Các hoạt động nông nghiệp sơ khai của nền văn hóa Hòa Bình
Các hoạt động nông nghiệp sơ khai của nền văn hóa Hòa Bình cho thấy nước ta là một trong những nơi phát sinh nông nghiệp sớm nhất của nhân loại.
Trong lịch sử nước ta, dấu tích về đời sống của các cư dân nguyên thủy được tìm thấy ở nhiều nơi. Điển hình là các dấu tích về các hoạt động kinh tế của nền văn hóa Hòa Binh.
Ở thời kì này, phần lớn các công cụ lao động của họ được làm bằng đá cuội được ghè đẽo một mặt cho sắc nhọn. Phần lớn những công cụ đá ấy được dùng vào việc chế tác công cụ tre gỗ. Những công cụ bằng tre hỗ ngày nay không còn tìm thấy nữa vì đã mục nát. Công cụ tre gỗ thường xuyên đóng vai trò quan trọng trong đời sống cư dân nguyên thủy Việt Nam và Đông Nam Á. Chính những công cụ tre gỗ này mới đóng vai trò trực tiếp trong hoạt động săn bắt của họ.
Có những hang Hòa Bình tìm thấy rất nhiều mảnh tước, như hang Bưng (thuộc Suối Hoa, Tân Lạc, Hòa Bình), trong 63 mét vuông, có đến 1.167 mảnh, như vậy người nguyên thủy ở đây đã đem đá cuội về chế tác công cụ ngay trong hang. Nhưng cũng có nhiều địa điểm có rất ít mảnh tước, có thể nghĩ rằng người nguyên thủy đã ghè đẽo công cụ ngay ở chỗ có cuội, bên bờ sông hay bờ suối.
Trong giai đoạn này, săn bắt và hái lượm là hoạt động kinh tế chủ yếu của các bộ lạc chủ nhân văn hóa Hòa Bình. Trong hai hoạt động đó, có thể hái lượm đã đem lại cho họ một nguồn thức ăn thường xuyên hơn. Nhìn vào đống vỏ ốc lớn trong các địa điểm Hòa Bình, các nhà nghiên cứu lịch sử có thể suy đoán và đưa ra kết luận như vậy.
Nhưng theo các phát hiện của khảo cổ học cho thấy, nông nghiệp đã nẩy sinh trong lòng văn hóa Hòa Bình. Ở hang Ma, một địa điểm văn hóa Hòa Bình ở vùng đông bắc Thái Lan, đã tìm thấy hạt của nhiều loại thực vật, trong đó có hạt bầu, bí và các loại đậu là những giống cây mà các nhà nghiên cứu cho rằng có thể trồng trọt được. Ở Việt Nam, chưa tìm được những hạt loài cây như vậy trong các di tích văn hóa Hòa Bình, nhưng bằng phương pháp phân tích bào tử phấn hoa, đã tìm thấy phấn hoa họ rau đậu (Leguminosae), trong một số hang Hòa Bình như Sũng Sàm (thuộc Mỹ Đức, Hà Nội), Thẩm Khương (thuộc Tuần Giáo, Lai Châu).
Như vậy, trên cơ sở kinh tế hái lượm phát triển ở vùng rừng nhiệt đới, các bộ lạc Hòa Bình đã thực hiện một bước nhảy có ý nghĩa lớn lao trong đời sống nhân loại: phát minh nông nghiệp. Niên đại carbon phóng xạ (C14) sớm nhất của hang Ma ở Thái Lan trước đây xác định được là 11.690 ± 580 năm, còn niên đại carbon phóng xạ của hang Sũng Sàm ở Việt Nam trước đây xác định được là 11.365 ± 80 năm. Như vậy là hơn một vạn năm về trước, nông nghiệp đã ra đời ở Việt Nam và Đông Nam Á. Đông Nam Á là một trong những trung tâm phát sinh nông nghiệp sớm nhất của nhân loại. Việt Nam nằm trong trung tâm tâm đó và các bộ nguyên thủy ở Việt Nam đã có đóng góp to lớn vào phát minh quan trọng đó.
Các nhà khoa học đã đoán định rằng lịch sử nông nghiệp nguyên thủy ở Đông Nam Á có thể chia làm hai giai đoạn: giai đoạn trồng rau củ và giai đoạn trồng lúa. Nhiều người cho rằng văn hóa Hòa Bình tương ứng với gia đoạn trồng rau củ của nông nghiệp Đông Nam Á.
Trong tầng văn hóa Hòa Bình ở hang Xóm Trại (thuộc Lạc Sơn, Hòa Bình) đã tìm thấy những hạt thóc, vỏ trấu và hạt gạo cháy. Có thể là trong thời kỳ văn hóa Hòa Bình, cạnh việc trồng trọt các cây có củ và rau đậu, con người đã biết đến lúa; nhưng nông nghiệp trồng trọt chỉ thực sự phát triển ở các giai đoạn sau. Nông nghiệp văn hóa Hòa Bình chỉ là sơ khai. Nguồn thức ăn do nông nghiệp thời đó đưa lại hẳn còn chiếm một tỷ lệ nhỏ bé. Con người sống chủ yếu dựa vào thức ăn do hái lượm và săn bắt. Dù vậy, sự ra đời của nông nghiệp vẫn có ý nghĩa lớn lao. Với ngành kinh tế sản xuất này, con người thực sự bắt đầu công cuộc cải tạo tự nhiên, tạo ra những giống loài mới không có trong tự nhiên.
Văn hóa Hòa Bình – cái nôi của nền nông nghiệp nhân loại
– LichSu.org –
Tìm hiểu về nền văn hóa Hòa Bình
Để hiểu kỹ hơn về nền văn hóa Hòa Bình trong lịch sử Việt Nam, các bạn có thể đọc thêm bài viết sau: