Câu chuyện về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng
Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng chống quân xâm lược nhà Hán tuy chưa thắng lợi hoàn toàn, nhưng thể hiện cho ý chí quật cường và bất khuất của dân tộc ta.
Bộ lạc Mơ-ling
Cánh bay vần vụ của chim Mơ-ling đã nghìn năm lướt trên miền đất có hai cực Đông – Tây là hai trái núi Tam Đảo và Ba Vì lớn nhất đất nước. Và cả ba dòng sông Cái, sông Đà, sông Lô lớn nhất đất nước cùng dồn chảy qua miền này, từ nghìn năm nay cũng in bóng chim Mơ-ling sải cánh vùn vụt. Người ở đây đã lấy hình con chim táo tợn, dũng mãnh và nhanh nhẹn như tia chớp ấy làm vật tượng trưng cho dân mình, lấy tên con chim ấy đặt tên cho đất mình. Đấy là địa bàn gốc của những người Việt xưa đã theo các vua Hùng dựng nước Văn Lang. Và quốc đô Phong Châu của các vua Hùng xưa cũng đóng ở miền này.
Xâm chiếm nước Văn Lang của các vua Hùng xưa, nhà Hán đã biến đất đai của bộ lạc Mơ-ling cũ thành huyện Mê Linh [1] của quận Giao Chỉ [2]. Và xây ở đây một tòa Đô úy trị [3] tua tủa gươm giáo, tinh kỳ. Trong khi đó, ở chếch xa về phía Tây Nam, trên vùng cư trú cũ của bộ lạc Dâu từ thuở các vua Hùng, thành Liên Lâu [4] mới chính là một nơi đặt Quận trị [5] của nhà Hán.
Nước Văn Lang xưa của các vua Hùng tuy đã bị nhà Hán đặt làm quận huyện, nhưng dân Việt vẫn còn giữ được những người cầm đầu các bộ lạc cũ của họ – dòng dõi các lạc hầu, lạc tướng của vua Hùng. Đến những năm đầu công nguyên, từ miền đất đai có bóng chim Mơ-ling thiêng liêng ấy, từ dòng dõi lạc hầu lạc tướng của các vua Hùng ấy, đã xuất hiện hai người con gái kiệt xuất của đất Việt: Trưng Trắc và Trưng Nhị.
Tòa Đô úy trị của nhà Hán trấn ngự trên đất Mê Linh, gươm giáo tinh kỳ sáng lóa mà vẫn thấp thỏm không yên. Cái tham vọng khống chế, đối phó với miền cư dân quan trọng nhất đất Giao Chỉ này của nó đang phấp phỏng trước một mối đe dọa hiểm nghèo, cứ mỗi ngày một lớn mãi lên.
Thi Sách và chị em Trưng Trắc
Tiếng trống đồng ấm áp ào gầm lên như tiếng sấm. Dân Mê Linh mở hội lớn. Trai tráng, và cả những cô gái nữa, rìu đồng giáo sắt nắm trong tay, những chiếc lông chim cắm ngất ngưởng trên đầu, bộ áo lông chim xòe rộng quanh người, theo nhịp trống đồng dồn dập, vừa hò hét, vừa uốn mình, vung tay, lặp lại các động tác bay lượn của chim Mơ-ling [6].
Những âm thanh náo nức ùa vào trong ngôi nhà làng, mái cong vút như hình thuyền [7]. Trên sàn nhà cao, Trưng Trắc, Trưng Nhị đang tiếp khách quý.
Chàng trai tuấn tú là khách từ xa, tận phương Nam tìm đến. Vâng lời cha, đương chức lạc tướng huyện Chu Diên [8], Thi Sách, chàng trai ấy, đã dẫn một toán thân binh tới Mê Linh từ mấy hôm nay. Và hội vui cũng đã mở ngay từ ngày hôm ấy.
Bấy giờ đang là mùa xuân. Theo tục lệ cổ truyền của người Việt, đây là những ngày vui chơi của mọi người, và là những ngày yêu đương của những đôi trai gái. Quận trị và Đô úy trị của nhà Hán từ lâu đã muốn bỏ những ngày hội như thế này. Vì nó khác với phong tục của người Hán. Nhất là tòa Đô úy trị thì lại càng không muốn có những điệu nhảy múa vũ trang kia. Nhưng mặc! Thóc mùa đã nộp xong vào kho thuế. Lúa chiêm trên các thửa ruộng lạc [9] đã xanh mướt chờ làm đòng. Mùa săn tìm chim quý, thú lạ và các thuốc cây thần để cống nạp, còn đang đợi mở. Tục lệ hội hè của ta, ta cứ giữ!
Buổi trưa, từ rừng sâu, toán thân binh của Thi Sách và trai tráng Mê Linh đã lặc lè khiêng về một con cọp vằn cực lớn. Trưng Trắc, Trưng Nhị và Thi Sách mỏi mệt nhưng hả hê, nối nhau đi sau con mồi một quãng ngắn.
Mùa săn chưa được lệnh của Đô úy trị cho mở, nhưng nhân có khách quý, Trưng Trắc đã đứng ra bày cuộc đấu sức này. Và kết quả thật đã vượt quá ước mong. Nỗi vui mừng đột ngột đẩy bổng cả ngày hội của dân Mê Linh. Cuộc múa vũ trang mừng chiến thắng cổ truyền đã kéo dài đến đêm khuya. Con cọp vằn treo chếch bên ngôi nhà làng, trước vòng múa nhảy tưng bừng của trai tráng và các cô gái làng. Hai mũi lao dài vẫn cắm sâu lút vào giữa ức và sát mang tai cọp. Cán lao có một khoang nhuộm đen và một khoang bôi vàng: dấu hiệu riêng của con trai lạc tướng Chu Diên đó!
