo sau là một tên lính cầm gươm bước vào. Nguyễn Xí lảo đảo khập khiễng đi theo chúng. Ra khỏi cửa, Nguyễn Xí đưa mắt quan sát chung quanh. Đây là khu trại giam của giặc ở trong thành. Bên ngoài có hào lũy bao bọc. Xa xa phía sau trại giam, tường thành chạy dài một màu xám xịt. Chúng giải Nguyễn Xí đi dọc theo trại giam rồi đẩy vào một buồng kín ở đầu dãy. Nhờ chút ánh sáng luồn qua khe hở, Nguyễn Xí nhận thấy trong buồng có kê giường chiếu, chăn đệm. Trên án thư để giữa buồng còn có sẵn một mâm cơm rượu. Nguyễn Xí thầm nghĩ: lại trò mới của Vương Thông đây, rồi vật mình nằm trên giường. Đã lọt vào tay giặc, chúng muốn làm gì thì mặc chúng, việc gì phải băn khoăn, đến chết cũng chẳng sợ nữa là! Điều băn khoăn của Nguyễn Xí là không hiểu lúc này ai sẽ thay quan Tư Không và mình để vây giữ mặt thành phía Nam? 500 quân thiết đột của mình sẽ ra sao? Nhưng dù sao thì chắc chắn vòng vây của ta mỗi ngày một khép chặt. Nghĩ đến ngày Đại Vương dẫn quân vào chiếm thành Đông Quan và trên đất nước không còn bóng giặc, Nguyễn Xí lại thấy người khỏe hẳn lại, chỉ tiếc rằng mình không có mặt trong trận chiến đấu cuối cùng. Vượt qua được trận đòn thù, Nguyễn Xí thấy cần phải sống, nhưng sống ra sao khi còn nằm trong tay giặc quỷ quyệt và hung dữ?
Thấm đòn đau, người mệt, bụng cồn cào, Nguyễn Xí ngồi lại bên mâm rượu. Khi tên lính canh ngục bước vào, thấy mâm hầu như vẫn còn nguyên vẹn, hắn nhìn Nguyễn Xí đang nằm trên giường. Nguyễn Xí nói với hắn như truyền lệnh:
– Cơm rượu đấy, cho các ngươi!
Tình trạng đó diễn ra trong mấy ngày liền. Rồi một hôm, bưng cơm rượu đến không phải là người lính mọi bữa, mà là một người hầu gái xinh đẹp, theo sau một tên ngụy quan đã cao tuổi. Đứng trước viên tướng trẻ tuổi bị cầm tù, mặc dù được lệnh phải săn sóc, đối đãi chu đáo, nhưng tên ngụy quan lại tỏ ra hách dịch trịch thượng:
– Không may lọt vào đây, được tha chết, lại được quan Tổng binh ân cần chăm sóc, tôi nghĩ đã là vạn phúc cho ông lắm rồi. Biết điều mà ăn ở, thế nào mà chẳng được trọng dụng.
Không thèm nghe những lời bỉ ổi của hắn, Nguyễn Xí trừng mắt quát:
– Mày là người Việt ăn cơm giặc đi hầu quân giặc mà không biết nhục. Cút đi, đừng đứng đây làm bẩn mắt tao!
Tên ngụy quan vênh váo lui ra, để lại người hầu gái đứng nép một góc buồn, sợ hãi. Nguyễn Xí im lặng ngồi vào bàn. Cô gái rụt rè tiến lại gần, toan rót rượu. Bàn tay xinh đẹp của cô chưa chạm tới bình rượu thì đã phải rụt lại vì cái gạt tay phũ phàng của viên tướng trẻ:
– Để mặc ta!
Lui vào một góc buồng, cô ngơ ngác cúi đầu… Cái nghề hầu rượu này, cô đã quen lắm rồi. Tiếp xúc với bọn quan tướng nhà Minh, qua những buổi hầu rượu chè hoạn lạc thâu đêm suốt sáng trong thành Đông Quan này, cô đã trở nên dạn dầy, liều lĩnh. Ấy thế mà đứng trước viên tướng trẻ đang bị cầm tù, được lệnh phải chiều chuộng đủ điều này, cô lại sợ. Hình ảnh người con trai khỏe mạnh, quắc mắt mắng vào mặt quan Tổng binh cho đến lúc chết ngất vì cực hình, cô quên làm sao được. Nhưng ông ta không chết, và từ hôm nay cô phải hầu hạ… Không biết con người ấy sẽ đối xử với mình ra sao?
