Nền văn hóa Đông Sơn
Văn hóa Đông Sơn là một nền văn hóa cổ trong lịch sử Việt Nam, xuất hiện vào khoảng năm 800 tr. CN ở một số tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ.
Văn hóa Đông Sơn đã được giới khảo cổ học thế giới biết đến rất sớm, từ những năm 1920 – 1930. Nó mang tên địa điểm khảo cổ học Đông Sơn bên bờ sông Mã, phía trên cầu Hàm Rồng khoảng 1km, thuộc thành phố Thanh Hóa.
Địa điểm khảo cổ học Đông Sơn được phát hiện năm 1924 và được khai quật nhiều lần trước và sau Cách mạng tháng Tám. Không kể những hiện vật thu lượm một cách ngẫu nhiên, cho đến nay đã phát hiện được rất nhiều di tích của nền văn hóa Đông Sơn, được phân bố trên hầu khắp miền Bắc nước ta, chủ yếu là dọc lưu vực sông Hồng, sông Mã và sông Cả. Mỗi khu vực có những khác biệt nhất định thể hiện phong cách địa phương, nhưng nhìn chung, văn hóa Đông Sơn mang những đặc trưng chung trên một địa bàn phát triển rộng lớn, đông đặc hơn trước rất nhiều.
Đến giai đoạn Đông Sơn, đồ đá không còn bao nhiêu, ít ỏi về số lượng, nghèo nàn về cả loại hình và phần lớn là đồ trang sức. Đồ gốm mang nặng ý nghĩa thực dụng, chế tạo đơn sơ và thường là gốm trơn, không trang trí hoặc trang trí bằng những hoa văn đơn điệu như văn thừng, văn chải ở thân.
Trái lại, đồ đồng Đông Sơn phát triển rực rỡ, đạt đến mức hoàn hảo về mặt kỹ thuật cũng như về mặt nghệ thuật. Hiện nay, chúng ta có một bộ sưu tập đồ đồng Đông Sơn hết sức phong phú với nhiều loại hình và kiểu dáng khác nhau.
Công cụ sản xuất trong nông nghiệp có lưỡi cày, cuốc, thuổng, rìu, mai,… ; trong thủ công nghiệp có các loại đục, não, giũa, dao khắc, kim,…
Vũ khí vừa nhiều về số lượng, vừa đa dạng và độc đáo về loại hình. Vũ khí tấn công có loại rìu chiến, dao găm, kiếm ngắn, giáo, mũi lao, mũi tên,… Phương tiện phòng vệ có những tấm che ngực hình vuông hay hình chữ nhật, bao cổ chân, và bao cổ tay, có khi đính lục lạc,…
Dụng cụ có đủ loại từ những thạp, thố, bình, vò, ấm, lọ, chậu,… kích thước lớn nhỏ khác nhau, cho đến những vật dụng nhỏ nhắn, thông thường nhưng tinh tế như chiếc muôi có tượng người thổi khèn ở Việt Khê (thuộc xã Phù Ninh, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) hay đính lục lạc nhỏ ở Làng Vạc (thuộc Thái Hòa, Nghệ An),…
Đồ trang sức gồm các loại vòng tay, nhẫn, hoa tai, móc đai lưng,…
Nhạc khí có trống đồng, chuông, khèn, lục lạc,…; tượng nghệ thuật có các loại tượng người, tượng thú vật như hổ, voi, chó, gà, chim, cóc,… Trong đó, trống đồng Đông Sơn được xem như biểu tượng văn hóa của thời kì Đông Sơn (Tìm hiểu thêm về trống đồng Đông Sơn ⇒ TẠI ĐÂY!).