Trên sàn cao ngôi nhà làng, cây đuốc tẩm nhựa thông đã cháy đỏ. Khuôn mặt của Trưng Trắc, Trưng Nhị và Thi Sách đều hồng sáng dưới ánh lửa. Men rượu cũng đã khiến cả ba đều ngà ngà say. Riêng Thi Sách dường như say nhiều hơn cả. Hạnh phúc và niềm vui tràn trề, chàng trai trẻ đã uống quá bội mức thường. Hạ được chúa rừng ngay trước mắt chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị, việc đó há chẳng phải là niềm vui lớn? Nhưng hạnh phúc còn lớn hơn nữa, chính là thái độ ân cần, mặn mà của những người nữ chủ đất Mê Linh.
Rời Chu Diên lên đường, Thi Sách vừa khấp khởi mừng, vừa hồi họp lo. Tiếng tăm của hai chị em họ Trưng, lâu rồi, đã từ Mê Linh bay đi rất xa. Và ý của quan lạc tướng Chu Diên truyền cho con trai lại cũng đã rõ: kết thân được với họ Trưng thì chẳng những chỉ tốt lành chuyện vợ chồng, mà còn may mắn cho non sông đang rên siết dưới ách giặc. Bởi thế lực của hai miền đất Chu Diên và Mê Linh cùng đam gắn bó chặt được thành một mối, sức mạnh của người Việt sẽ nhân lên gấp bội. Sức mạnh ấy, một khi đem ra xoay chuyển tình thế; phá đổ ách đô hộ của nhà Hán mà khôi phục lại nước cũ của người Việt, ắt là nên việc lớn!
Trong một thoáng định thần, Thi Sách vụt nhớ lại những lời dặn của cha già, và chợt ngừng uống, ngước mắt đăm đăm nhìn Trưng Trắc. Chàng trai cũng gặp ngay một cặp mắt như thế đang nhìn mình, lâu, rất lâu, vừa khoan hòa, ấm áp, vừa như muốn nói mãi một điều gì thật lớn, thật nghiêm. Mấy hôm nay, Thi Sách đã nhiều lần gặp cái nhìn ấy, nửa như tin cẩn, thân thiết, nửa như còn muốn dò hỏi, cậy trông nhiều hơn nữa. Nhưng không có chút màu mè, khách khí nào.
Ngực cồn lên, Thi Sách lại uống nữa. Khuôn mặt Trưng Nhị đã nhòa đi thành hai. Nhưng đấy lại là Trưng Nhị đang ghé sát bên chị:
– Chàng say rồi!
Thi Sách chỉ còn thoáng nghe được câu ấy, như một hơi gió ấm lướt qua. Chàng trai trẻ đất Chu Diên không còn nghe tiếp được những lời trò chuyện của nàng em đang níu lấy vai chị, giọng cợt đùa:
– Em biết tại sao hồi trưa chị lén nhổ mũi tên của chị rồi!
Trưng Trắc quay nhanh xuống nhìn em, mặt càng ửng đỏ, rồi lại ngẩng lên, đưa mắt qua đầu Thi Sách, nhìn mãi về phía xa… Việc ấy thế ra Trưng Nhị cũng đã biết! Phải, hồi trưa vừa nhác thấy bóng cọp chồm tới, Trưng Trắc đã nhanh tay thả một mũi tên xuyên nát một bên mắt cọp. Chúa rừng đã khựng lại ngay giữa đà nhảy dữ dội của nó, và nhận tiếp luôn hai mũi lao hiểm của Thi Sách. Nhưng chính Trưng Trắc, chạy tới bên thú dữ trước tiên, đã kín đáo nhổ biến ngay mũi tên lợi hại của mình, giữa lúc con vật khổng lồ còn đang vật vã giẫy giụa [10]…
Vẫn giữ nguyên luôn mắt nhìn ra xa, sau một lúc trầm ngâm, Trưng Trắc bỗng hạ giọng, nói rành rẽ:
– Phải! Nhưng bởi ta còn muốn nhằm con thú khác, to hơn!
Thái thú Tô Định
Con thú lớn ấy, ngay sau đấy đã xuất hiện. Và múa vuốt nhe nanh, trợn trạo thật càn rỡ.
Mùa xuân năm ấy, thái thú Tô Định, người thay mặt hoàng đế nhà Hán cai trị quận Giao Chỉ, theo đúng lệ định cho các chức thái thú biên quận mùa xuân phải đi tuần các huyện, đã từ Liên Lâu đến thẳng Mê Linh trước tiên.
Giữa tòa Đô úy trị [11], sau khi đã xem xét kỹ lưỡng các kho tàng, tiền của, Tô Định liền cho triệu bọn thuộc hạ quanh huyện Mê Linh đến hỏi han về tình hình chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị. Vừa nghe tin con trai quan lạc tướng Chu Diên đến chơi đất Mê Linh, mới giết được cọp dữ, Tô Định bỗng giật mình biến sắc. Linh tính của tên quan cai trị cáo già khiến Tô Định cảm thấy ngay nỗi lo ngại bấy lâu của hắn, nay dường như đã gặp điềm báo ứng. Chẳng phải chỉ việc một con mồi quý bị hạ trước khi có lệnh mở mùa săn. Mà chính là người đã hạ thử chúa rừng kia: con trai lạc tướng Chu Diên, cớ chi tới tận đây mà lại được cử động ngang nhiên làm vậy? Chị em họ Trưng đang mưu tính gì mà mặn mà với khách lạ nhường ấy?
Lập tức, Tô Định dẫ quân tướng xộc thẳng xuống ngôi làng chủ của đất Mê Linh.
Tòa nhà làng mái cong đồ sộ, lặng ngắt hiện ra trước mắt viên thái thú nhà Hán. Sàn cao, bãi rộng, không một bóng người. Chỉ có chiếc trống đồng lớn, treo trước nhà lá khẽ đung đưa theo nhịp rung từ những gót giày hùng hổ leo nhanh lên sàn cao của Tô Định.
