Đế quốc Assyria cổ đại ở lưu vực Lưỡng Hà
Đế quốc Assyria cổ đại ở lưu vực Lưỡng Hà với những đội quân được tổ chức chặc chẽ và trang bị đầy đủ, họ đã chinh phục được nhiều vùng lãnh thổ rộng lớn.
1. Sự hình thành đế quốc Assyria cổ đại
Vào khoảng năm 3000 trước Công nguyên, sau khi người Akkad thuộc bộ tộc Semit định cư ở trung du Lưỡng Hà, thì có một chi nhánh khác của tộc đó cũng thiên di đến miền thượng du sông Tigris. Đầu tiên, họ dựng lên thành Assur làm căn cứ địa rồi dần dần phát triển thành quốc gia – thành thị hay thành bang Assyria.
Thành bang Assyria nằm trên một vùng đất cao ở phía bắc Mesopotamia, nhìn bao quát được cả khu vực Lưỡng Hà. Ở đây đất đai không được tốt lắm, khí hậu khó khăn, nhưng Assyria có mục trường rộng lớn, có đá vôi, có gỗ quý dùng làm vật liệu kiến trúc rất tốt và nhất là có một vùng khoáng sản tiếp liền với khu vực mỏ đồng và mỏ sắt ở miền Đông Bắc Tiểu Á. Những tài nguyên đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho người Assyria trỗi dậy. Họ sống chủ yếu về nghề chăn nuôi và săn bắn, nghề nông không phát đạt lắm.
Về mặt văn hóa, người Assyria chịu ảnh hưởng nhiều nhất của người Sumer, người Akkad, người Hatti và người Hurians. Sau khi định cư ở phía bắc lưu vực Lưỡng Hà, họ liền học được ở người Sumer lịch pháp, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp, dựa vào chữ viết hình góc của người Sumer sáng tạo ra chữ viết của mình; về nghệ thuật kiến trúc và quân sự, người Assyria lại học của người Hatti.
Người Assyria là một bộ tộc phát triển sau, nên lúc này, sự phân hóa giai cấp trong nội bộ chưa kịch liệt lắm, trong khi đó các nước lân bang đang ngày càng suy yếu vì mâu thuẫn gay gắt trong nội bộ xã hội chiếm hữu nô lệ. Ở trên đất Assyria, chăn nuôi và nông nghiệp đã phát triển, song mâu thuẫn giai cấp chưa sâu sắc lắm. Đó là những nguyên nhân chính đã giúp cho người Assyria tự cường lên nhanh chóng. Hơn nữa, họ ở vào giữa lưu vực Lưỡng Hà và miền Tiểu Á, luôn luôn tiếp xúc với những bộ tộc thuộc ngữ hệ Ấn-Âu, học được ở người Kassites cách dùng ngựa và chiến xa, học ở người Hatti kỹ thuật luyện kim, do đó càng có điều kiện tăng cường lực lượng quân sự của mình lên nhanh chóng.
Trong lịch sử, đế quốc Assyria là đế quốc đầu tiên có lãnh thổ rộng lớn nhất, và cũng là đế quốc đầu tiên đã thu gồm nhiều trung tâm văn hóa cổ đại như: Lưỡng Hà, Iran, Syria, Tiểu Á, Palestine, Ai Cập dưới một chính quyền thống nhất. Song sự bành trướng bằng vũ lực của giai cấp quý tộc quân sự Assyria, đứng đầu là vua Tiglath-Pileser III (745 – 727 BC) và Sargon II (722 – 705 BC) thì cực kỳ tàn khốc. Mỗi khi quân đội Assyria vây hãm một thành quách nào thì thường là giết hầu hết cư dân ở đó, hoặc dồn họ đến một nơi rất xa, lấy đất đai của họ đem chia cho người Assyria di cư đến đấy để làm ăn. Nghề chuyên môn của giai cấp quý tộc quân sự Assyria là đi cướp bóc, chém giết và phá hủy. Dưới chính sách tàn bạo của giai cấp thống trị, những thành phố nổi tiếng như Babylon, Damascus, Samari, Memphis,… đều trở thành những đống gạch vụn.
2. Đặc điểm của đế quốc Assyria cổ đại
Đế quốc Assyria mang tính chất quân phiệt rõ rệt. Quân đội Assyria không phải là dân binh lâm thời mới trưng tập, mà là một đội quân chuyên nghiệp thường trực do nông dân công xã thực hành nghĩa vụ quân sự, hoặc lính mộ ở các nơi bị chinh phục tổ chức thành. Quân đội đó được tổ chức chặc chẽ, trang bị đầy đủ: đao, kiếm, cung tên và áo, mũ giáp hộ thân. Họ được huấn luyện kỹ, có kỹ thuật tác chiến cao, thường dùng chiến thuật tốc chiến tốc thắng.
Ngoài bộ binh, người Assyria còn lập ra những đội kỵ binh cơ động. Những đội kỵ binh đó đều mặc áo giáp, lúc xuất trận xung phong rất gan dạ, trong phúc chốc đã phá tan được trận địa của địch, lúc truy kích địch thì lại càng nhanh chóng hơn. Quan trọng hơn nữa là người Assyria đã phát minh ra kiểu chiến xa xung kích công thành rất đáng sợ. Trước đó, những thành trì cao và kiên cố không thể nào phá được, nhưng bây giờ với đội quân chiến xa đó, họ có thể tiến đến tận chân thành của địch, bắc thang leo vào thành. Nếu dùng chiến xa không có kết quả thì người Assyria còn một biện pháp ghê gớm nữa là đào giao thông hào để vây hãm thành. Lúc qua sông, họ dùng túi phao cá nhân làm bằng da thú. Như vậy có thể nói, quân đội Assyria là một quân đội đáng sợ nhất thời bấy giờ, đánh trăm trận trăm thắng.
