Các quốc gia cổ đại phương Đông

Khái quát về Các quốc gia cổ đại phương Đông

Các quốc gia cổ đại phương Đông bắt đầu được hình thành vào khoảng cuối thế kỷ IV trước công nguyên, bao gồm: Ai Cập, Lưỡng Hà, Ấn Độ và Trung Quốc.

1. Sự hình thành các quốc gia cổ đại phương Đông

Châu Á và Đông bắc bộ Châu Phi là nơi phát nguyên của những nền văn minh cổ kính nhất của loài người. Ở đây đã từng phát sinh và phát triển những quốc gia chiếm hữu nô lệ tối cổ, xây dựng trên sự tan rã của chế độ công xã nguyên thủy và sự phân chia xã hội thành giai cấp. Những nền văn minh cổ kính đó trước sau đã lần lượt xuất hiện trên lưu vực những hệ thống sông ngòi lớn chạy dài trên một dải đất rộng, đi từ bờ biển phía đông Địa Trung Hải đến bờ biển Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương: đó là lưu vực sông Nin ở Ai Cập, lưu vực hai con sông Hoàng Hà và Trường Giang tạo nên vùng đồng bằng Hoa Bắc rộng lớn và phì nhiêu.

Những lưu vực sông lớn đó bị ngăn cách bởi những hệ thống núi non trùng điệp và những vùng sa mạc mênh mông: sa mạc Ả Rập ở phía đông Ai Cập, dãy núi Zagros ở phía đông Lưỡng Hà, dãy núi Himalaya và cao nguyên Pamir ở phía Bắc và Đông Bắc Ấn Độ, và vùng sa mạc nội, ngoại Mông ở phía Bắc và Tây Bắc Trung Hoa. Địa thế hiểm trở đó cùng với những phương tiện giao thông hết sức hạn chế thời cổ, đã làm cho các nền văn minh cổ đại nói trên xuất hiện và phát triển một cách tương đối độc lập, buổi đầu hầu như không có liên hệ gì với nhau, do đó mỗi nền văn minh có tính chất độc đáo của nó và mang màu sắc dân tộc đậm đà.

Nhìn chung, các lưu vực sông lớn nói trên là những miền đồng bằng rộng và phì nhiêu, rất thuận lợi cho sự phát triển của nông nghiệp: thủy lượng cao, khí hậu ấm áp, đất đai màu mỡ và dễ canh tác. Bởi vậy, những bộ lạc du cư sống rải rác trên các miền khác nhau của Châu Á và Đông Bắc Bộ châu Phi, từ thời đại nguyên thủy, đã sớm phát hiện và biết lợi dụng những điều kiện thiên nhiên thuận lợi đó để đến định cư ở những vùng thung lũng lớn và theo đòi nghề nông từ rất sớm. Tại những nơi ấy, nông nghiệp và đi đôi với nông nghiệp là thủ công nghiệp phát triển mạnh hơn; xã hội sớm phân hóa thành giai cấp và nhà nước cũng sớm ra đời.

Lịch sử của các quốc gia cổ đại phương Đông bắt đầu với sự hình thành xã hội chiếm hữu nô lệ và nhà nước chiếm hữu nô lệ vào khoảng cuối thiên niên kỷ IV trước công nguyên. Tuy nhiên, các quốc gia chiếm hữu nô lệ không ra đời cùng một lúc ở các vùng khác nhau của châu Á và châu Phi, cũng không kết thúc cùng một lúc ở các xã hội cổ đại khác nhau của phương Đông. Nếu ở Ai Cập và Lưỡng Hà, lần đầu tiên trong lịch sử xã hội loài người, nhà nước chiếm hữu nô lệ xuất hiện sớm nhất vào cuối thiên niên kỷ IV trước công nguyên, thì ở khu vực sông Ấn và sông Hằng, cũng như ở khu vực Hoàng Hà và Trường Giang, nhà nước đó xuất hiện muộn hơn một ít vào thiên niên kỷ III trước công nguyên.