Vừa bước vào nhà, một tấm da cọp căng vàng rực hẳn một góc sàn đã đập ngay vào mắt Tô Định. Từ trước đến nay, viên thái thú nhà Hán chưa bao giờ được thấy tấm da cọp nào vừa lớn, lại vừa đẹp đến thế! Màu da còn tươi rói. Hẳn đây là con cọp mới bị Thi Sách săn hạ. Và Tô Định bỗng nhiên thấy ngốt người lên. Một cơn thèm muốn thật lớn đã choán hết cả trí não viên quan cai trị nhà Hán. Như đã bao lần, đứng trước những của quý, vật lạ của đất này. Tô Định vẫn còn mang máng thấy cần phải tra tìm việc con trai lạc tướng Chu Diên đến lộng hành ở đất Mê Linh. Hắn cũng vẫn còn mang mang máng nhớ đến mối lo ngại bấy lâu canh cánh trong lòng. Những tấm da cọp kia mới thật là việc đáng quan tâm lúc này [12]. Lập tức, Tô Định quát gọi thuộc hạ, một mặt truyền nổi lửa đốt ngay ngôi nhà làng để răn đe dân man, một mặt vào gỡ nhanh tấm da cọp mang đi.
Từ trong làng xa, thấy lửa khói bốc lên từ ngôi nhà làng, Trưng Trắc, Trưng Nhị và dân Mê Linh vừa kéo đến xem sự thể, thì chứng kiến hành động ngang ngược của Tô Định. Dân Mê Linh bồn chồn bứt rứt, hết nhìn ngôi nhà làng đang cháy rừng rực và tấm da quý đang bị cướp sống, lại nhìn người nữ chủ. Trưng Nhị, trong một tư thế hết sức căng thẳng, cũng đảo mắt rất nhanh, vừa tìm mắt chị, vừa nhìn đám dân của mình. Nhưng vừa lúc Trưng Nhị toan phác một cử động quyết liệt thì Trưng Trắc đã nắm chắc lấy cánh tay em gái. Đứng rất thẳng người. Trưng Trắc yên lặng để Tô Định và đám thuộc hạ kéo đi.
Khi đám quan quân nhà Hán đã khuất sau đồi cây trước làng, Trưng Nhị bỗng giật giọng hỏi chị:
– Tại sao lại như thế? Tại sao lại để chúng càn rỡ mãi thế? Nhà làng của ta, chúng đốt đã bao lần…
– Ta sẽ dựng lại! – Trưng Trắc ngắt lời em – Mà sẽ còn dựng cả thành cao hào sâu nữa kia!
– Nhưng còn tấm da? Chị đã dành để chàng Thi Sách đưa về dâng quan lạc tướng Chu Diên…
– Ta sẽ lấy lại! – Trưng Trắc lại ngắt lời em. Và nói mỗi lúc một dằn tiếng – Nhưng giờ chưa phải lúc. Mà cũng là để chàng Thi và dân Chu Diên sẽ cùng ta đi lấy lại. Và cả dân cư khắp đất Việt này sẽ đi lấy lại. Mà cũng không phải chỉ lấy lại một tấm da đâu!
Chế độ cai trị của triều đình nhà Hán
Mùa xuân năm sau, bắt đầu cuộc tuần thú hàng năm của hắn, Tô Định lại từ Liên Lâu đến thẳng Mê Linh.
Năm nay, dân Mê Linh cũng như dân các huyện, đều không được phép mở hội xuân nữa. Nhưng cho dù không có lệnh cấm ngăn ấy, dân Mê Linh cũng khó mà vui chơi được. Bởi mùa săn đã được lệnh phải mở sớm hơn mọi năm. Và các khoản cống phẩm khoán cho Mê Linh phải nộp sang triều đình nhà Hán, lại tăng thêm một đôi sừng tê, kích thước phải dài từ 9 tấc trở lên, và một đôi ngà voi, kích thước phải dài từ 3 thước [13] trở lên! Một chức quất quan được Tô Định chọn ngay trong đám người Hán mới chạy loạn Vương Mãng sang Giao Chỉ [14], cho ăn lương hàng năm hai trăm thạch [15] lúa lấy của dân, chỉ để chuyên đốc thúc việc bắt dân trồng quít, và tổ chức chuyên chở thứ quả lạ mà quí về phương nam ấy, về tận kinh đô nhà Hán, dâng cống cho triều đình!
Gánh thuế má cống nạp tưởng đã làm dân Việt nghẹn thở. Ở miền rừng thì khổ vì phải tìm chim quý thú lạ. Còn ở vùng biển thì mất xác vì phải mò tìm đồi mồi, ngọc châu. Mà hầu hết sức lực để chịu đựng gánh nặng ấy, trông cả vào ruộng nương, thì ruộng nương lại bị bọn người từ Trung Nguyên xô xuống, ỷ vào thế lực Quận Trị, Đô úy trị, cướp đoạt mất tất cả những nơi màu mỡ nhất. Chuyện hãm hại, hà hiếp, giết chóc dân lành xảy ra như cơm bữa. Khắp cõi Giao Châu, uất khí bốc lên ngùn ngụt.
Thái thú Tô Định, vào dịp này, càng vơ vét cướp đoạt được nhiều, càng cảm thấy trong lòng không yên [16]. Và Mê Linh lại cũng vẫn là nơi mà Định băn khoăn nhất. Bởi tiếng đồn đại về hai chị em họ Trưng vẫn cứ từ đất Mê Linh bay đi khắp xứ. Sắc đẹp thì đã đành. Nhưng tính khí ngang tàng, tài thu phục lòng người và đức quảng giao thì lại cũng chẳng kém gì bậc trượng phu [17]. Mà lạ thay cho người xứ này! Trong khi ở Trung Nguyên, phụ nữ đều đã phải vào khuôn phép lễ giáo, phu xướng phụ tùy , thì ở đây, đàn bà con gái đâu đâu cũng vẫn cứ thấy làm đủ những công việc hệt như của đàn ông [18]. Sự giao hóa của thiên triều xem chừng còn lâu mới uốn nắn được!
