Quốc gia cổ đại của người Akkad ở Lưỡng Hà

Quốc gia cổ đại của người Akkad ở Lưỡng Hà

Quốc gia cổ đại của người Akkad ở Lưỡng Hà được Sargon dựng lên, thống nhất người Akkad và người Sumer lại, tạo ra một đế chế lớn mạnh trong lịch sử Tây Á.

1. Sargon thống nhất Lưỡng Hà lập nên quốc gia cổ đại của người Akkad

Khoảng đầu thiên niên kỷ III trước Công nguyên, người Semit đã di cư từ miền ngoại Kavkaz xuống phương Nam. Họ chia ra làm nhiều bộ lạc, sống cuộc đời du mục ở suốt cả một dải đất từ Syria đến sa mạc A Rập. Người Ai Cập, người Phoenicia, người Hebrew, người Assyria, người Chadea, người Ethiopia (châu Phi) đều thuộc chủng Semit. Ngay trong người Ai Cập cũng có ít máu của người Semit.

Trong tất cả các giống người thuộc chủng tộc Semit, thì người Akkad là giống người bước vào thời kỳ lịch sử sớm nhất. Vào khoảng năm 3500 trước Công nguyên, họ đã định cư ở vùng trung du Lưỡng Hà, tại miền Akkad. Lúc người Sumer đang dựng lên những quốc gia – thành thị của họ tại miền Nam lưu vực Lưỡng Hà, thì người Ai Cập cổ đại cũng đã rời bỏ đời sống du mục để làm nghề nông.

Trên lưu vực Lưỡng Hà, người Sumer và người Akkad đã từng đánh nhau suốt mấy trăm năm để tranh giành quyền bá chủ. Trình độ văn hóa của người Sumer có cao hơn. Lúc ra trận họ dùng chiến thuật đội hình dày đặc (Phalange), nên ban đầu họ thường đánh thắng được người Akkad. Nhưng về sau, do mâu thuẫn trong nội bộ xã hội người Sumer ngày càng sâu sắc, thế lực của họ trở nên suy yếu đi, người Akkad mới giành lại được ưu thế trong chiến tranh.

Cuối thế kỷ XXIV trước Công nguyên, thủ lĩnh của người Akkad là Sargon đánh thắng vương quốc Uruk của người Sumer, dùng vũ lực thống nhất cả lưu vực Lưỡng Hà. Sau đó, Sargon lại tiến sang phía đông, chinh phục thêm một phần đất đai của xứ Elam, rồi lại mở rộng biên giới về phía tây đến tận Syria và Palestine, thành lập nên một đế quốc khá rộng lớn từ vịnh Ba Tư ở phía đông bờ biển Địa Trung Hải ở phía tây. Thế lực đế quốc Akkad đến tận khu vực biển Aegea. Sau khi Sargon đã thống nhất lại hai miền Akkad và Sumer, thì các quốc gia – thành thị Sumer, hoặc nhiều hoặc ít đều còn giữ được địa vị bán độc lập của mình. Sự thật, ở vương quốc Lagash trong thời gian bị người Akkad khống chế, nền kinh tế và văn hóa của người Sumer vẫn tiếp tục phát triển, hơn nữa còn đạt đến mức độ phồn thịnh chưa từng thấy.

Lãnh đạo quân sự của người Akkad đã dựng lên một đế quốc lớn và lần đầu tiên trong lịch sử Tây Á, đã thực hiện được sự thống nhất đất đai. Sargon tự xưng mình là “chúa tể của thiên hạ”, cưỡng bách nhân dân các nước bị chinh phục nạp thóc lúa, tiền bạc và súc vật, đi lao dịch, dùng vũ khí trấn áp những kẻ phản kháng lại mình. Trong một đoạn cổ văn, có ghi chép lại như sau: mỗi lần có một thành bang nào đó nổi dậy khởi nghĩa thì Sargon “đốt thành ra tro, một tổ chim cũng không còn”.

Sau khi đã chinh phục được người Sumer, người Akkad lại tiếp thụ hoàn toàn nền văn hóa của kẻ bị chinh phục: về kỹ thuật canh tác nông nghiệp, về lịch pháp, số học, kiến trúc, công nghệ cũng như về tín ngưỡng tôn giáo và chữ viết. Về sau, lâu ngày người Akkad và người Sumer dần dần đồng hóa với nhau.

Sự thống nhất miền Tây Á dưới đời Sargon đã thúc đẩy sự giao lưu kinh tế và văn hóa giữa các nước phương Đông cổ đại. Lúc bấy giờ, binh lực của người Akkad khống chế cả một vùng Syria và Palestine, mà thuyền buôn của người Ai Cập thì lại thường xuất hiện ở các hải cảng thuộc bờ biển Đông Địa Trung Hải. Hai nền văn hóa cổ ở Lưỡng Hà và ở Ai Cập trước đây phát triển một cách độc lập thì lúc này đã bắt đầu tiếp xúc mật thiết với nhau.

Quốc gia cổ đại của người Akkad
Quốc gia cổ đại của người Akkad

Những cuộc chiến tranh giành quyền lực ở Lưỡng Hà cổ đại

Trong suốt chiều dài lịch sử tồn tại, khu vực Lưỡng Hà là nơi những bộ tộc du mục và những bộ tộc định cư tranh giành nhau thống trị. Năm 2228 trước Công nguyên, bộ tộc Guti sống tại miền rừng núi Gutium ở phía đông sông Tigris, xâm nhập lưu vực Lưỡng Hà, đốt phá, tàn sát vô kể. Đế quốc do người Akkad dựng lên đã bị lật đổ trong cuộc xâm lăng ấy. Người Guti liền đặt nền thống trị của họ trên toàn bộ lưu vực Lưỡng Hà, thay cho người Akkad.

Người Guti thống trị lưu vực Lưỡng Hà ước chừng trên bảy mươi năm. Trong thời gian đó, người Sumer và người Akkad nhiều lần nổi dậy đấu tranh chống lại sự áp bức của người Guti. Đến khoảng năm 2150 trước Công nguyên, vua thành bang Uruk ở vùng Sumer tên là Utukhegal tập hợp binh lực, cuối cùng đánh đuổi được người Guti ra khỏi khu vực Lưỡng Hà, khôi phục lại nền độc lập của người Sumer. Từ đó về sau, người Sumer lại khống chế người Akkad, trở lại làm chủ ở lưu vực Lưỡng Hà.

Sau khi đánh đổ ách thống trị của người ngoại tộc, người Sumer đã tiến lên một trình độ cao hơn về sinh hoạt kinh tế và văn hóa. Nhưng vì chiến tranh xảy ra liên miên nên tầng lớp quý tộc quân sự đã xuất hiện, chẳng bao lâu lại dùng vũ lực bàng trướng ra ngoài. Thành bang Ur ở vùng Sumer cuối cùng phát triển lên thành một đế quốc, đế quốc Ur, tồn tại trên một trăm năm (2118 – 2007 trước Công nguyên), không những đã thống nhất lại hai vùng Sumer và Akkad, mà còn khôi phục lại hầu hết đất đai của đế quốc mà người Akkad đã dựng lên trước kia. Sự thống nhất đó cố nhiên là rất có lợi cho sự phát triển của thương nghiệp và sự trao đổi văn hóa. Trải qua mấy trăm năm chung sống, ranh giới giữa người Sumer và người Akkad dần dần bị xóa mờ, họ đã đồng hóa với nhau thành một bộ tộc.

Sau một thời kỳ phục hưng, thế lực của người Sumer chẳng bao lâu cũng suy yếu dần. Cơ sở xã hội của đế quốc Ur hết sức mỏng manh, không còn chịu đựng nổi sự tấn công của những bộ lạc du mục lân cận mạnh hơn. Bởi vậy, vào khoảng năm 2007 trước Công nguyên, người Amorites ở phía tây và người Elam ở phía đông lại xâm nhập Lưỡng Hà, lật đổ nền thống trị của đế quốc Ur.

Dưới sức tấn công của cả hai mặt, các thành bang Sumer mất hết độc lập chính trị của mình. Từ đó về sau, người Sumer không còn khôi phục lại được độc lập của họ nữa, dần dần đi đến chỗ suy vong. Tuy vậy, nền văn hóa rực rỡ của người Sumer là bất diệt, nó ảnh hưởng sâu sắc đến nền văn hóa của các bộ tộc khác ở vùng Trung Cận Đông. Kỹ thuật canh tác của họ, lịch pháp, số học, văn tự hình góc, kiến trúc và công nghệ của họ đều là những di sản vô cùng quý báu của nền văn hóa cổ địa  ở lưu vực Lưỡng Hà.

Quốc gia cổ đại của người Akkad ở Lưỡng Hà – Lịch sử Lưỡng Hà cổ đại
– LichSu.Org –

Khám phá lịch sử Lưỡng Hà cổ đại

Trong suốt chiều dài lịch sử tồn tại, phát triển và suy vong, Lưỡng Hà cổ đại đã trải qua nhiều biến động thăng trầm, nhưng những giá trị về lịch sử của họ còn để lại đã góp phần cống hiến to lớn cho nền văn minh nhân loại ngày nay.

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.