Để tăng cường khống chế về mặt chính trị và bóc lột về mặt kinh tế, đế quốc Assyria đã biến đa số các miền bị chinh phục thành những tỉnh của mình. Đứng đầu mỗi tỉnh có một viên tổng đốc. Tổng đốc các tỉnh do quốc vương Assyria trực tiếp bổ nhiệm đến. Đối với một số miền khác như Syria và Palestine, người Assyria dùng bọn quý tộc địa phương làm vua chúa bù nhìn, có nghĩa vụ cống nộp, cung cấp binh lính và ngoan ngoãn tuân theo mọi mệnh lệnh của vua Assyria. Cũng có một số thành thị như Babylon, Nippur, … thì được hưởng quyền tự trị, được duy trì chế độ pháp luật và chế độ thuế khóa của mình.
Tầng lớp thống trị Assyria đã nhận thấy tính chất quan trọng của vấn đề giao thông đối với sự thống nhất về chính trị nên đã cho mở mang nhiều đường giao thông lớn ở trong nước, đặt các trạm dọc đường. Các quan lại và quân đội của nhà vua nhờ đó có thể điều động đến các tỉnh rất nhanh để đàn áp những cuộc khởi nghĩa của nhân dân.
Người Assyria có rất ít cống hiến có tình chất sáng tạo về văn hóa. Song sự thống nhất về chính trị của đế quốc Assyria đã đẩy mạnh sự trao đổi về văn hóa giữa các miền, khiến cho văn hóa phương Đông cổ đại được truyền bá rộng rãi sang phương Tây. Người Assyria đã đem truyền một số cây công nghiệp sang phương Tây, trong đó quan trọng nhất là cây bông vải trước đây chỉ trồng ở Ấn Độ. Lúc đó người phương Tây gọi cây bông là cây lông cừu. Việc đem bông sang phương Tây trồng có ảnh hưởng lớn về mặt kinh tế.
Người Assyria cũng có công bảo tồn nền văn hóa cổ của phương Đông. Vua cuối cùng của Assyria là Assurbanipal (hay còn gọi Ashurbanipal) đã từng thành lập một thư viện lớn trong cung điện của mình ở Nineveh, trong đó có tới 22.000 bảng gạch có khắc chữ. Những sự tích thần thoại, tôn giáo những tri thức khoa học và văn học nghệ thuật được phân loại và ghi chép lại. Sau khi Nineveh thất thủ, những bảng gạch và thư tịch mà Assurbanipal thu thập được bị chôn vùi dưới đất ngót 2500 năm. Mãi đến giữa thế kỷ XIX, các nhà khảo cổ mới đào lên được một số lớn, ngày nay còn giữ ở Viện bảo tàng London (Anh).
3. Sự suy vong của đế quốc Assyria
Đế quốc Assyria là một đế quốc rộng lớn, nhưng nó chỉ là một tổ chức liên minh quân sự và hành chính to lớn, không có một cơ sở kinh tế thống nhất vững chắc. Chiến tranh xâm lược liên miên đã làm cho nông dân công xã và dân chăn nuôi giảm sút nhanh chóng. Về sau, giai cấp quý tộc quân sự Assyria buộc phải dùng lính đánh thuê ra trận là chính. Chế độ chiếm hữu ruộng đất lớn hình thành và việc sử dụng lao động nô lệ, ít dùng tới sức lao động của nông dân tự do, làm cho sức sản xuất xã hội sút kém hẳn đi. Mâu thuẫn trong nội bộ xã hội chiếm hữu nô lệ luôn luôn tiêu hao lực lượng kinh tế và lực lượng quân sự của đế quốc Assyria. Chính điều đó đã tạo điều kiện cho rất nhiều bộ lạc du mục xung quanh lăm le xâm chiếm.
Đầu thế kỷ VII trước Công nguyên, người Cimmer và người Seythes ở phương Bắc tràn xuống. Người Assyria không còn sức chống đỡ. Kết quả là người Cimmer tràn khắp miền Tiểu Á, người Seythes tràn xuống Palestine.
Nửa sau thế kỷ VII trước Công nguyên, người Medes bắt đầu tấn công sang phía tây; một chi nhánh của tộc Semit ở phía nam lưu vực Lưỡng Hà là người Chaldea cũng đã trở thành một lực lượng đáng kể.
Năm 612, liên quân của người Chaldea và người Medes đánh chiếm kinh đô Nineveh; đế quốc Assyria – một đế quốc được xây dựng bằng vũ lực, bị diệt vong từ đấy.
Đế quốc Assyria – Lịch sử Lưỡng Hà cổ đại
– LichSu.Org –
Khám phá lịch sử Lưỡng Hà cổ đại
Trong suốt chiều dài lịch sử tồn tại, phát triển và suy vong, Lưỡng Hà cổ đại đã trải qua nhiều biến động thăng trầm, nhưng những giá trị về lịch sử của họ còn để lại đã góp phần cống hiến to lớn cho nền văn minh nhân loại ngày nay.