Mùa xuân năm Kiến Vũ thứ 15 [19], khi Tô Định đến Mê Linh, thì bỗng được tin Trưng Trắc quả đã cùng Thi Sách ở Chu Diên kết nghĩa vợ chồng. Hôn lễ vẫn theo đúng lệ cũ của người Việt: vợ chồng tuy đã thành thân nhưng người nào vẫn ở lại đất của người ấy [20]. Một lần nữa, Tô Định lại bất giác giật mình. Và nổi cơn giận dữ thật sự. Bởi lẽ từ hàng chục năm nay, kể từ khi thái thú Tịch Quang trị nhậm đất Giao Chỉ, các thái thú đã thấy không thể để dân Việt sống khác mãi với tục lệ của người Hán được. Vậy nên, trước tiên là thể thức hôn nhân phải định lại. Phải có mối lái, sính lễ, cưới hỏi, ăn ở theo đúng điển lễ Trung Hoa. Kế tục Tích Quang, bây giờ ở Giao Chỉ có Tô Định, và ở Cửu Chân [21] thì thái thú Nhâm Diên, bạn đồng liêu với Định, đều ra sức giáo hóa dân Việt phải theo điển lễ hôn nhân Hán tộc. Vậy, họ Trưng, họ Thi là dòng dõi các lạc tướng mà vẫn ngang nhiên giữ lệ cũ, không chịu vào khuôn phép mới thế thì thử hỏi dân man còn giáo hóa làm sao?
Lập tức, Tô Định lại theo gương Tích Quang, tìm trong đám người ở Giao Chỉ, đặt một chức môi quan.
Đấy là người sẽ thay mặt triều đình, kiểm soát các cuộc hôn nhân của người Việt, buộc phải theo đúng điều lệ của nhà Hán!
Tin ấy đến tai hai chị em họ Trưng giữa lúc những người nữ chủ đất Mê Linh đang dạo một lượt các hộ chăn tằm trong làng [22]. Tằm mùa xuân đang một nhân hai, hai nhân bốn, bốn nhân tám… Cuộc hôn nhân giữa Trưng Trắc và Thi Sách mỗi người chủ trương một phương, kết liên thế lực hai miền đất lớn của người Việt đang nhân bội sức mạnh chống ách đô hộ hà khắc của ngoại bang. Bão táp sẽ từ đây bùng ra. Bọn đô hộ lại muốn dùng điển lễ hôn nhân của chúng để gò bó dân ta chăng? Trưng Trắc chỉ nắm chặt bàn tay em, cười nhạt [23]. Và càng dội lên trong lòng nỗi nhớ yêu chồng.
Giai đoạn chuẩn bị của cuộc chuẩn bị khởi nghĩa Hai Bà Trưng
Làm đúng theo những điều đã cùng Trưng Trắc bàn bạc, Thi Sách từ khi ở Mê Linh trở về, dốc sức ngày đêm biến Chu Diên thành chỗ dựa bền vững của Mê Linh trong cuộc khởi nghĩa sắp tới.
Đất Chu Diên là nơi lắm ruộng nhiều vườn. Các làng chạ trong miền, theo lệnh của Thi Sách, dồn góp thóc lúa hoa màu trữ lại một nơi. Và rèn sắt đúc đồng, sửa soạn vũ khí. Những câu chuyện thầm thì, những cặp mắt nhìn kín đáo, và cả những cử chỉ cố gắng kìm hãm. Người người nô nức và âm thầm, bồn chồn chờ ngày khởi nghĩa lấy lại nước cũ.
Tin đi tin về giữa Chu Diên và Mê Linh đều đặn và ngày càng tăng. Những con thuyền mũi cong, đuôi én, chèo lái vùn vụt [24], xuôi sông Đáy, ngược sông Cái đưa Trưng Trắc về Chu Diên gặp chồng, đưa Thi Sách lên Mê Linh gặp vợ. Vượt biển khơi, băng rừng núi, những cừ súy thân cận của lạc tướng các huyện xa mãi trong các quận Cửu Chân và Nhật Nam [25] ở phía Nam, các huyện ngoài biển Đông của cõi Giao Chỉ, các huyện xa trên quận Hợp Phố [26] ở mạn Bắc, tất cả cũng đều tìm về Mê Linh, và đón những cừ súy của Trưng Trắc, Trưng Nhị từ Mê Linh đưa đi, bàn định việc nghĩa.
Những con dân của nước Văn Lang xưa, cùng chung nỗi hoạn nạn, theo nếp cũ, chỉ chờ dịp gặp được người kiệt liệt đứng ra xướng xuất việc lớn, là lại tụ hội với nhau thành một mối, tự nhiên như ngày nào.
Tin dữ từ Chu Diên
Một mùa xuân nữa lại đến. Mùa xuân năm 40 sau Công Nguyên.
Vào những ngày mùa xuân ấy, Trưng Trắc và Trưng Nhị bận tất bất. Dân Việt khắp nơi đã khổ đủ bề cùng cực. Và lòng mong nước cũ, nhớ đời sống tự do xưa, càng nấu nung. Người người hướng cả về Mê Linh, chờ đợi chị em họ Trưng hành động.
Dân Mê Linh, được lệnh của nữ chủ tướng, từ lâu cũng đã sẵn sàng.
Giữa lúc ấy, một con thuyền quẫy mình ngược sóng hối hả lao về Mê Linh. Tin dữ từ Chu Diên đưa tới: Chàng Thi Sách đã bị Tô Định đem quân từ Quận trị về bắt giết! Tên thái thú tham tàn này, từ ngày được biết Trưng Trắc đã cùng Thi Sách kết thân, thì mỗi lúc một bàng hoàng nhận thấy rõ thêm rằng đây không phải là một cuộc hôn nhân thường. Những dấu hiệu biến động của người Việt khắp nơi từ sau cuộc hôn nhân ấy, càng khiến Tô Định hoảng hốt. Lúng túng tìm cách đối phó với Mê Linh mà hắn thừa biết là nguồn cội của cơn dông bão đang ì ầm sôi sục, chưa dám động tới những người con gái mà hắn còn kiêng dè. Tô Định vội vã thử tìm cách triệt vây cánh của Mê Linh. Đưa đại binh đột ngột kéo về Chu Diên, bắt giết Thi Sách, Tô Định nghĩ rằng đấy là hành động trấn áp phủ đầu đắc sách nhất của hắn [27].
