Câu chuyện “Sự tích Chùa Cỏ”
Sự tích Chùa Cỏ ở Hưng Yên là câu chuyện truyền thuyết, kể về sự anh dũng của nữ tướng Hương Thảo trong cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng.
Bà Hương Thảo tham gia nghĩa quân
Ai đã có dịp qua huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên, đến địa phận làng Bích Tràng, tất sẽ biết đến một ngôi chùa cổ có cái tên khá ngộ: Chùa Cỏ. Chùa dựng chơ vơ bên cạnh con đường nhỏ, dưới tan một gốc đa cổ thụ, nhìn thẳng ra dòng sông nước chảy lững lờ.
Gọi là Chùa Cỏ nhưng chùa lại lợp ngói và từ sân trước đến sân sau được chăm sóc chu đáo của cụ từ giữ chùa nên không một ngọn cỏ nào mọc lên được. Vậy chùa có từ bao giờ? Nơi đây đã ghi lại dấu tích gì đáng quý? Chúng ta hãy theo dõi câu chuyện sự tích về Chùa Cỏ dưới đây:
Trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng chống ách đô hộ nhà Hán phương Bắc, có một nữ tướng quê ở làng Bích Tràng này, tên là Thảo đã lập nên nhiều chiến công xuất sắc. Thuở con gái, bà Thảo, nhà rất nghèo, quanh năm sống bằng nghề cắt cỏ thuê cho các nhà phú hộ giàu có trong làng. Tương truyền bà có vóc người cao lớn, khỏe mạnh và cắt cỏ thì rất nhanh không một ai theo kịp. Bà Thảo cắt cỏ nhanh đến nỗi châu chấu, cào cào nhảy tránh không kịp, đứt đầu đứt cánh nằm chết la liệt. Mỗi lần bà cắt cỏ trên cánh đồng nào là chim chóc bay theo sau từng đàn tranh nhau mổ xác những con châu chấu, cào cào.
Năm bà mười tám tuổi, tên phú hộ giàu có nhất làng muốn lấy bà làm lẽ. Bà không chịu. Tên phú hộ bắt trói bà, nhốt vào chuồng trâu, giam đói mấy ngày liền. Một đêm mưa to gió lớn có hai ông cháu một nhà gần đó lập mưu giúp bà trốn thoát. Bà đội mưa gió sấm chớp ra đi, tìm đến với nghĩa quân và xin đầu quân bà tướng tiên phong Thánh Thiên của Hai Bà Trưng. Được biết nghề cũ của bà Thảo, bà Thánh Thiên giao cho bà trông coi các trại cỏ của nghĩa quân dựng rải rác ven sông Hồng. Vào thời xưa, cỏ rất cần cho việc quân chẳng kém gì lúa gạo. Do đó mà mỗi cuộc khởi nghĩa đều có câu: “Chiêu binh mãi mã, tích thảo dồn lương”, nghĩa là chiêu tập quân sĩ, mua ngựa, tích trữ cỏ khô, góp dồn lương thực. Tích thảo là dự trữ cỏ cho voi trận, ngựa chiến, cũng chẳng khác gì xăng dầu mỡ cho xe cộ súng ống hiện nay.
Được giao nhiệm vụ, bà Thảo tỏ ra hết sức mưu lược và tháo vát. Bà cho dựng các trại cỏ ngay trên đất quê nhà Bích Tràng. Đây là một địa điểm rất thuận lợi cho việc tiếp cỏ đến các mặt trận, đường bộ cũng như đường thủy. Bà và đội quân tiếp cỏ của bà đều là phụ nữ, trông coi ngót năm trăm trại cỏ, dựng bao quanh một trại lớn – nơi bà ở và làm việc. Theo lệnh bà, đàn ông không được ai qua lại khu vực này. Chỉ trừ hai ông cháu đã cứu bà thuở trước, được ở ngay trong doanh trại. Người ông tên là Bạch tám mươi tuổi được bà giao cho việc kiểm tra củi lửa các trại đề phòng hỏa hoạn. Người cháu tên là Nhật, bà giao việc đánh chiêng để gọi người đem cỏ lại và đánh trống để giục người đưa cỏ đi. Trong cuộc khởi nghĩa ấy, các trại cỏ của bà Thảo đã góp phần không nhỏ vào chiến thắng chung. Sau khi Hai Bà Trưng lên làm vua, liền phong cho bà Thảo chức tướng và đặt tên mới là Hương Thảo, có nghĩa là cỏ thơm.
Trận hỏa công trại cỏ
Ba năm sau, Mã Viện ồ ạt kéo quân sang. Hai Bà Trưng chống cự không nổi, phải trẫm mình ở sông Hát để tuẫn tiết (Xem thêm truyện ⇒ “Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng“). Được tin dữ dội này, bà Hương Thảo ra lệnh cho toàn trại để tang và lập đàn bái vọng. Riêng bà sắp đặt mưu kế sống mái với kẻ thù.
Ít lâu sau, tên Mã Hắc Trì, tùy tướng của Mã Viện kéo quân đến đây bức bà quy hàng và nộp cho hắn toàn bộ trại cỏ. Bà xin chịu quy hàng và hẹn hắn ngày giờ đến doanh trại để nhận cỏ. Bà còn hứa sẽ mở tiệc lớn để khoản đãi hắn và toàn bộ binh sĩ.
Bà gấp rút chuẩn bị cuộc “tiếp đón” kẻ thù. Bà đôn đốc nữ binh mang cỏ khô ra khỏi các trại, chất cao như thành lũy, vây bọc lấy dinh thự của bà, chỉ chừa một chỗ trống như cổng thành. Bức thành cỏ cao chất ngất, cứ cách một trượng lại vùi giấu các chất dẫn lửa. Bà còn cử già Bạch trông coi việc mổ dê béo, bò non, trâu to và mua ba trăm hũ rượu tăm để mở tiệc.
