Sự suy vong của nhà Tây Chu [Lịch sử Trung Quốc cổ đại]

Sự suy vong của nhà Tây Chu

Sự suy vong của nhà Tây Chu bởi chiến tranh liên miên, chư hầu các nơi dần thoát ly khỏi quyền lực của tông chủ buộc Bình vương phải dời đô sang phía Đông.

Sau khi Đông chinh thắng lợi và thực hành có kết quả một số biện pháp nhằm tăng cường nền thống trị của nhà Chu. Chu Công và Thành vương đã ổn định được trật tự xã hội, quốc thế ngày càng hùng mạnh. Điều đó giúp cho nhà Chu có đủ khả năng chống lại tộc Khuyển Nhung (sau này gọi là Hung Nô), một tộc đang lớn mạnh lên ở miền Tây Bắc, thường vào quấy rối miền Trung Nguyên. Tộc này đã gây rất nhiều khó khăn cho hai triều Ân, Chu. Nhưng đến đời Chu Ý vương, vì bị họ uy hiếp dữ dội nên Ý vương buộc phải dời đô sang Hòa Lý (Thiểm Tây). Từ đó, về sau, nhà Chu suy yếu dần, tộc Khuyển Nhung lại càng uy hiếp nhà Chu dữ dội hơn.

Đến đời Chu Lệ vương, mâu thuẫn trong nội bộ nhà Chu càng thêm sâu sắc. Để tăng thêm của cải cho mình, Lệ vương lấy tư cách là tông chủ, độc chiếm các nguồn lợi đất đai, rừng rú, ao hồ, sông ngòi, vốn thuộc sở hữu chung của công xã nông thôn và đòi hỏi quý tộc lớp dưới cống nạp cho mình nhiều hơn.

Dân chúng và một số quý tộc bất mãn, phản đối. Lệ vương thẳng tay đàn áp. Kết quả là năm 841 trước Công nguyên, dân chúng dưới sự lãnh đạo của một quý tộc tên là Cộng Bá Hòa, tấn công cung điện nhà vua, đuổi Lệ vương, cử ra một hội nghị quý tộc tam thời chấp chính, thay thế vua, trong lịch sử gọi là thời  “Cộng hòa”, tồn tại trong mười bốn năm (841-828 trước Công nguyên). Năm 841 trước Công nguyên là năm đầu tiên có ghi chép rõ ràng trong lịch sử Trung Quốc. Từ đó về sau, lịch sử Trung Quốc mới có niên đại chính xác.

Đến năm 827 trước Công nguyên, sau khi Chu Lệ vương chết, con là Tuyên vương khôi phục lại được ngôi vua thì cuộc đấu tranh nội bộ nhà Chu mới tạm dứt ; nhưng chiến tranh lại xảy ra giữa nhà Chu với các tộc ngoài biên cương phía Tây và phía Bắc, chủ yếu là với các tộc Kinh Man, Nghiễm Doãn, Khương, Nhung, làm tiêu hao mất nhiều nhân lực, vật lực của dân chúng và làm cho mâu thuẫn giai cấp trong nội bộ nhà Chu lại trở nên gay gắt.

Các thi nhân thời bấy giờ có mô tả nỗi đau khồ của nhân dân như sau :

“Không nhà, không cửa, cũng vì đi đánh Nghiễm Doãn;

“Bận rộn không yên, cũng vì đi đánh Nghiễm Doãn;

“Chịu đói, chịu khát, cũng vì đi đánh Nghiễm Doãn”

(Kinh thi – Đại nhã)

Dưới đây là những lời than vãn thống thiết của những người vợ xa chồng, những người cha mẹ xa con vì chinh chiến, đã được các thi nhân ghi lại bằng lời thơ:

“Việc nước không dứt, mòn mỏi tuổi xanh. Ngày xuân tươi đẹp, lòng ta mong ước – chinh phu trở về.

“Việc nước không dứt, lòng ta đau thương. Cỏ cây tươi tốt, lòng ta đau xót, mong chồng ta về.

“Việc nước không dứt, cha mẹ ưu phiền. Xe cộ hư hỏng, bồn ngựa mệt mỏi, con ta sắp về.