Trưng Trắc và Trưng Nhị khi ấy đang đứng bên tàu voi. Đôi voi trắng khổng lồ, đang độ sung sức, đứng không yên chỗ, hết cuộn vòi lại lắc mình. Chợt con voi lớn bỗng rùng người lùi lại, tung vòi rống lên một tiếng lớn: nó vừa thấy người nữ chủ thất sắc, loạng choạng níu vội lấy gốc cây buộc voi khi nghe đám cừ súy hốt hoảng rầm rập chạy tới đưa tin dữ từ Chu Diên…
Lặng đi hồi lâu, Trưng Trắc bỗng lắc người chồm dậy, sải những bước lớn, đi thật nhanh về ngôi nhà làng. Trưng Nhị níu vai chị, rảo chân bước theo. Đám cừ suý rùng rùng chạy gằn ở phía sau.
Từ ngôi nhà làng mái cong vút, tiếng trống đống đột ngột giật giọng gầm lên: ầm ùng ầm, ầm ầm ầm…
Tiếng trống Mê Linh và cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng chính thức bắt đầu
Tiếng trống đồng dội lên vòm cây, đập vào sườn đồi, chạy theo dọc đường trẩy quân. Đất đỏ gió tung, cuồn cuộn bụi bay cùng tiếng trống. Những giọng hò reo chốc chốc lại rộ lên một đợt, dìm tiếng trống vào một biển âm thanh ồn ào, náo động.
Dân Mê Linh, giáo lao, cung nỏ, rìu búa, khiên mộc cuồn cuộn tràn đi theo bóng voi ẩn hiện mờ mờ qua làn bụi ở phía trước. Tất cả đều ra đi. Chỉ để lại trong các làng những người già yếu và con trẻ.
Trên bành voi cao, Trung Nhị luôn đưa mắt nhìn sang phía chị. Suốt thời gian dẫn đầu đoàn quân khởi nghĩa kéo đi, Trưng Trắc giữ nguyên thế ngồi, chống thẳng tay nắm chắc lấy bành voi, đẩy người về phía trước. Và đôi mắt mở to, sáng quắc trên khuôn mặt, bừng bừng trong một cơn kích động sục sôi kéo dài. Người nữ chủ tướng Mê Linh mặc giáp phục rực rỡ: bên ngoài bộ xống trùng áo ngắn, là một tấm hộ tâm bằng đồng thau vàng rực, chạm khắc cầu kỳ, và chiếc thắt lưng khóa đồng có đính một chuỗi nhạc nhỏ kêu lanh canh theo nhịp lắc của lưng voi [28]. Trước lúc trẩy quân, trong đám cừ súy đã có người xin nữ chủ tướng cho cử tang Thi Sách và mặc tang phục. Nhưng Trưng Trắc trả lời:
– Việc chiến trận phải quyền biến. Nên tự làm tiều tụy thì nhuệ khí ắt tàn theo. Ta sẽ mặc giáp phục đẹp, để dân trông thấy thì phấn khích, mà giặc trông thấy thì kinh hoảng [29].
Khí thế ngất trời ấy của những người khởi nghĩa quả đã làm khiếp đảm quân thù. Tòa đô úy trị trên đất Mê Linh chỉ gắng gượng chống cự được khoảnh khắc rồi vỡ. Dân Mê Linh trèo qua tường thành, phá tung cổng thành, đạp bằng dinh lũy của quân thống trị, đốt cháy tan hoang.
Đám tro tàn của tòa Đô úy trị còn đang vật vờ bốc khói, Trưng Trắc và Trưng Nhị đã lại bước lên voi. Và dân Mê Linh lại hò reo náo động theo nhịp trống đồng, theo người nữ chủ tướng, tràn xuống Liên Lâu. Những lúc này, không phải chỉ có dân Mê Linh. Nhập vào đoàn quân trẩy đi phá Quân trị Giao Chỉ của nhà Hán, ngày càng có thêm đông đảo, dài dằng dặc, người của những làng chạ xa gần. Vừa nghe tin chị em họ Trưng đánh hạ Đô úy trị Mê Linh, dân Việt khắp nơi đã lập tức cử người của mình kéo tới…
Tiếng trống đồng thêm nhiều âm vang, tiếng hò reo thêm nhiều các giọng. Và bụi đường bốc lên càng dữ dội. Tất cả cuồn cuộn tràn xuống Liên Lâu.
Các tướng cùng về hội quân với chị em họ Trưng
Thành Liên Lâu cũng không đương nổi cuộc công phá của cả một biển người ào lên xung sát cực kỳ dũng mãnh theo hiệu trống đồng của Trưng Trắc, Trưng Nhị. Một đợt, rồi hai đợt tiến công, bao giờ cũng có Trưng Trắc, Trưng Nhị dẫn đầu, nghĩa quân Việt đã phá tan tòa thành Hán. Trong đám loạn quân, chị em họ Trưng thúc voi xông xáo tìm kiếm Tô Định mà không thấy hắn đâu. Con thú lớn đấy đã ôm đầu lủi trốn được [30].
Nghỉ lại ở Liên Lâu một chiều. Trưng Trắc, Trưng Nhị lập tức phái ngay cừ súy của mình đi các nơi thăm thú binh tình. Người đi chưa được bao lâu thì bỗng từ mạn Bắc đã có tiếng reo hò vọng lại. Một đoàn người lô nhô rìu giáo, cung nỏ, ồn ào kéo tới, dẫn đầu là một nữ thủ lĩnh còn trẻ măng. Tin vui truyền ngay đến tai Trưng Trắc, Trưng Nhị: nàng Thánh Thiên ở Ngọc Lâm [31] vừa nghe tin nữ chủ đất Mê Linh, nổi dậy, cũng đã lập tức dẫn dân vùng mình đánh hạ ngay huyện thành Bắc Đới [32] của nhà Hán, rồi đưa thẳng đoàn người khởi nghĩa về hội quân với chị em họ Trưng!