Ngày này qua ngày khác, cô vẫn ra vào im lìm như chiếc bóng. Cái nhan sắc trẻ trung của cô đã từng làm cho quan tướng nhà Minh mê mệt, trái lại với viên tướng trẻ không thèm nói với cô một lời. Cho đến một hôm, sau khi ăn xong, Nguyễn Xí nhìn chằm chằm vào mặt cô:
– Ả ở đâu? Cớ sao lại đi hầu quân giặc?
– Thưa ngài, tôi người Đông Quan. Cha và em không may bị chết vì loạn lạc, tôi bị giặc bắt. Hiện nay tôi còn mẹ già phải nuôi dưỡng.
– Hừm! – Nguyễn Xí tỏ ý khó chịu.
Câu chuyện chấm dứt.
Rồi có một hôm trời trở gió. Nguyễn Xí kêu đau mình mẩy, nằm li bì. Mấy ngày liền, bọn gác ngục được dịp chia nhau mâm cơm rượu còn nguyên vẹn.
Cô hầu băn khoăn lo lắng và thương hại ông tướng trẻ. Mặc dù thái độ lạnh nhạt của Nguyễn Xí, cô vẫn thấy đây lại là những ngày đáng ghi nhớ nhất trong cuộc đời đi hầu rượu của cô.
Mấy hôm sau, vào một đêm mưa gió, bọn lính gác ngục và cả cô hầu gái có biết đâu rằng ông tướng trẻ ốm liệt giường đang vùng dậy hành động trong nhà ngục. Nghe ba tiếng trống cầm canh lạc lõng chìm trong tiếng mưa rơi rào rào và sấm nổ ran trời. Lính gác đã đổi phiên. Gió từng hồi quật mưa vào mái ngói kêu lộp độp. Tiếng chân lính gác đi lại dưới hàng hiên thưa dần, rồi im hẳn. Nguyễn Xí khẽ dựng giường làm thang đu mình lên mái nhà ngục. Một đám ngói bị dỡ tung, mưa hắt vào lạnh buốt. Nghĩ đến lúc trở về ra mắt Bình Định Vương và gặp lại đội quân thiết đột của mình, Nguyễn Xí thấy lòng ấm lại và như được tiếp thêm sức mạnh. Đu lên mái nhà ngục, ngồi dưới gió mưa lạnh lẽo, Nguyễn Xí căng óc tìm mưu kế lọt qua mắt lính gác ngục. Ép sát người, tụt dần xuống chân mái ngói, đợi lúc hồi sấm bắt đầu râm ran, Nguyễn Xí buông người nhảy xuống. Tên lính cắp gươm đi lại dưới hàng hiên nghe tiếng động. Hắn chưa kịp ngoái lại thì Nguyễn Xí đã xông lên. Bị hai tay của Nguyễn Xí khóa chặt vào cổ và nhấc bổng lên, hắn chỉ còn như một khúc gỗ, chân tay cứng đờ cho đến khi chết hẳn. Lột áo quần của tên lính, mặc vào người, Nguyễn Xí ung dung đi lại trên hàng hiên thăm dò. Đằng xa, phía cổng nhà ngục thấp thoáng ánh đèn. Trong chòi canh tên lính gác đang ngồi thu mình trong áo khoác. Nguyễn Xí đường hoàng đi về phía cổng. Thấy bóng người đi tới, tên lính gác tưởng là đồng đội. Cho đến khi vừa kịp nhận ra người lạ mặt, thì đầu hắn đã lìa khỏi cổ vì đường gươm sắc bén của người tù vượt ngục.