Đặc biệt, đến giai đoạn Đông Sơn, bên cạnh đồ đồng đạt đến đỉnh cao về chế tác và trang trí, đã xuất hiện đồ sắt. Đã phát hiện được một số dấu tích của nghề luyện kim sắt và những hiện vật bằng sắt như cuốc, mai, thuổng, mũi tên,…
Trước đây, văn hóa Đông Sơn được xếp vào giai đoạn phát triển của thời đại đồng thau có niên đại khoảng trước sau đầu công nguyên hoặc thế kỷ V tr.CN. Những kết quả nghiên cứu sau này cho phép xác định văn hóa Đông Sơn thuộc sơ kỳ thời đại đồ sắt, hoặc ít ra cũng thuộc giai đoạn chuyển tiếp từ hậu kỳ thời đại đồ đồng sang sơ kỳ thời đại đồ sắt. Về niên đại tuyệt đối, trước đây các nhà khảo cổ học đã xác định được một số kết quả carbon phóng xạ như sau:
Địa điểm | Niên đại carbon phóng xạ (năm) | Năm xác định | Thời gian ước tính |
Đông Sơn | 2.820 ± 120 | 1970 | 850 tr.CN |
Chùa Thông | 2.655 ± 90 | 1950 | 705 tr.CN |
Việt Khê | 2.415 ± 100 | 1950 | 465 tr.CN |
Chiền Vậy | 2.350 ± 100 | 1950 | 400 tr.CN |
Châu Can | 2.325 ± 60 năm | 1950 | 375 tr.CN |
Làng Vạc | 1.990 ± 85 năm | 1950 | 40 tr.CN |
Núi Nấp | 1.670 ± 85 năm | 1950 | 280 sau CN |
Như vậy, văn hóa Đông Sơn tồn tại khoảng từ đầu thiên niên kỷ thứ I tr.CN cho đến vài ba thế kỷ sau CN, và đứng về mặt lịch sử, có thể phân biệt làm hai giai đoạn:
- Giai đoạn phát triển độc lập, trước Bắc thuộc, nghĩa là trước lúc tiếp xúc với văn hóa Hán, thuộc phạm vi nghiên cứu của thời đại dựng nước đời Hùng Vương – An Dương Vương.
- Giai đoạn đầu Bắc thuộc, khi đã tiếp xúc với văn hóa Hán, thuộc phạm vi nghiên cứu của thời kỳ đấu tranh chống Bắc thuộc, đấu tranh, giành độc lập dân tộc.
Nền văn hóa Đông Sơn là sự phát triển liên tục và kế thừa từ các nền văn hóa Phùng Nguyên → Đồng Đậu → Gò Mun. Ngoài những dòng ở lưu vực sông Hồng, hẳn còn những dòng khác của lưu vực sông Mã, sông Lam,… mà những phát hiện khảo cổ học cho đến nay, vẫn chưa cho phép xác định các giai đoạn phát triển một cách rõ ràng.
Ở lưu vực sông Mã, khu mộ táng Đông Sơn, dựa trên nhiều kết quả khai quật khác nhau, có thể phân biệt làm ba giai đoạn phát triển, trong đó giai đoạn sớm được coi như tương ứng giai đoạn Gò Mun ở lưu vực sông Hồng. Một số di tích thuộc những giai đoạn trước đó – giai đoạn sơ kỳ và trung kỳ thời đại đồng thau – cũng được phát hiện tuy chưa nhiều, như văn hóa Hoa Lộc, các di tích Đông Khối, Bái Man, Cồn Cấu, Đồng Ngầm,…
Ở lưu vực sông Cả, nhiều di tích văn hóa Đông Sơn đã được phát hiện, trong đó có khu mộ táng Làng Vạc (thuộc Thái Hòa, Nghệ An) rất phong phú, chứa nhiều hiện vật có giá trị. Di tích Rú Trăn (thuộc Nam Đàn, Nghệ An) có thể coi thuộc giai đoạn tiền Đông Sơn, tương ứng với giai đoạn Gò Mun.
Đó là quá trình phát triển văn hóa của các khu vực dẫn đến sự hình thành nền văn hóa Đông Sơn rực rỡ với những đặc trưng chung bao quát một địa bàn rộng lớn tương ứng với nước Văn Lang đời Hùng Vương, là đỉnh cao của nền văn minh sông Hồng trong lịch sử Việt Nam.
Các nền văn hóa Việt Nam thời nguyên thủy
Để hiểu hơn về lịch sử dân tộc và đời sống của người nguyên thủy ở Việt Nam, ngoài văn hóa Hoa Lộc nói trên các bạn có thể tìm hiểu thêm về các nền văn hóa khác được hình thành trên đất nước ta qua từng giai đoạn với những đặc trưng khác nhau mà LichSu.org chia sẻ dưới đây: