Cứ gọi tôi là Ba như ngày trước [Kể chuyện Bác Hồ]

Câu chuyện Cứ gọi tôi là Ba như ngày trước

Cứ gọi tôi là Ba như ngày trước là câu chuyện kể về Bác Hồ, qua đó cho thấy tình cảm tình cảm chân thành trước sau như một của Bác đối với bạn bè.

1. Sự thay đổi bất thường của ông già Thuyết

Ở phố Ngõ Nghè (Hải Phòng) có một ông già mù cả hai mắt tên là Thuyết. Hồi còn trẻ, ông làm thủy thủ [1] trên nhiều tàu buôn nước ngoài, về sau ông làm công trong một hiệu ảnh bên Pháp. Cuối năm 1945, ông già Thuyết trở về nước với một chiếc hòm gỗ, một chiếc ba toong [2] và hai con mắt chỉ còn lòng trắng. Ông đến ở nhờ nhà em gái. Bản tính ông lầm lì ít nói, đôi khi có nói chuyện cũng chỉ nói chuyện một mình và bằng tiếng Anh, tiếng Pháp. Những lúc ấy, đôi mắt dờ dại của ông ngó trân trân về phía trước và ông thở dài như nhớ tiếc một kỉ niệm gì xa xôi đã mất. Người trong nhà đều cho ông già là lẩm cẩm [3].

Nhưng đến năm 1946, từ hôm được nghe tin Hồ Chủ tịch sang Pháp đàm phán [4] đang trên đường về nước bằng tàu biển, thì tự nhiên tính tình ông già Thuyết bống thay đổi một cách khác thường. Ông nói, ông cười và có lúc ông lại cất tiếng hát vang những bài ca tươi sáng bằng tiếng Pháp, tiếng Anh.

Buổi sáng hôm ấy, được tin con tàu chở Bác đã về, nhân dân Hải Phòng nô nức chuẩn bị đi đón Bác. Ông già Thuyết cũng vội vã lôi ở đáy chiếc hòm gỗ ra một bộ quần áo dạ (hồi còn bên Pháp, ông thường mặc bộ này). Rồi ông xỏ tất, đi giày cẩn thận. Người nhà thấy ông mặc đồ dạ giữa lúc thời tiết đang nóng bức thì cười, càng cho ông già lẩm cẩm. Nhưng ông chỉ tủm tỉm cười và khe khẽ hát một mình.

2. Ý muốn của ông già

Chiều hôm ấy, hầu như tất cả nhân dân Hải Phòng xuống đường đi đón Bác. Ông già Thuyết cũng chống gậy ra phố, hòa vào trong dòng người cuồn cuộn. Đoàn xe hơi đưa Bác về nghỉ tạm ở trường Nữ học [5], phố Ngõ Nghè, cách nhà ông già Thuyết vài trăm mét. Ông già Thuyết gọi đứa cháu bé bảo đưa ông sang gặp Hồ Chủ tịch. Đứa bé trố mắt, sửng sốt kêu lên:

– Trời ơi! Ông điên rồi sao? Ông là gì mà lại đòi sang chới với Hồ Chủ tịch?

– Ông là bạn thân ngày trước với Hồ Chủ tịch.

Ông già Thuyết điềm tĩnh trả lời, nhưng đứa bé vẫn lắc đầu quầy quậy:

– Thôi cháu lạy ông! Ông mà lại là bạn thân của Bác Hồ được!

Mặc, ông già Thuyết vẫn cứ khăng khăng đòi cháu dẫn đi. Cả nhà xúm lại ngăn thế nào cũng chẳng được, đành để cho cháu bé dắt ông đi, nhưng khuyên ông phải thay bộ quần áo dạ, nóng đến phát ngốt người bằng bộ quần áo khác. Ông trả lời:

– Ngày xưa, ở chung với Cụ Hồ, tao thường mặc bộ này.

3. Cứ gọi tôi là Ba như ngày trước

Cháu bé dắt ông già Thuyết đến trước của trường Nữ học, rụt rè không dám vào. Hai anh bộ đội đứng gác lúc đầu có vẻ hoài nghi [6], nhưng sau khi hỏi chuyện, lại nhìn vẻ mặt hiền hậu và thái độ kiên quyết của ông già bèn bảo hai ông cháu đứng chờ rồi một anh chạy đi báo cáo. Lát sau, anh bộ đội gác chạy ra vẫy đứa bé dắt ông già vào. Vừa vào tới phòng khác, đã thấy Hồ Chủ tịch đứng ở ngưỡng cửa. Bác bước nhanh tới, nắm chặt lấy bàn tay ông già Thuyết. Bác thân mật hỏi:

– Thuyết đấy à? Lâu lắm chúng ta mới lại được gặp nhau.

Ông già Thuyết cảm động quá, lắp bắp:

– Hồ Chủ…

Nhưng Hồ Chủ tịch đã ngắt lời ông:

– Đừng xưng hô như thế. Cứ gọi tôi là Ba như ngày trước.

Rồi Người xoa đầu đứa cháu và ân cần dắt ông già Thuyết vào phòng nghỉ của mình.

Nửa giờ sau, Bác lưu luyến tiễn chân ông già Thuyết – người thủy thủ năm xưa đã cùng Bác ở dưới tàu Pháp, người bạn đồng nghiệp [7] đã cùng chung sống với Bác ở một hiệu ảnh ở Paris, một quần chúng cảm tình của Đảng – Bác thân thiết nắm tay bạn, dặn dò:

– Tôi bây giờ tuy là Chủ tịch một nước nhưng chẳng qua cũng chỉ là tôi tớ của nhân dân mà thôi. Đối với anh, trước sau tôi cũng vẫn là người bạn thân. Anh nên gửi thư cho tôi luôn luôn.

Câu chuyện Cứ gọi tôi là Ba như ngày trước – Kể chuyện Bác Hồ
Nguồn: Kể chuyện 4, trang 199, NXB Giáo dục – 1984
– LichSu.Org –

Chú thích trong câu chuyện

  1. Thủy thủ: người chuyên làm công việc chèo lái hoặc điều khiển cho tàu thuyền hoạt động.
  2. Ba toong: gậy chống, uốn cong ở một đầu để cầm tay cho chắc.
  3. Lẩm cẩm: lú lẫn, hay nói và làm những điều không đúng chỗ hoặc không đúng lúc.
  4. Đàm phán: bàn bạc, trao đổi ý kiến với nhau để giải quyết những vấn đề liên quan giữa hai bên.
  5. Trường Nữ học: trường học dành riêng cho các em gái.
  6. Hoài nghi: nghi ngờ, không tin là đúng, là thật.
  7. Đồng nghiệp: người cùng làm một nghề với mình.

Ý nghĩa câu chuyện Cứ gọi tôi là Ba như ngày trước

Truyện kể lại cuộc gặp gỡ có thật giữa Hồ Chủ tịch với một người bạn cũ. Qua đó nói lên tình cảm yêu kính của nhân dân ta đối với Hồ Chủ tịch, ca ngợi đức tính giản dị, khiêm tốn, tình cảm chân thành trước sau như một của Người đối với bạn bè.

Mặc dù đã trở thành vị Chủ tịch nước, Bác Hồ vẫn luôn giản dị, khiêm tốn, gần gũi với nhân dân lao động.

Cụ Hồ ở giữa lòng dân
Tuy xa, xa lắm nhưng gần, gần ghê.
Mỗi khi thư Cụ gửi về,
Rộn ràng khắp chợ cùng quê đón mừng.

– Ca dao kháng chiến chống Pháp –

Những câu chuyện kể về Bác Hồ hay nhất

Bác Hồ là vị lãnh tụ kính yêu của toàn dân tộc. Suốt cuộc đời mình, Bác luôn luôn lo việc cứu dân cứu nước khỏi ách nô lệ và xâm lược của thực dân Pháp, phát xít Nhật và đế quốc Mỹ.

Trong thời kỳ hoạt động bí mật, Bác phải sống và hoạt động nhiều năm ở nước ngoài để vừa lãnh đạo cách mạng trong nước, vừa tổ chức phong trào yêu nước trong đông đảo bà con Việt kiều ở các nơi đó (Pháp, Trung Quốc, Thái Lan, …). Không những thế, người còn là tấm gương sáng về lối sống đạo đức và tình yêu đối với các bạn thiếu nhi.

Ngoài câu chuyện Cứ gọi tôi là Ba như ngày trước kể trên, LichSu.Org còn sưu tầm và giới thiệu đến các bạn những câu chuyện kể về Bác Hồ hay nhất, qua đó sẽ giúp các bạn có cái nhìn sâu hơn về người cha già kính yêu của dân tộc, đã dẫn dắt nhân dân ta giành được độc lập, tự do trước các thế lực ngoại xâm và thống nhất nước nhà.

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.