Điều kiện tự nhiên của Lưỡng Hà cổ đại
Điều kiện tự nhiên của Lưỡng Hà cổ đại rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, bởi đây là vùng đất giàu phù sa, nằm giữa hai con sông Tigre và Euphrata.
1. Lưỡng Hà ở đâu?
Tại khu vực Trung Cận Đông, giữa miền núi rừng Tiểu Á và đại sa mạc Ả Rập, có một dải đất dài, phì nhiêu, hình bán nguyệt chạy từ vịnh Ba Tư ở phía đông đến bờ biển Đông Địa Trung Hải ở phía tây. Miền Đông khu vực ấy – tức đất nước Iraq ngày nay – là một vùng đồng bằng do hai con sông Tigre và Euphrata bồi đắp nên; miền tây khu vực ấy là xứ Syria, Phoenicia và Palestine.
Hai con sông Tigre và Euphrata đều phát nguyên từ miền núi rừng Armenia ở Đông bắc bộ Tiểu Á, hướng về phía nam mà chảy ra vịnh Ba Tư. Nguyên xưa kia hai con sông ấy chảy riêng thành hai dòng ra biển, về sau, vì chất đầy phù sa do chúng cuốn từ nguồn về ứ đọng lại dần ở cửa sông, lâu ngày tạo thành một vùng đất bồi nổi lên ven biển, khiến cho hai sông trên đến đây nhập lại thành một dòng. Thành phố Eridu xưa kia nằm trên bờ biển, ngày nay đã cách xa bờ biển đến 180km.
Khu vực do hạ lưu hai con sông Tigre và Euphrata tạo thành gọi là Lưỡng Hà hay Mesopotamia, có nghĩa là “miền đất đai ở giữa hai con sông”. Hàng năm về mùa xuân, băng tuyết ở miền núi rừng Armenia tan rã, nước lũ đổ về xuôi làm cho nước hai con sông ấy dâng lên, gây ra những trận lụt lớn ở khu vực Lưỡng Hà. Giống như miền thung lũng sông Nile, lưu vực Lưỡng Hà cũng là một khu vực phì nhiêu rất thích hợp cho nghề nông. Ở đây, khí hậu nồng nực, nước nguồn về đầy đủ, ngũ cốc trồng trọt rất dễ dàng. Thời xa xưa, cư dân ở lưu vực Lưỡng Hà sống về nghề chăn nuôi và nghề trồng trọt nguyên thủy. Họ đã biết nuôi trâu bò, dê, cừu, lừa, ngựa, chó, lợn,…, biết trồng lúa, trồng đậu, trồng rau cùng các loại cây ăn quả khác.
Nhưng người xưa có thu được những tư liệu sinh hoạt trong thiên nhiên thì cũng phải trải qua một quá trình lao động gian khổ. Lượng mưa ở lưu vực rút xuống không chừng, đồng ruộng rất dễ dàng bị hạn hán hoặc nước lụt hủy hoại mùa màng. Để tranh thủ thu hoạch nông sản được nhiều, cư dân ở lưu vực Lưỡng Hà phải lo làm công tác thủy lợi, đắp đê điều đập nước, đào kênh máng thành hệ thống dày như mạng nhện để tưới tiêu cho đồng ruộng.
Chất đất ở Lưỡng Hà dùng để làm gạch và đồ gồm rất tốt, nhưng ở đây lại rất hiếm khoáng sản, đá và gỗ. Hai con sông chảy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam như cái cầu nối liền vùng Hắc Hải với vịnh Ba Tư, nối liền Địa Trung Hải với phương Đông, tạo thành một hành lang thuận tiện cho sự giao lưu kinh tế và văn hóa giữa Đông và Tây, giữa Nam và Bắc.
Những điều kiện thiên nhiên của Lưỡng Hà cổ đại nhất định có ảnh hưởng lớn đến đời sống của cư dân thời cổ ở đây.
2. Ai Cập và Lưỡng Hà cổ đại
Lưu vực Lưỡng Hà cũng như Ai Cập là nơi chôn rau cắt rốn của một nền văn minh tối cổ của loài người. Chỗ khác nhau là: Ai Cập thì bốn bề đều có biên giới thiên nhiên cách trở, đất nước không bị ngoại tộc đến xâm lược một cách thường xuyên. Còn lưu vực Lưỡng Hà thì địa hình bằng phẳng, không có biên giới thiên nhiên hiểm trở. Do đó, những bộ tộc du mục sống ở ven núi hay trên các miền sa mạc ở xung quanh khu vực Lưỡng Hà đều nhòm ngó một cách thèm thuồng miếng đất phì nhiêu xanh tươi ấy. Bởi vậy, lịch sử của Lưỡng Hà đầy rẫy những cuộc chiến tranh giữa những bộ tộc định cư và những bộ tộc du mục nhằm tranh giành quyền làm chủ khu vực này. Những cuộc biến động xã hội ở đây so với Ai Cập còn to lớn hơn nhiều. Nhưng những bộ tộc khác nhau đó đã đồng hóa với nhau và cùng góp sức xây dựng nên nền văn hóa phát triển một cách độc đáo ở khu vực này.
Điều kiện tự nhiên của Lưỡng Hà cổ đại
– LichSu.Org –
Khám phá lịch sử Lưỡng Hà cổ đại
Trong suốt chiều dài lịch sử tồn tại, phát triển và suy vong, Lưỡng Hà cổ đại đã trải qua nhiều biến động thăng trầm, nhưng những giá trị về lịch sử của họ còn để lại đã góp phần cống hiến to lớn cho nền văn minh nhân loại ngày nay.