“Ngựa xe qua lại, lòng ta vẫn đau. Ngày hẹn chẳng về, ta càng thương xót…”

(Kinh thi – Tiểu nhã)

Tình hình chinh chiến đó làm cho sức sản xuất trong nước bị đình đốn một cách nghiêm trọng:

“Việc nước liên miên, không thể cấy lúa tắc, lúa thử;

“Việc nước liên miên không thể cấy lúa đạo, lúa lương.

Tình hình đó đồng thời cũng làm cho xã hội phân hóa một cách kịch liệt, và mâu thuẫn giai cấp trở nên gay gắt. Chưa nói đến tình cảnh của người dân lao động, ngay trong nội bộ giai cấp quý tộc, một bộ phận lớn cũng bị sa cơ, thất thế, lâm vào bước đường cùng. Họ than thở :

“Như ta trước kia, cửa cao nhà rộng. Bây giờ bận rộn lo ăn. Than ôi, tình cảnh thật là khác truớc!

“Như ta trước kia, mði bữa ăn đủ món ngon. Ngày nay ăn không đủ no. Than ôi, tình cảnh thật là khác trước!

“Như ta trước kia, vợ thì lấy con gái nhà sang. Không phải họ Tề thì cũng là họ Tống. Ngày nay thì buồn vô cùng!

“Ngày nào cũng chỉ ngơ ngẩn ngồi trong xó nhà. Bụng đói thì uống đỡ nước suối, tìm đâu ra cơm mà ăn.

(Kinh thi – Trần phong)

Sự suy vong của nhà Tây Chu (Trung Quốc)
Sự suy vong của nhà Tây Chu (Trung Quốc)

Bức tranh xã hội đó phản ánh khá rõ tình trạng suy yếu của xã hội nhà Chu. Trong lúc đó thì chư hầu các nơi, nhờ sự phát triền kinh tế địa phương mà ngày một mạnh lên, có xu hướng thoát ly dần quyền lực của tông chủ.

Năm 781 trước Công nguyên, nhân vua Chu lúc này là U vương phế hoàng hậu họ Thân và thái tử Nghi Câu, lập Bao Tự làm hoàng hậu và con Bao Tự làm thái tử. Cha Thân hậu là Thân hầu khởi loạn, liên kết với người Tây Nhung tấn công Hạo Kinh. Bấy giờ đúng vào lúc vừa xảy ra nạn động đất lớn và hạn hán liên tiếp, người Chu lâm vào nạn đói kinh khủng, hoàn toàn mất hết khả năng chống cự. Quân Tây Nhung công hãm Hạo Kinh, thiêu hủy kinh đô nhà Chu, bắt giết U vương dưới chân núi Ly Sơn. Các Thần hầu lập thái tử Nghi Câu lên làm vua, hiệu là Chu Bình vương (771 trước Công nguyên).

Căn cứ địa Thiểm Tây của nhà Chu đã ở vào tình thế bị Nghiễm Doãn và Tây Nhung uy hiếp mạnh, nên năm sau, Bình vương phải dời đô sang Đông, đến Lạc Ấp (Lạc Dương, tỉnh Hà Nam bây giờ), đem căn cứ địa Quan Trung tặng cho một quý tộc, sĩ đại phu người Tần là Tần Tương công, hứa rằng nếu đuổi được Tây Nhung thì cho chiếm hẳn đất ấy. Thế là Tần Tương công đã lập ra nước Tần ở đấy.

Sau khi nhà Chu dời đô sang Đông thì sử gọi là Đông Chu. Bình vương đã mất căn cứ địa Quan Trung, mà trong lãnh thổ nhà Đông Chu, nhiều vùng bị chư hầu cắt chiếm hoặc càng hẹp dần. Tư cách tông chủ của nhà Chu do đó chỉ còn có danh, mà không có thực. Từ đó lịch sử Trung Quốc bước vào thời đại mới: thời Xuân thu – Chiến quốc.

Sự suy vong của nhà Tây Chu
Lịch sử Trung Quốc cổ đại
– LichSu.Org –

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.