Tìm hiểu về văn hóa Bàu Tró
Văn hóa Bàu Tró của người nguyên thủy ở Đồng Hới (Quảng Bình) có những nét đặc trưng riêng, có mối liên hệ mật thiết với văn hóa Quỳnh Văn.
Dọc vùng ven biển và đồng bằng các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, các nhà khảo cổ học phát hiện thấy một văn hóa hậu kỳ đá mới được đặt tên là văn hóa Bàu Tró, lấy tên từ di chỉ được nghiên cứu đầu tiên trên một hồ nước ngọt gần thành phố Đồng Hới (Quảng Bình). Văn hóa Bàu Tró bắt nguồn từ văn hóa Quỳnh Văn và phát triển nên từ văn hóa Quỳnh Văn.
Các bộ lạc chủ nhân văn hóa Bàu Tró cư trú ở những loại hình di chỉ khác nhau. Có những bộ lạc sống trên các đồi vỏ sò điệp. Có những bộ lạc sống trên các đồi đất hay đồi cát. Qua việc nghiên cứu các di chỉ văn hóa Bàu Tró, các nhà khảo cổ học cho chúng ta biết rằng các bộ lạc này đã trải qua những giai đoạn phát triển văn hóa khác nhau.
Đặc điểm rìu đá mài của người nguyên thủy Bàu Tró
Ngay ở giai đoạn sớm, chủ nhân văn hóa Bàu Tró đã là những người dùng rìu đá mài. Họ mài đá trên những hòn đá mài bằng phiến đá hay đá cát. Ở đây cũng tìm thấy những bàn mài có rãnh nhưng không nhiều như trong văn hóa Hạ Long.
Trong tất cả các giai đoạn, người nguyên thủy ở đây đều dùng những chiếc rìu có vai hay tứ giác được mài. Một nét đặc trưng của văn hóa Bàu Tró là công cụ tuy đã được mài nhưng vẫn chưa hết dấu vết ghè đẽo ở trên thân. Rìu thường có thiết diện ngang thân hình bầu dục. Rìu có vai thường có vai xuôi, hẹp, đôi khi không nổi rõ, trừ một vài loại bôn có vai có kích thước nhỏ, lưỡi rộng, là được mài nhẵn hết dấu đẽo và có vai vuông vắn. Những chiếc bôn nhỏ có vai này chứng tỏ cho thấy chủ nhân văn hóa Bàu Tró hoàn toàn có khả năng mài được những chiếc rìu đẹp nhưng dường như họ không chú ý tạo nên những công cụ như vậy.
Trong các di chỉ thường tìm thấy những chiếc rìu mài bị hỏng, người nguyên thủy đem đẽo lưỡi để dùng. Có lẽ do thiếu nguyên liệu đá mà họ phải làm như thế. Dấu vết của kỹ thuật cưa đá rất hiếm ở văn hóa Bàu Tró. Ở giai đoạn sớm của văn hóa này, bên cạnh công cụ mài, còn có nhiều công cụ ghè đẽo giống công cụ trong văn hóa Quỳnh Văn. Đó là những công cụ chặt dập được ghè đẽo trên một mặt hay trên cả hai mặt. Công cụ ghè đẽo vắng dần trong các giai đoạn sau.
Đồ gốm trong các di chỉ văn hóa Bàu Tró
Các nhà khảo cổ học cũng tìm được rất nhiều đồ gốm. Bên cạnh đồ gốm làm bằng tay đã có những đồ gốm làm bằng bàn xoay.
Ở giai đoạn sớm của văn hóa Bàu Tró, phổ biến là loại nồi có miệng thẳng, đáy nhọn đã gặp trong các di chỉ văn hóa Quỳnh Văn. Loại đồ đựng có đáy nhọn hiếm dần ở giai đoạn giữa và hầu như mất hẳn ở giai đoạn cuối của văn hóa Bàu Tró.
Ở giai đoạn giữa, loại đồ đựng đáy tròn làm bằng bàn xoay, mặt ngoài trang trí văn hoa dấu thừng chiếm ưu thế. Điều đó cũng nói lên bước tiến bộ trong kỹ thuật làm đồ gốm của các bộ lạc Bàu Tró. Đến giai đoạn cuối, đồ gốm của văn hóa này đã khá đa dạng về kiểu dáng cũng như về hoa văn trang trí. Người nguyên thủy thường dùng một cái que có ba răng vẽ nên những đồ án trang trí ở mặt ngoài phần miệng của đồ đựng. Đó là những đường song song, cắt nhau hay uốn cong, những hình chữ S đứng sát nhau, hoặc nằm ngang, làm thành giải. Cũng đã có những đồ án chữ S nối đuôi nhau rất đẹp.