Như con hổ được thả về rừng, Nguyễn Xí leo qua cổng lao mình trong mưa gió, chạy biến về phía tường thành…
Đã sang canh tư. Trên cánh đồng lầy ở phía Nam, cách thành Đông Quan chưa đầy một dặm, Nguyễn Xí ngoái đầu nhìn tòa thành chìm trong mưa, cười thầm: chắc lúc này lũ giặc đang hốt hoảng tìm ông tướng vượt ngục. Được, ta sẽ trở lại…
4. Nguyễn Xí gặp lại Lê Lợi và Nguyễn Trãi
Dinh Bồ Đề ngạo nghễ đứng sừng sững bên kia dòng Nhị Hà như con mắt thần ngày đêm soi vào thành giặc. Hàng ngày từ thượng lầu, Bình Định Vương cùng Nguyễn Trãi quan sát tòa thành đang thoi thóp. Hôm nay sau trận mưa, trời tạnh ráo. Bãi dâu xanh rờn viền bên ven sông đang chao mình trong nắng sớm. Dòng sông màu hồng, chảy lững lờ kéo theo từng mảng bọt trắng đục. Một buổi sáng thanh bình lạc loạn trong những tháng ngày chiến tranh ác liệt. Đứng dựa vào lan can, Bình Định Vương chỉ tay về bên kia bờ sông nói với Nguyễn Trãi:
– Quân sĩ của ta căm giận đòi hạ thành Đông Quan không phải không có lý. Nay lũ giặc bị giam chân trong thành chờ chết, Vương Thông bề ngoài vờ giảng hòa nhưng vẫn ngầm đào hào đắp lũy đợi viện binh. Thỉnh thoảng nhằm lúc quân ta sơ hở, giặc lại đem quân ra ngoài gây thêm tội ác. Tháng hai vừa rồi, chúng kéo quân ra Cảo Động và bãi Sa Đối. Ở Cảo Động ta đã mất Lý Triện và Đỗ Bí [20]. Tháng 3, chúng đánh ra Tây Phù Liệt, ta lại mất thêm Đinh Lễ và Nguyễn Xí. Tội ác của chúng chồng chất như núi. Vòng vây của ta dày đặc, ai chẳng muốn xông lên để trả thù. Nhưng quân sĩ có biết đâu rằng đánh thành là hạ sách.
Nói đến đây Lê Lợi trở vào án thư ngồi dựa mình trên kỷ. Nguyễn Trãi bước lại gần, chắp tay kính cẩn:
– Tâu vương thượng, một khi chúng ta diệt gọn hai đạo viện binh của giặc thì Vương Thông tất phải nộp thành.
– Đúng như thế, đánh vào thành hàng tháng hàng năm không hạ nổi, quân mệt khí nản. Viện binh của chúng đến, trước sau đều có giặc thì nguy khốn. Diệt viện vây thành là phải lắm. Ta quyết dốc toàn lực đánh một trận cuối cùng tiêu diệt hai đạo viện binh của Liễu Thăng và Mộc Thạnh [21] quét sạch lũ giực trên đất nước. Giá như chúng ta còn có Lý Triện, Đỗ Bí, Đinh Lễ, Nguyễn Xí thì…
Nguyễn Trãi tiếp lời:
– Vâng, tâu vương thượng, thì chúng ta còn có thêm nanh vuốt để vây thành và diệt viện.
Câu chuyện giữa Lê Lợi và Nguyễn Trãi bị đứt quãng vì có tiếng chân người bước vội dưới tầng thứ hai. Lau sậy rung rinh. Nguyễn Xí xuất hiện bất ngờ, đến phục dưới chân Lê Lợi.
Cùng một lúc, Lê Lợi và Nguyễn Trãi đều thốt lên kinh ngạc:
– Thượng tướng Nguyễn Xí!
Từ sau trận Tây Phù Liệt, được tin Đinh Lễ và Nguyễn Xí rơi vào tay giặc và đã bị chúng giết hại, Lê Lợi đau xót, đinh ninh rằng mình đã mất thêm hai tướng tài. Nay Nguyễn Xí đột ngột trở về, Lê Lợi vẫn tưởng mình đã nhìn nhầm . Đến khi nâng viên tướng phục dưới chân mình dậy, nhìn rõ khuôn mặt vuông vuông có đôi mắt sáng quắc như sao của viên tướng trẻ quen thuộc, Lê Lợi mừng rỡ reo lên:
– Sống lại ! Thực là sống lại! [22]
5. Vương Thông xin giảng hòa
Nắng tháng 10 vàng chói không đủ sức sưởi ấm núi rừng, đồng ruộng. Đã mấy ngày liền đất trời chìm ngập trong gió lạnh từ phương Bắc tràn về. Trên con đường từ Xương Giang về Đông Quan, 4 thớt voi chiến cùng đội quân thiết đột đang hành quân vội vã.
