Hình thái ý thức của xã hội nguyên thủy
Các hình thái ý thức của xã hội nguyên thủy bao gồm ngôn ngữ, tôn giáo và nghệ thuật bước đầu đã cho thấy được sự phát triển của xã hội nguyên thủy.
1. Hình thái ý thức về ngôn ngữ
Hình thái ý thức đầu tiên của loài người có thể nói là ngôn ngữ. Tư duy và ngôn ngữ sinh ra và phát triển gắn liền với việc tiến hành lao động tập thể. Ngôn ngữ là một công cụ, một phương tiện dùng để giao thiệp, trao đổi tư tưởng nhằm đi đến chỗ hiểu biết nhau.
Tuy vậy, ngôn ngữ của người nguyên thủy chưa phong phú, chưa phức tạp lắm. Những từ căn bản còn nghèo nàn, nhất là những khái niệm trừu tượng thì rất là thiếu. Người ta dùng nhiều tên gọi khác nhau để chỉ những cây, những quả, những con thú, con chim… cụ thể khác nhau. Nhưng người ta thiếu những từ chỉ khái niệm trìu tượng: loài cây, loài quả, loài thú, loài chim… Trong quá trình lao động, do tích lũy được ngày càng nhiều những quan sát, những kinh nghiệm, những hiểu biết mới, tư duy và ngôn ngữ phát triển không ngừng.
Trong xã hội nguyên thủy, do sức sản xuất còn thấp kém, mọi hoạt động của con người đều là những hoạt động tập thể. Người ta cùng chung sản xuất, cùng chung tiêu thụ, đói thì cùng tìm ăn, no thì biết cất giữ thức ăn còn thừa, không ai giành lại một thứ gì của chung là của riêng cả. Cũng chưa nảy sinh một quan niệm gì về quyền tư hữu cả. Ý thức tư tưởng của con người lúc này là ý thức tư tưởng cộng sản chủ nghĩa nguyên thủy.
2. Hình thái ý thức về tôn giáo
Tôn giáo cũng là một hình thái ý thức nảy sinh dưới chế độ công xã nguyên thủy, vào hậu kỳ thời đại đồ đá cũ. Ở thời kỳ bầy người nguyên thủy chưa có tôn giáo, những tín ngưỡng tôn giáo tương đối có hệ thống chỉ xuất hiện ở hậu kỳ thời đại đồ đá cũ. Lúc ấy, lao động sản xuất còn ở trình độ rất thấp kém. Con người cảm thấy mình bất lực trước thiên nhiên, sinh lòng mê tín thần linh, ma quỷ. Đó chính là nguồn gốc và cơ sở của tôn giáo.
Thị tộc nguyên thủy nào cũng có một tín ngưỡng tô-tem riêng, tức là một động vật, một thực vật, hay một hiện tượng tự nhiên nào đó, được thị tộc sùng bái, cho là có quan hệ mật thiết với thị tộc, dùng để tượng trưng cho thị tộc, che chở, phù hộ thị tộc, giúp đỡ thị tộc săn bắn, chăn nuôi hay trồng trọt. Thị tộc thường lấy tên tô-tem để đặt tên cho mình. Tín ngưỡng tô-tem phát sinh một mặt là do sự phát triển của sự phân công thành nhiều ngành nghề khác nhau giữa người nguyên thủy, mỗi ngành nghề có một tô-tem riêng, mặt khác là do sự phân chia thành thị tộc và bộ lạc khác nhau, do đó cần dùng tô-tem để phân biệt. Nhưng từ vật tô-tem phát triển thành tín ngưỡng tô-tem, ý thức của người nguyên thủy đã nhuốm màu sắc tôn giáo rồi.
Một hình thái khác nữa của tôn giáo nguyên thủy là sự thờ cùng tổ tiên. Dưới chế độ thị tộc phát triển cao, lòng kính trọng và biết ơn đối với những người già cả hay có công lao với thị tộc đã chết chị, được biểu hiện thành sự sùng bái tổ tiên. Họ tin rằng linh hồn của tổ tiên có thể phù hộ cho con cháu trong thị tộc.
3. Hình thái ý thức về nghệ thuật thời kỳ đồ đá
Nghệ thuật cũng là một hình thái ý thức xã hội nảy sinh ở thời đại nguyên thủy, vào hậu kỳ thời đại đồ đá cũ. Nguồn gốc chung của nghệ thuật nguyên thủy là thực tiễn lao động sản xuất của con người. Nó là hình thức biểu hiện của nhận thức, tình cảm và tư tưởng của con người qua thực tiễn lao động, chứ không phải là hoàn toàn vì mục đích thẩm mỹ, “vì nghệ thuật” mà có sáng tác nghệ thuật. Loài người trong thời nguyên thủy quyết không có cái nhàn hạ để thỏa mãn cái ý muốn thẩm mỹ của mình bằng những biểu tượng nghệ thuật. Nghệ thuật thời đó chỉ là do yêu cầu của đời sống thực tế mà có. Mục đích của nó là nhằm phục vụ sản xuất. Hội họa, điêu khắc, âm nhạc, ca hát, nhảy múa, trang sức,… đều gắn chặt với sinh hoạt tập thể của mọi thành viên trong thị tộc.
Trong xã hội thị tộc, lúc đầu, kinh tế săn bắn còn thịnh, cho nên nghệ thuật ở thời kỳ này đã có những chủ đề rất phong phú về động vật và về những cuộc đấu tranh với động vật như những bức họa trong hang động về bò rừng, voi ma mút, ngựa, hươu, dê rừng,… và về những cảnh đi săn bắn. Những đồ đựng và đồ trang sức bằng đá, gỗ, xương, ngà voi cũng tạo phỏng theo hình dáng của các động vật thời đó. Ngoài ra, người nguyên thủy cũng có tạc tượng bằng ngà voi và sừng, đặc biệt là những tượng phụ nữ, tượng trưng cho sự bảo tồn và phát triển của thị tộc và của giống nòi.
Đa số các tác phẩm nghệ thuật hay hình thức nghệ thuật thời nguyên thủy đều ít nhiều có mang màu sắc tôn giáo, nhưng điều đó không có nghĩa là hai ngành này có liên hệ trực tiếp gì với nhau, hoặc quy định lẫn nhau.
Thời nguyên thủy chưa có chữ viết. Nhưng cuối thời đại này đã xuất hiện lối dùng dây thắt nút gọi là “ghi việc bằng nút”, hay dùng hình vẽ (chữ tượng hình) để ghi chép sự việc hoặc biểu đạt tư tưởng, tỉnh cảm. Đó là mầm sống của chữ viết phát minh ở buổi đầu của thời đại văn minh, lúc xã hội loài người bắt đầu phân chia thành giai cấp và nhà nước mới ra đời.
Hình thái ý thức của xã hội nguyên thủy
– LichSu.Org –