Đúng ngày hẹn, tức ngày mồng Tám tháng Giêng sau lễ Hạ Nêu, bà Hương Thảo cho nữ binh bày sẵn tiệc trong dinh để đãi tướng giặc và quanh dinh để đãi quân sĩ giặc. Sau đó bà ra lệnh tất cả rút ra ngoài lũy cỏ, mỗi nữ binh đều giấu sẵn binh khí và đồ dẫn hỏa, sẵn sàng đợi lệnh.
Đúng giờ Ngọ, Mã Hắc Trì nghênh ngang kéo năm trăm quân qua cổng thành cỏ. Hắn cho bao vây phía ngoài, một mình hắn đi thẳng vào trong dinh. Trên bàn lớn đã bày sẵn tiệc rượu và giấy tờ kê khai các trại cỏ. Hắn chẳng hề tỏ ý nghi ngờ vì thấy tiếp hắn chỉ là một phụ nữ, một ông già và một cậu bé tóc để trái đào.
Bà Hương Thảo tươi cười khoản đãi tướng giặc và sai cụ Bạch ra ngoài mời quân sĩ giặc vào tiệc.
Khi quân tướng giặc đã no say, bà ra hiệu cho Nhật nổi trống lên. Nhận được lệnh, các nữ binh nhất tề rút đồ dẫn hỏa, châm vào lũy cỏ. Cổng thành cỏ cũng đã được lấp kín với núi cỏ khô trộn đồ dẫn hỏa. Quân giặc hoảng loạn tìm đường tháo chạy nhưng bốn phía một bức thành lửa bốc cao ngút trời đã vây chặt. Mã Hắc Trì biết bị mắc mưu định nhào ra thì cửa dinh đã đóng. Hắn gào thét như điên rồi lại quỳ gối van lạy xin bà mở cửa cho hắn thoát, nhưng bà đã rút gươm chém hắn làm đôi. Bà Hương Thảo, cụ Bạch và Nhật mắt đăm chiêu nhìn năm trăm quân giặc giãy chết cuồng loạn trong thế trận hỏa công của họ, cho đến lúc lửa cỏ ngút trời phủ chìm noi họ đứng…
Sự tích Chùa Cỏ và nghi lễ của ngày giỗ
Đời sau dựng lên đó ngôi chùa thờ ba người và đặt tên là Chùa Cỏ. Trên điện thờ nay vẫn còn ba pho tượng. Đứng giữa là tượng bà Hương Thảo, tay trái chống nạnh, tay phải cầm gươm trông rất lẫm liệt oai vệ. Phía ngoài, tượng một ông già quắc thước, râu trăng ba chòm, hai tay chắp vào nhau như đang đợi lệnh. Phía trái, tượng một chú bé mặt mũi khôi ngô, tay cầm trống có cán, tay cầm dùi giơ cao như sắp đánh trống truyền lệnh nổi lửa thiêu giặc. Trước mặt ba pho tượng chỉ có một bát hương lớn thờ chung cả ba người.
Hàng năm, cứ đến ngày mồng Tám tháng Giêng, dân các làng quanh vùng lại đến đây làm lễ giỗ bà. Trước khi làm lễ, vị bô lão già nhất đốt mấy nắm cỏ khô đặt trong đỉnh đồng. Sau đó ngọn lửa cỏ dùng để châm đèn thờ và thắp hương. Đó là tục lệ ngàn xưa truyền lại để tưởng nhớ võ công lẫy lừng bất diệt của tổ tiên chống giặc ngoại xâm.
Câu chuyện “Sự tích Chùa Cỏ”
Dựa theo Q.A trong “Sinh hoạt câu lạc bộ”
Nhà văn hóa Trung ương, H, 1979
Đôi dòng cảm nhận về câu chuyện “Sự tích Chùa Cỏ”
“Sự tích Chùa Cỏ” là một câu chuyện mang tính chất truyền thuyết lịch sử về vị tướng lĩnh của Hai Bà Trưng trong cuộc khởi nghĩa đầu Công nguyên năm 40-43 dưới thời thuộc Hán. Do quy mô to lớn của cuộc khởi nghĩa, đạp đổ 65 tòa thành cõi Nam nên số lượng truyền thuyết còn lưu lại trong dân gian xung quanh cuộc khởi nghĩa này rất nhiều. Ở Hà Nội, Hòa Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương và nhiều tỉnh khác đều có rất nhiều truyền thuyết kể về các vị tướng của Hai Bà Trưng. Truyện “Sự tích Chùa Cỏ” này cũng chỉ là một trong những truyền thuyết đó.
Câu chuyện ca ngợi tấm gương tận tụy của bà Hương Thảo, một nữ tướng trông coi các trại cỏ trong cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng hồi đầu thế kỉ I sau Công nguyên. Khi Hai bà Trưng đã thua trận, bà Thảo vẫn không chùn bước, còn lập mưu mở trận hỏa công tiêu diệt quân xâm lược và anh dũng hi sinh.
“Sự tích Chùa Cỏ” khiến chúng ta xúc động, thấy được cuộc đời đẹp đẽ, lòng yêu nước nồng nàn, trí tuệ sâu sắc của một trong nhiều vị nữ tướng thời đại Hai Bà Trưng. Truyện ca ngợi truyền thống bất khuất chống quân xâm lược phương Bắc của nhân dân ta. Sự hy sinh cao cả vì nước vì dân đã khiến bà Hương Thảo, già Bạch, và cậu bé Nhật trở nên bất tử cùng đất trời sông núi nước Nam.