Ngồi trên mình ngựa, Nguyễn Xí ngoái đầu nhìn lại. Xương Giang đã lùi xa, chỉ còn lại những vệt núi mờ mờ. Khuôn mặt rạm nắng, với những đường nét hơi thô của viên tướng trẻ bừng lên một niềm tự hào và kiêu hãnh. Nguyễn Xí vừa tham dự trận phá tan gần 10 vạn viện binh, bắt sống Thôi Tụ và Hoàng Phúc, giáng một đòn cuối cùng để kết liễu hoàn toàn đạo viện binh của Liễu Thăng trên vùng đất Xương Giang [23].
Từ chiến trường nhận được lệnh gấp rút điều quân về Đông Quan, Nguyễn Xí vui sướng tưởng như mình đang dẫn đại quân tiến vào san phẳng thành giặc. Nhưng càng đến gần Bồ Đề, đạo quân của Nguyễn Xí càng phải đi chậm lại. Chẳng những chỉ có các đạo quân ở Xương Giang mà cả các đạo quân ở cửa ải Lê Hoa cũng được điều về. Trên mặt đường, quân dân đi như thác, đông vui như ngày hội. Đến gần dinh Bồ Đề, Nguyễn Xí nhận được tin Vương Thông đã xin giảng hòa, nhận trao trả lại thành trì, mong được toàn quân rút về nước. Bình Định Vương và quan Hành Khiển đã có ý chấp thuận. Nguyễn Xí bất bình. Không thể giảng hòa như thế được! Tội ác của chúng đối với non sông đất Việt này chồng chất như núi, phải bắt đền nợ máu. Nếu chịu giảng hòa, tại sao chúng lại không giảng hòa ngay từ khi ta mới từ Lam Sơn tiến ra đây, hà tất phải đợi đến khi 10 vạn viện binh bị tiêu diệt mới chịu giảng hòa, Nguyễn Xí vội vã tìm đến dinh Bồ Đề [24].
Bước lên tầng lầu thứ hai, vừa thấy Bình Định Vương và Nguyễn Trãi, Nguyễn Xí đã không kìm được tính nóng nảy của mình:
– Tâu vương thượng, lũ chúng tôi theo vương thượng từ ngày còn ẩn náu ở rừng Lam Sơn, bao phen vào sinh ra tử chỉ mong có ngày diệt hết lũ giặc để trả thù cho dân, rửa nhục cho nước. Nay lũ giặc trong thành Đông Quan đã như cá nằm trên thớt, không thể để cho chúng toàn quân rút về nước! Vương thượng và quan Hành khiển có biết quân dân ta chỉ còn đợi lệnh của vương thượng là xông lên diệt cho đến tên giặc cuối cùng để rửa hận hay không?
Không đợi cho Bình Định Vương nói, Nguyễn Xí lại hỏi tiếp:
– Hay là Vương Thượng còn e rằng ta không đủ sức hạ thành Đông Quan?
Không biết đây là lần thứ bao nhiêu trong mấy ngày hôm nay, Lê Lợi và Nguyễn Trãi đã nghe giọng nói bất bình của các tướng lĩnh về chủ trương giảng hòa của mình. Thái độ bực dọc của viên tướng tâm phúc không làm cho Lê Lợi khó chịu. Hiểu rõ nỗi lòng của Nguyễn Xí, Lê Lợi ôn tồn giảng giải:
– Dùng binh cốt lấy bảo toàn cả nước làm trên hết. Để cho bọn Vương Thông về nói với vua nhà Minh trả lại đất đai cho ta, không xâm lấn bờ cõi ta, đó là điều ta không cần gì hơn thế nữa. Hà tất phải giết chết hết bọn chúng để gây oán với nước lớn làm gì [25].
Sau nhiều lời giảng giải rạch ròi của Bình Định Vương, Nguyễn Xí nghe ra phải lẽ. Nhưng nghĩ đến việc để cho tên tướng giặc Vương Thông được yên thân, dẫn quân về nước thì Nguyễn Xí vẫn thấy phẫn uất. Không dám chống lại lệnh của Bình Định Vương, Nguyễn Xí đành phải chấp thuận:
– Tâu vương thượng, số phận của lũ giặc đang nằm trong tay chúng ta. Cho chúng sống hay buộc chúng phải chết là tùy ở vương thượng. Lũ chúng tôi chỉ biết tuân lệnh của vương thượng.
6. Đất nước sạch bóng giặc Minh
Mùa xuân đến gần với quân dân thành Đông Quan vào giữa lúc tên giặc Minh cuối cùng cắp giáo cút về nước [26]. Một vùng đổ nát ngổn ngang hào lũy đang vùng dậy sau cơn binh lửa tàn hại để đón mùa xuân lịch sử.
Thành Đông Quan thay màu áo mới.
Ngày đêm trên các ngả đường, quân lính đi về tấp nập, không lúc nào ngớt. Ngoài thành, dân cư chạy giặc lũ lượt kéo nhau về. Cuộc sống thanh bình khoác màu xuân chiến thắng đang trở về, hiện trên nét mặt của quân dân thành Đông Quan.
Trên con đường cái chạy về phía Đông Nam thành, Nguyễn Xí buông cương cho ngựa đi bước một.
Sau những ngày bận rộn tiếp nhận việc giảng hòa của giặc, hôm nay viên thượng tướng đi thăm lại mảnh đất chiến trường cũ. Dừng ngựa ở Mai Động, Nguyễn Xí đưa mắt nhìn kỹ xung quanh, cố tìm cho ra chỗ voi bị sa lầy ngày trước. Chỉ mới hơn nửa năm trời mà cảnh vật ở đây đã quá nhiều thay đổi. Vùng đồng ruộng lầy lội nay đã đổi khác. Qua mùa khô ráo, hai bên đường chỉ là những thửa ruộng cạn. Trên mặt đất đường chỉ là những thửa ruộng cạn. Trên mặt đất xam xám nứt nẻ chân chim, lớp cỏ thấp lè tè ánh lên màu xanh mơn mởn dưới nắng của mặt trời mùa đông. Rải rác đó đây nổi lên những gốc mai đang rộ hoa vàng lấm tấm…
Trên con đường trở về, len giữa đoàn người tấp nập gánh gồng, nô nức đi sắm tết, Nguyễn Xí nhớ đến quê hương. Giờ đây ở quê hương Chân Phúc, Nghệ An không còn bóng giặc chắc cũng đang rộn rịp đón xuân. Mới ngày nào đó mà đã hơn 10 năm [27] rồi đấy nhỉ. Nguyễn Xí mỉm cười một mình, nhớ lại những ngày còn mòn vai gánh muối, phải tìm đủ mưu chước để vượt qua các đồn giặc mới mong kiếm được bát gạo về nuôi cha già. Rồi chỉ vì không thể bó tay nhìn quê hương bị giặc giày xéo, không thể cam tâm kéo lê thê ngày tháng sống nhục nhã dưới ách của giặc ngoại xâm, Nguyễn Xí đã tìm đến Lam Sơn lấy việc giết giặc, cứu nước làm lẽ sống. Từ đó, bàn chân của người con trai quen nghề gánh muối đã đặt lên bất cứ nơi nào có bóng giặc. Say sưa với hồi ức về những năm tháng sống đầy ý nghĩa của đời mình, Nguyễn Xí không để ý đến con ngựa đã đưa ông tới ven hồ Lục Thủy [28].
Tiếng cười đùa ríu rít của lũ trẻ vui nghịch bên bến nước làm cho Nguyễn Xí chú ý. Được ngày nắng ấm nhân dân quanh vùng kéo nhau ra hồ tắm giặt để sửa soạn đón xuân. Nhìn viên tướng trẻ võ phục oai nghiêm, thanh kiếm dài đeo lệch bên hông, đang ung dung cưỡi ngựa trên đường, ai nấy đều trầm trồ nhìn theo. Nhiều cô gái yếm thắm môi son, dừng tay giặt áo, ghé mắt nhìn theo người con trai hùng dũng ấy. Họ trêu nhau, cười giòn như bắp nổ. Mải vui đùa, không ai để ý đến một cô gái xinh đẹp đang dìu mẹ già bước lên bến nước. Dừng chân bên hồ, cô ngây người nhìn viên tướng trẻ. Cô nhớ lại con người quen quen, cũng nước da rám nắng, cũng khuôn mặt với những đường nét hơi thô, có đôi mắt luôn nhìn thẳng, lúc nào cũng sáng như sao ấy. Lục tìm trong trí nhớ, cô băn khoăn tự hỏi không biết có phải ông tướng Nguyễn Xí đã vượt ngục đó chăng? Mải nhìn theo cho đến khi bà mẹ giục, cô mới quay lại dắt mẹ về nhà.
Trong lúc đó, Nguyễn Xí vẫn thong dong cho ngựa bước chầm chậm giữa đoàn người tấp nập, đi về khu hoàng thành. Ông đang nghĩ đến ngày mai. Tổ quốc thân yêu đã không còn bóng giặc, biết bao nhiêu công việc đang chờ đợi [29].