Nỗi mừng vui náo nức còn nóng hổi thì từ mạn Nam, một đoàn quân sĩ nữa cũng đã vượt sông Đuống tiến lên. Hai người con gái giống nhau như hai giọt nước, dẫn đầu đoàn chiến binh ấy, chính là các nàng Nguyệt Thai, Nguyệt Độ ở Mi Thử [33], vừa nổi dậy đánh hạ huyện thành An Định [34] của nhà Hán, rồi dẫn quân tới hội.
Rồi từ mạn Tây cũng có người kéo về: nàng Thiều Hoa ở động Lăng Xương [35] với cả một đoàn dũng sĩ phóng lao múa khiên và chạy nhảy như gió, vì hàng ngày vẫn chuyên luyện môn đánh phết hào hùng. Và từ mạn Đông, nữ tướng Lê Chân, người đã chiêu dân lập ấp, dựng nên trang An Biên [36] ngay trên sóng nước biển Đông, cũng dẫn theo cả một đoàn quân gồm toàn những tay vật nổi tiếng lão luyện. Rồi thì nàng Tia ở Vĩnh Ninh [37] đưa về một đoàn thuyền chiến và những thủy thủ ở nước như cạn. Tướng Nguyễn Tam Chinh bấy lâu mở lò vật ở Mai Động [38], nay đem tất cả môn đệ của mình tới theo Trưng Trắc, Trưng Nhị. Tướng Lã Văn Ất cùng những người dân bộ lạc Trâu cũ, nổi dậy phá tan huyện thành Câu Lậu [39] rồi cũng dân quân tới hội.
Từ quận Cửu Chân, các tướng Đô Dương, Chu Bá tìm ra, cùng một lúc với các cừ súy quận Nhật Nam, đưa tin dân khắp các quận miền trong cũng đã nổi dậy phá tan tành các huyện thành và quận trị. Tin từ Hợp Phố mãi xa trên mạn Bắc đưa về sau cùng: dân Việt ở đây cũng đã đánh tan bọn quan quân nhà Hán và chiếm xong các huyện thành [40].
Tin thắng trận dồn dập tới tấp truyền về. Nỗi vui mừng quá lớn khiến người ta đứng ngồi đều không yên. Hàng chục đời này rồi, dễ chừng chưa từng có dịp nào được sống tưng bừng sung sướng đến như thế! Nước cũ từ thời tổ Hùng Vương lại thấy bây giờ là đây! Hội mừng thắng trận mở hết ngày ngày sang ngày khác. Khắp nước náo động tiếng trống đồng và tiếng reo hò….
Những năm tháng độc lập ngắn ngủi thời Trưng vương
Ba mùa xuân nữa nối nhau trôi qua, cũng trong tiếng trồng đồng và tiếng hò reo mở lại hội vui trên khắp đất Việt.
Đuổi được giặc, lấy lại nước, hai chị em họ Trưng được cả nước tôn lên làm vua. Dòng dõi các vua Hùng xưa, bây giờ lại trị vì đất nước Việt. Trưng nữ vương trở về đất bản hộ của mình, xây thành Mê Linh, đúng như điều hứa nguyện của nàng Trưng Trắc ngày nào [41]. Người ta làm chủ nước ta. Các nữ thủ lĩnh, các nam cừ súy, được phong các chức nữ tướng, tướng lĩnh, người nào trở về đất nấy, dốc sức cùng nhân dân xây cuộc đời mới. Riêng Lê Chân giữ chức Tiên Phong. Và Nàng Tía được giao cai quản thủy quân.
Trưng Trắc bàn bạc với em gái và các tướng rồi quyết định miễn hẳn thuế khóa cho thiên hạ. Cùng kiệt, khổ nhục dưới ách bạo tàn đã bao lâu, nay vừa được tự do lại khỏi hẳn nạn cống nạp, dân Việt say mê sống cuộc đời mới đã mùa xuân mà vẫn bàng hoàng vì niềm hạnh phúc quá lớn. Tiếng hát ca ngợi Trưng vương cất lên từ tất cả những tấm lòng sùng kính say sưa của dân khắp nước.
Vào mùa xuân năm thứ ba ấy, chỉ có Trưng vương là người phải lo nghĩ: vua Hán Quang Vũ đã hạ lệnh động binh lớn, đưa tỷ thư phong cho viên tướng lão luyện Mã Viện làm Phục Ba tướng quân, đem đại quân sang đánh lại nước Việt, quyết đặt lại quận huyện ở đây một lần nữa.
Buổi chiều mùa xuân năm thứ ba ấy, đứng trên lầu cao thành Mê Linh, nghe tiếng trống đồng ngày hội vọng tới, Trưng Trắc nói với Trưng Nhị:
– Phải quyết sống mái với giặc thôi!
Hai trận huyết chiến cuối cùng của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng
Trận huyết chiến sống mái ấy đã xảy ra ở Lãng Bạc [42]. Hai vạn quân Hán, gồm 8 nghìn đại binh và 12 nghìn tinh binh của Mã Viện, đã giao chiến dữ dội với dân binh các làng chạ do Trưng Vương thống suất, trong một trận đánh tối sầm cả trời đất. Quân Mã Viện đóng sẵn trên các triền đất cao giữa vùng Lãng Bạc lầy lội, chuẩn bị tiến công Mê Linh [43]. Giữa lúc ấy thì Trưng vương đem quân tới chặn đánh. Hơn một vạn người Việt đã ngã và mất trong trận huyết chiến đó [44].
Sau trận đánh lớn ở Lãng Bạc, Trưng vương thu quân về giữ Cấm Khê [45]. Mã Viện lại kéo đại quân tới. Và một loạt trận huyết chiến nữa lại nổ ra, máu chảy đỏ sông Hồng. Hơn hai vạn người Việt nữa đã bị mất ở đấy (45).
Quyết bảo vệ đất nước và cuộc sống tự do của mình thà mất hết chứ không quay lại kiếp ngựa trâu, sức lực của người Việt hầu như đã dốc kiệt để sống mái với quân xâm lượng theo ý chí của Trưng vương [46]. Những người nữ vương đầu tiên của đất nước, cho đến cùng, vẫn kiên quyết giữ mãi ý chí sống mái với quân thù. Và dòng sông quê hương, sau hết, đã nhận vào lòng nước mát dạt dào chảy mãi về sau ý chí quí báu chói ngời ấy của Trưng Vương: phóng những ngọn lao và bắn hết những mũi tên cuối cùng, Trưng Trắc và Trưng Nhị đã lùi đến bờ sông sâu. Và gieo mình xuống đáy nước [47].
Bấy giờ là mùa hè năm 43 sau Công Nguyên.
Câu chuyện về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng – LichSu.Org
Theo Văn Lang
Ý nghĩa của khởi nghĩa Hai Bà Trưng
Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng và cuộc kháng chiến chống xâm lược Hán thời Trưng vương tiêu biểu cho ý chí quật cường bất khuất của nhân dân ta. Tuy chưa thắng lợi hoàn toàn, Hai Bà đã nêu cao tinh thần yêu nước, quyết giành độc lập và mở ra một trang mới trong lịch sử chống giặc ngoại xâm.
Cuộc khởi nghĩa chỉ khôi phục được nền độc lập của dân tộc trong một thời gian ngắn sau hơn hai thế kỉ bị phong kiến nước ngoài đô hộ, nhưng lại khích lệ tinh thần yêu nước của toàn dân tộc cho những giai đoạn chống giặc ngoại xâm sau này.
Đây là cuộc khởi nghĩa đầu tiên trong lịch sử Việt Nam do người phụ nữ lãnh đạo, làm chấn động cả cõi trời Nam. Điều đó đã khẳng định vai trò của người phụ nữ trong xã hội phong kiến, vốn bị ảnh hưởng rất lớn từ tư tưởng “trọng nam khinh nữ”.
Để tưởng nhớ công ơn Hai Bà và các tướng lĩnh, nhân dân ta đã lập đền thờ ở nhiều nơi. Trong dân gian đến nay vẫn còn lưu truyền “Lời thề Trưng Trắc”, là những câu ca ngợi lòng yêu nước thương chồng của bà:
“Một xin rửa sạch nước thù,
Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng.
Ba kẻo oan ức lòng chồng,
Bốn xin vẻn vẹ sở công lênh này!”
– Thiên nam ngữ lục [48] –
Chú giải trong truyện cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng
- Mê Linh (còn gọi Mi Linh hay Ma Linh) là tên phiên âm sang tiếng Hán cổ của tiếng Việt cổ đại, chỉ một giống chim, âm cũ đọc là M’ling.
- Đời Hán, dải đất từ Hoa Nam chạy dài đến hết Trường Sơn, địa bàn cư trú của các giống người Việt, bị đặt thành một châu: Châu Giao Chỉ, và chia thành 9 quận trong đó có Giao Chỉ (miền Bắc Bộ ngày nay) là quận lớn nhất, gồm có 10 huyện.
- Cơ quan thống trị về mặt quân sự của cả một quận.
- Liên Lâu hay Luy Lâu là tên phiên âm sang tiếng Hán cổ, của tiếng Việt cổ đại, chỉ cây dâu, âm cũ có từ gốc đọc là Lâu.
- Giống như Đô úy trị, Quận trị cũng là một cơ quan thống trị về mặt hành chính của một quận.
- Những điều mô tả này có nguồn gốc từ những cảnh tượng tương tự, thấy khắc họa trên những chiếc trống đồng cổ, có niên đại 2, 3 nghìn năm trước.
- (Giống chú giải mục [6]).
- Đất Chu Diên nằm dọc sông Đáy, sông Hồng, trên các tỉnh Hải Hưng Hà Tây bây giờ. Trung tâm của nó có thể là vùng thành Quên (Quốc Oai) ngày nay.
- Tiếng cổ, chỉ một loại ruộng của nước ta.
- Chuyện Trưng Trắc nhường công giết cọp cho Thi Sách, thấy truyền tụng và ghi lại trong thần tích vùng Hạ Lôi, Vĩnh Phú.
- Năm Kiến Vũ thứ 6 (30 sau Công Nguyên), nhà Hán bổ chức quan Đô úy, giao cho Thái thú kiêm nhiệm chức này.
- Sách Đông quan Hán ký của phong kiến Trung Hoa chép tới Mã Viện nhận xét về Tô Định: “Thái thú Tô Định là người giương mắt mà trông tiền, nhắm mắt mà đánh giặc…”.
- Đơn vị đo lường cổ. Ở đời Hán, một tấc bằng 2,5 cm. Một thước dài bằng 25 cm.
- Vương Mãng là quý tộc ngoại thích, năm thứ 3 sau Công nguyên giết vua Hán, cướp ngôi và thi hành một loạt cải cách, gây rối loại trong triều, ngoài nước. Rất đông đảo, quý tộc, địa chủ, sĩ đại phu và cả người dân Trung Quốc vào dịp đó, đã chạy xuống Giao Châu, sống lâu dài ở đấy để lánh nạn và làm giàu.
- Đơn vị đo lường cổ. Một thạch bằng 17 lít. Lương bổng của Tô Định, quy định trên giấy tờ là hai nghìn thạch lúa mỗi năm.
- Sách Hậu Hán thư của phong kiến Trung Hoa chép về tình hình đất Giao Chỉ: “Các Thứ sử trước sau phần lớn đều không thanh liêm. Trên thì bợ đỡ kẻ quyền quý, dưới thì thu vét của cải của dân, đến khi đầy túi liền xin đổi”.
- Sử sách cũ của phong kiến Trung Hoa cũng đều phải khen chị em họ Trưng là người “thậm hùng dũng” (Hậu Hán thư) Sách Giao Châu ngoại vực ký còn ghi rõ: “Trắc vi nhân hữu đảm dũng” (Trưng Trắc là người gan dạ, dũng cảm).