Mặt khác nếu chúng ta xem sự sụp đổ của đế quốc Ba Tư hồi thế kỷ IV trước công nguyên và sự thành lập đế quốc Tần ở Trung Quốc thế kỷ III trước công nguyên là những sự kiện lịch sử đánh dấu sự tan rã của xã hội cổ đại ở miền Trung Cận Đông và ở Trung Quốc, thì xã hội Ấn Độ cổ đại còn kéo dài mãi đến những thế kỷ đầu tiên của công nguyên khi những quan hệ sản xuất phong kiến bắt đầu hình thành và phát triển ở miền Bắc Ấn.

2. Đặc điểm của các quốc gia cổ đại phương Đông

Các quốc gia cổ đại phương Đông đều có những đặc trưng chung của một xã hội chiếm hữu nô lệ, ví như việc phân chia xã hội thành hai giai cấp đối kháng: giai cấp quý tộc chủ nô thống trị và giai cấp nô lệ bị áp bức, bóc lột một cách tàn nhẫn và thô bạo nhất. Nhưng các quốc gia đó cũng có nhiều đặc điểm riêng làm cho người ta có thể phân biệt chúng với các quốc gia chiếm hữu nô lệ phương Tây như Hy Lạp và La Mã cổ đại bởi những đặc điểm riêng biệt chủ yếu là như sau:

  1. Các quốc gia cổ đại phương Đông ra đời ở thời kỳ mà sức sản xuất xã hội đang còn ở trình độ thấp kém, vào khoảng cuối của thời đại đồ đá mới tiến lên thời đại đồ đồng. Trình độ sức sản xuất thời ấy không cho phép các quốc gia đó phát triển chế độ chiếm hữu nô lệ của mình một cách nhanh chóng, khiến cho trước sau các quốc gia đó không trở thành những xã hội chiếm hữu nô lệ phát triển thành thục và điển hình.
  2. Sự tồn tại dai dẳng và ngoan cố của những tổ chức công xã nông thôn (hay công xã láng giềng), tàn tích của chế độ xã hội thị tộc thời nguyên thủy, và sự phát triển rất yếu ớt của chế độ tư hữu về ruộng đất trong các xã hội cổ đại phương Đông.
  3. Sự bảo tồn lâu dài của chế độ nô lệ gia trưởng và của các hình thức áp bức, bóc lột kiểu gia trưởng, việc sử dụng lao động của nô lệ chưa được phổ cập trong các ngành sản xuất xã hội và vai trò của nô lệ trong sản xuất kinh tế chưa chiếm địa vị chủ đạo.
  4. Sự xuất hiện và phát triển của một hình thức tổ chức nhà nước đặc biệt, nhà nước quân chủ chuyên chế trung ương tập quyền mạnh mẽ, gọi là chủ nghĩa chuyên chế phương Đông mà đặc trưng chủ yếu là quyền lực vô hạn của các đế vương, nắm quyền sở hữu tối cao về ruộng đất và về thần dân trong cả nước.

Những đặc điểm của chế độ chiếm hữu nô lệ của các quốc gia cổ đại phương Đông nêu trên, đều có thể coi là những nguyên nhân gây nên tình trạng trì trệ tương đối của các xã hội cổ đại phương Đông. Tuy nhiên không thể phủ nhận hoặc đánh giá thấp vai trò và vị trí của các quốc gia cổ đại phương Đông đối với tiến trình phát triển của xã hội loài người. Đó là vì phương Đông cổ đại là nơi chôn rau cắt rốn của những nền văn minh tối cổ của nhân loại, là nơi đặt nền móng cho một nền văn hóa vật chất và tinh thần mà những thành tựu rực rỡ của nó là những cống hiến vô cùng quý báu và phong phú cho kho tàng văn hóa của thế giới cổ kim.

Phương Đông cổ đại là nơi đã phát triển kinh tế rất sớm, đã trải qua một quá trình thống nhất về chính trị và hưng thịnh về văn hóa rất sớm. phương Đông cổ đại cũng là nơi dựng lên những kim tự tháp hùng vĩ, những đền đại, cung điện nguy nga, những bức trường thành vạn dặm, là nơi đã phát sinh ra những tư tưởng triết học duy vật và vô thần sớm nhất, nơi nảy sinh những tri thức đầu tiên của loài người về khoa học và kỹ thuật, về văn hóa và nghệ thuật.

2 thoughts on “Các quốc gia cổ đại phương Đông”

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.