Trong giai đoạn này, ở một số di chỉ như Trại Ổi, Thạch Lạc (thuộc Thạch Hà, Hà Tĩnh) và Bàu Tró (thuộc Đồng Hới, Quảng Bình), đã gặp nhiều đồ gốm tô thổ hoàng (son đỏ). Phần được tô thổ hoàng thường là mặt ngoài cổ và miệng đồ gốm. Ở di chỉ Thạch Lạc cung tìm được nhiều “tai” gốm. Đó là những thỏi đất dài khoảng chừng 4-5cm, có thiết diện hình chữ nhật, hình bán nguyệt hay hình tròn. Người nguyên thủy đã gắn những thỏi đất ấy lên miệng đồ gốm khi đất sét còn ướt, làm thành một thứ “tai”, để bưng hay nâng nhấc đồ gốm cho dễ. Ở mặt trên của “tai” gốm, người ta còn trang trí các đường khắc vạch, hình thoi hay hình tam giác… Loại đồ gốm có “tai” cũng đã tìm được ở một số di chỉ khác của văn hóa Bàu Tró như Bàu Tró, Ba Đồn (Quảng Bình), Thạch Lâm (thuộc Thạch Hà, Hà Tĩnh)…
Các hoạt động nông nghiệp
Ở những di chỉ đồi vỏ sò điệp của văn hóa này, dấu vết của một hoạt động săn bắn hái lượm còn thấy khá rõ. Cũng như các bộ lạc Quỳnh Văn trước kia, một số nhóm cư dân văn hóa Bàu Tró vẫn đi bắt các động vật thân mềm ở biển về ăn. Điệp và sò vẫn là thức ăn thường xuyên trong thực đơn của họ. Ngoài ra còn có một số ốc biển như ốc gai, ốc đinh… Trong các đồi vỏ sò điệp cũng tìm được một số xương thú rừng như hươu, nai, lợn…
Nhưng có thể nói rằng nông nghiệp là ngành kinh tế chủ yếu của các bộ lạc Bàu Tró. Ở các di chỉ đồi đất, như bãi Phôi Phối (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã cho thấy rõ điều đó. Những di chỉ này có tầng văn hóa dày, chứa nhiều đồ gốm, với nhiều loại đồ đựng có kích thước lớn, đường kính miệng rộng. Các nhà khảo cổ học đã gặp những bàn nghiền hay bàn xát rất lớn và đặc biệt là đã tìm thấy những chiếc cuốc đá. Cuốc đá không những tìm được trong nơi cư trú, như ở bãi Phôi Phối, mà còn tìm được trong mộ táng.
Trong một ngôi mộ ở lèn Hang Thờ (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An), có ba lưỡi cuốc đá được chôn theo người chết, lưỡi lớn nhất nằm trên xương chậu, hai lưỡi cuốc nhỏ hơn đặt hai bên thái dương. Cuốc chôn theo người chết chỉ có thể là nghi lễ mai táng của cư dân đã lấy nông nghiệp dùng làm ngành kinh tế chủ yếu.
Những chiếc cuốc đá tìm được trong các di tích văn hóa Bàu Tró khá giống nhau, đều có chuôi để lắp vào cán. Cũng như những chiếc rìu trong văn hóa này, những chiếc cuốc đều được mài nhưng chưa mất hết dấu đẽo. Mặt trước của lưỡi cuốc thường được mài cẩn thận hơn mặt sau (tức mặt quay về phái cán). Lưỡi cuốc mỏng và thường cong về phía trước.
Đời sống nghệ thuật và nghi lễ an táng của người nguyên thủy Bàu Tró
Trong các di chỉ văn hóa Bàu Tró đã tìm thấy những dọi xe chỉ bằng đất nung, chứng tỏ người nguyên thủy ở đây đã biết dệt vải. Ngoài ra còn tìm được một số trang sức bằng đá như vòng tay, khuyên tai, nhưng số lượng không nhiều. Ở di chỉ bãi Phôi Phối, có một số khuyên tai bằng đất nung. Sau khi nặn đất thành hình khuyên tai, họ còn vẽ lên đấy những đường vạch hay đường chấm để trang trí.
Trong đồi vỏ sò điệp Thạch Lạc, ở độ sâu 1,3m – 1,4m, các nhà khảo cổ học còn phát hiện được hai ngôi mộ. Trong một ngôi mộ có một bộ xương nằm ngửa, giữa ngực có một chiếc rìu đá có vai. Ở một ngôi mộ khác, có hai bộ xương nằm chồng lên nhau, nhưng ngược chiều nhau, đầu người này đặt trên chân người kia. Trên ngực của hai bộ xương này, cũng có rìu có vai. Đặt rìu có vai lên ngực người chết là một nghi lễ đã gặp ở một vài nơi khác trong khu vực Đông Nam Á thời nguyên thủy. Ngôi mộ có chôn theo cuốc đá ở lèn Hang Thờ nói tới ở trên nằm ở độ sâu 1,8m so với lớp mặt đất. Biên mộ hình bầu dục, đường kính lớn 1m, đường kình nhỏ 0,6m. Quan sát xương, chúng ta có thể biết người chết được chôn theo tư thế nằm co, đầu hướng Đông, chếch Nam 15 độ. Xương sọ và xương chi thấy có màu đỏ thổ hoàng. Xương chậu không thấy có màu.
Các nền văn hóa Việt Nam thời nguyên thủy
Để hiểu hơn về lịch sử dân tộc và đời sống của người nguyên thủy Việt Nam, ngoài văn hóa Bàu Tró, các bạn có thể tìm hiểu thêm về các nền văn hóa khác được hình thành trên đất nước ta.