- Đặc điểm của lịch sử Việt Nam buổi đầu Công nguyên là như vậy. Từ thời Hùng Vương, chế độ phụ quyền đã xác lập, nhưng trong xã hội, phụ nữ vẫn được coi trọng.
- Năm 39 sau Công Nguyên.
- Tục lệ này, đến thế kỷ XV vẫn còn phổ biến, và Lê Thánh Tông, thấy trái với điển lễ phong kiến, mới ráo riết ngăn cấm. Vào thời gian đầu Công nguyên, tục lệ hôn nhân này về khách quan, có lợi cho việc bố trí lực lượng lãnh đạo khởi nghĩa.
- Nay là miền Thanh Hóa – Nghệ An – Hà Tĩnh.
- Thần tích làng Lâu Thượng (Phú Thọ) chép: Gia đình họ Trưng có nghề chăn tằm. Nghề tằm gọi kén dầy là kén chắc, kén mỏng là kén nhì. Tên gọi Trắc và Nhị của chị em họ Trưng do đấy mà ra.
- Sách Hậu Hán thư của phong kiến Trung Hoa chép: “Thái thú Giao Chỉ là Tô Định lấy phép luật ràng buộc, (Trưng) Trắc oán giận cho nên làm phản”.
- Hình những con thuyền này cũng thấy khắc họa trên nhiều trống đồng cổ.
- Miền Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên vào tới Quảng Nam ngày nay.
- Miền Quảng Đông ở Trung Quốc ngày nay.
- Việc Tô Định giết Thi Sách ở đây chép theo chính sử và truyền thuyết của ta. Còn sử cũ của phong kiến Trung Hoa thì chép Thi Sách vẫn còn sống đến ngày Trưng Trắc khởi binh, thậm chí có cuốn như Thủy kinh chú còn chép rằng Thi Sách vẫn sống đến ngày Trưng Trắc đánh thắng Tô Định.
- Hình ảnh này dựa theo tượng một phụ nữ quý tộc đúc làm chuôi một thanh đoản kiếm bằng đồng thau, có niên đại khoảng Công nguyên và những di vật đào được ở các di chỉ các niên đại tương đương.
- Câu nói này của Trưng Trắc có gốc ở sách Đại Việt sử ký, ngoại ký, quyển 3.
- Sách Hậu Hán thư của phong kiến Trung Hoa chép: “Thứ sử Giao Chỉ và các thái thú may mà giữ được mình”. Chính sử của ta chép: Tô Định chạy trốn về Nam Hải. Sách Đông quan Hán ký chép: ở Giao Chỉ chạy về, Tô Định bị vua Hán bắt bỏ ngục.
- Nay thuộc huyện Lạng Giang, Bắc Giang.
- Đất miền Bắc Giang bây giờ.
- Nay thuộc huyện Bình Giang, Hải Dương.
- Đất miền Hải Dương bây giờ.
- Miền Thanh Sơn, Thanh Thủy (Phú Thọ) ngày nay
- Khu phố Lê Chân thuộc Hải Phòng bây giờ.
- Nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội.
- Nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội.
- Câu Lậu là tên phiên âm sang tiếng Hán cổ của người Việt cổ đại, chỉ con trâu, âm cũ đọc là K’lâu. Đất huyện Câu Lậu nay là miền Hải Dương.
- Sách Hậu Hán thư và chính sử của ta đều chép “Hai Bà Trưng đã thu phục được tất cả 65 thành. Đây là một con số phiếm chỉ, tượng trưng cho một số lượng lớn các thành. Vì cộng cả 9 quận của châu Giao Chỉ từ Quảng Đông, Quảng Tây và đảo Hải Nam vào tới miền Quảng Nam nước ta, nhà Hán cũng chỉ có 56 thành. Thực tế, Hai Bà Trưng chính thức làm chủ 4 quận: Hợp Phố (miền Quảng Đông – Trung Quốc) và Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam (miền Bắc ngày nay và miền Quảng Trị, Thừa Thiên.
- Truyền thuyết cho rằng dấu vết tòa thành này, nay còn ở làng Hạ Lôi, tỉnh Vĩnh Phúc.
- Nay là vùng đất trũng nam Bắc sông Cầu, từ Đông Triều đến Yên Phong (Bắc Ninh).
- Sử cũ của phong kiến Trung Hoa chép lời Mã Viện: “Lúc ta đang ở giữa miền Lãng Bạc và Tây Lý, quân địch chưa diệt được, dưới thì nước lụt trên thì mây mù, khí độc bốc lên ngùn ngụt, ngẩng lên trông thấy chim diều hâu đang bay sà rơi xuống nước…”
- Mã Viện truyện chép: Viện chém vài nghìn đầu, bắt hàng hơn vạn người.
- Vùng Suối Vàng và núi vua Bà (huyện Thạch Thất và Ba Vì của Hà Nội ngày nay). Lưu Long truyện chép Lưu Long, phó tướng của Mã Viện, chém hơn nghìn đầu, bắt hàng hơn hai vạn.
- Chiến trường chính chống trả cuộc đàn áp man rợ của Mã Viện là hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân, lúc ấy tổng số dân mới có 91 vạn người trẻ già lớn bé. Vậy mà chỉ trong mấy trận đánh lớn,hơn 4 vạn người Việt đã bị giết và bị bắt.
- Về cái chết của Hai Bà Trưng, chính sử của ta chép không rõ ràng. Sử cũ của phong kiến Trung Hoa cũng chép không thống nhất: Thông chí và Hậu Hán thư chép Hai Bà bị chém. Nam Việt chí và Giao Châu ngoại vực ký chép Hai Bà bị bắt. Ở đây viết theo truyền thuyết dân gian, kể rằng Hai Bà tự vẫn ở Hát Giang.
- Thiên nam ngữ lục là áng sử ca dân gian thế kỷ XVIII.
1 thought on “Khởi nghĩa Hai Bà Trưng [Truyện kể danh nhân Việt Nam]”