Chuyện kể về Nguyễn Xí – LichSu.Org
Theo Nguyễn Anh
Chú thích trong câu chuyện kể về Nguyễn Xí
- Nguyễn Xí quê ở làng Thượng Xá, huyện Chân Phúc, nay là huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.
- Đại Việt thông sử (Liệt truyện) cho biết Nguyễn Xí, cha là Nguyễn Hồi, anh là Nguyễn Biện, làm nghề buôn muối ở vùng Nghệ An, Thanh Hóa.
Lịch triều hiến chương loại chí (nhân vật chí) cho biết: “Khi vua (Lê Lợi) vây khốn quân Minh ở Nghệ An, chia sai các tướng đi kinh lược các nơi để tiến gần đến Đông Kinh, vua phong ông (Nguyễn Xí) làm thượng tướng quân. Lúc ấy ông vừa 30 tuổi…”. - Bến Cổ Sở, tên nôm là bến Giá, là một bến thuộc sông Đáy, nay thuộc xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, Hà Nội (Theo các tác giả sách “Lam Sơn khởi nghĩa”, NXB khoa học – 1969).
- Cầu Sư Đối là cầu trên sông Nhuệ, nối liền thôn Phú Đô xã Mễ Trì với thôn Đại Mỗ xã Hữu Hưng, huyện Từ Liêm, Hà Nội (Theo các tác giả sách “Lam Sơn khởi nghĩa”, NXB khoa học – 1969).
- Cầu Thanh Oai ở khoảng thôn Bình Đà xã Bình Minh, huyện Thanh Oai, Hà Nội (Theo các tác giả sách “Lam Sơn khởi nghĩa”, NXB khoa học – 1969).
- Cổ Lãm nay thuộc các xã Phú Lẫm, Phú Cường, Văn Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội (Theo các tác giả sách “Lam Sơn khởi nghĩa”, NXB khoa học – 1969).
- Cao Bộ nay là thôn Trung Cao thuộc xã Trung Hòa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.
- Ninh Kiều, một vị trí ở phía bắc huyện Chương Mỹ (vùng Ninh Sơn), Hà Nội.
- Theo chính sử, cánh quân của Phạm Văn Xảo và Lý Triện gồm hơn 3.000, cánh quân của Đinh Lễ và Nguyễn Xí khi xuất phát có 2.000,nhưng đến khi hội quân ở Cao Bộ lại có trên 3.000 và 2 voi chiến.
- Tốt Động, nay là xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.
- Chúc Động, thuộc xã Trúc Sơn, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.
- Trận Tốt Động – Chúc Động xảy ra vào ngày 7-11-1426 tức ngày 8-10 năm Bính Ngọ. Như vậy, Đinh Lễ và Nguyễn Xí phải điều quân rời khỏi Thanh Đạm vào đêm 7-10 Bính Ngọ.
- Theo truyền thuyết giết giặc Ngô của người dân địa phương.
- Số quân mai phục ở Tốt Động gồm toàn bộ cánh quân của Đinh Lễ và Nguyễn Xí phối hợp với một phần quân của Phạm Văn Xảo và Lý Triện.
- Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Nhân bắt được gián điệp của giặc, Lý Triện bèn dùng kế của giặc hạ lệnh cho các quân nếu nghe tiếng súng thì nấp náu không động”.
- Trong trận Tốt Động – Chúc Động, ta giết chết Thượng thư Trần Hiệp, Nội quan Lý Lượng và hơn 5 vạn quân địch tại trận. Hơn 1 vạn quân bị bắt làm tù binh. Tổng binh Vương Thông bị thương.
- Theo Cương mục và Đại Việt sử ký toàn thư: năm Đinh Mùi (1427), “Lê Lợi tiến quân đóng ở bên bờ sông Nhị Hà”, “Bấy giờ vua làm lầu nhiều tầng ở dinh Bồ Đề, trên bờ sông Lô” (tức sông Nhị Hà).
- Mai Động tức vùng Hoàng Mai ngày nay.
- Theo Đại Việt sử ký toàn thư: “Khi ấy Lễ và Xí cưỡi voi cố sức đánh, voi sa lầy bị người Minh bắt được đem về thành Đông Quan. Lễ không chịu khuất bị giết chết. Xí về sau nhân lúc ban đêm mưa gió, dùng mẹo đánh lừa kẻ canh giữ, thoát về được, vào ra mắt vua ở dinh Bồ Đề”.
- Đại Việt sử ký toàn thư: “Tháng 2, ngày 7, Phương Chính ngầm đem quân đánh ở Quả Động (Cảo Động) huyện Từ Liêm, Triện cố sức đánh lại, bị chết, Bí bị giặc bắt được. Sau giặc về nước, lấy lễ đứa Bí trở lại”.
- Theo Đại Việt sử ký toàn thư: Đạo viện binh của An Viễn hầu Liễu Thăng gồm 10 vạn binh, 2 vạn ngựa đánh vào cửa ải Pha Lũy. Đạo viện binh của Kiềm quốc công Mộc Thạnh gồm 5 vạn binh và 1 vạn ngựa đánh vào cửa ải Lê Hoa.
Hai đạo viện binh của giặc ồ ạt kéo sang vào đầu tháng 10-1427. - Theo Đại Việt sử ký toàn thư và Lịch triều hiến chương loại chí (nhân vật chí).
- Trận Xương Giang diễn ra vào ngày 15-10 năm Đinh Mùi (03-11-1427). Trong trận Xương Giang, Thôi Tụ, Hoàng Phúc và hơn 300 võ tướng bị bắt sống; khoảng 30.000 quân địch bị bắt và 50.000 bị giết chết. Theo Hoàng Minh thực lục thì trong trận này, toàn bộ quân địch đều bị bắt và bị giết, chỉ có một tên sống sót thoát về nước.
- Đại Việt sử ký toàn thư: Khi ấy các tướng sĩ và người nước ta bị khổ nhục vì sự tàn ngược của giặc đã lâu, rủ nhau cố xin với vua rằng giặc nhiều mánh khóe biến trá, nên lấy binh mà đánh thắng, khuyên vua giết hết đi. Duy có Hành Khiển Nguyễn Trãi ở nơi tham mưu… biết rõ thế mạnh yếu của giặc, mới chuyên chủ mặt hòa (thực chất là chấp nhận sự đầu hàng của giặc).
- Đại Việt thông sử (đế kỷ).
- Vương Thông rút quân về nước ngày 12-12 năm Đinh Mùi (29-12-1427).
- Nguyễn Xí đến Lam Sơn từ năm 19 tuồi, thọ 69 tuổi mất năm 1465 (theo Lịch triều hiến chương loại chí). Như vậy Nguyễn Xí có mặt ở Lam Sơn từ 1415.
- Vùng hồ Hoàn Kiếm ngày nay.
- Cuộc khởi nghĩa chống quân Minh thành công, Nguyễn Xí bắt tay vào xây dựng đất nước, trải qua các triều Lê Thái Tổ (1428-1433), Lê Thái Tông (1434-1442), Lê Nhân Tông (1443-1459), Lê Thánh Tông (1460-1497). Ông được phong Long Hổ thượng tướng quân (1428), Nhập Nội đô đốc (1445), Thiếu Bảo (1448); Khai phủ nghi đồng tam phủ, Nhập nội kiểm hiệu Thái Phó Bình Chương quân quốc trọng sự, Á quận hầu (1460). Cũng năm đó ông được phong Thái quận công; gia thêm Nhập Nội tả tướng quốc (1462); Ít lâu sau lại thăng Thái Úy. Năm 1465, ông mất, thọ 69 tuổi. Ngoài sự nghiệp chống giặc Minh thắng lợi, ông còn có công đánh giặc Chiêm Thành (1445), dẹp loạn Nghi Dân (1459).
Những câu chuyện kể về danh nhân Việt Nam
Trong suốt chiều dài lịch sử hào hùng của dân tộc, có rất nhiều các bậc danh nhân nổi tiếng được người dân yêu mến, kính trọng, lập đền thờ tưởng nhớ. Những câu chuyện về họ đôi khi được truyền thuyết hóa thành những câu chuyện dân gian lưu truyền từ đời này sang đời khác.
Ngoài câu chuyện kể về Nguyễn Xí và cuộc kháng chiến chống quân Minh, để giúp các bạn có cái nhìn sâu hơn về lịch sử của dân tộc, LichSu.Org xin giới thiệu đến bạn đọc những câu chuyện kể về các bậc danh nhân Việt Nam vô cùng hấp dẫn qua từng giai đoạn lịch sử.