Những truyền thuyết về Hoàng đế và Nghiêu, Thuấn, Vũ
Những truyền thuyết về Hoàng đế và vua Nghiêu, Thuấn, Vũ mang nhiều ý nghĩa quan trọng đối với giai đoạn công xã thị tộc trong lịch sử Trung Quốc cổ đại.
Tục truyền rằng Hoàng đế, tổ tiên lỗi lạc của người dân lưu vực Hoàng Hà, sau khi đánh bại bộ lạc Viêm Đế ở phía Tây và bộ lạc Xi Vưu ở phía Nam, đã trở thành thủ lĩnh của một liên minh bộ lạc, khống chế lưu vực Hoàng Hà. Theo truyền thuyết, rất nhiều sáng chế, phát minh quan trọng trong lịch sử Trung Quốc cổ đại đều quy vào thời Hoàng đế, như việc làm nhà cửa, may quần áo, đóng xe, đóng thuyền, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải,… Nuôi tằm lấy tơ là một cống hiến lớn lao của người dân lao động Trung Quốc cho nền văn hóa thế giới. Một phát minh quan trọng nữa ở thời Hoàng đế là chữ viết.
Sau Hoàng đế, trải qua mấy đời, có ba vị thủ lĩnh kế tiếp nhau đứng đầu liên minh bộ lạc: đó là Nghiêu, Thuấn, Vũ. Việc thay đổi chức vị thủ lĩnh liên minh bộ lạc gọi là “nhường ngôi”; ví như việc Nghiêu “nhường ngôi” cho Thuấn, Thuấn “nhường ngôi” cho Vũ, thực chất chỉ là một lối bầu cử tù trưởng bộ lạc theo truyền thống dân chủ của xã hội thị tộc.
Thời Nghiêu, nghề chăn nuôi và nghề nông đã khá phát triển, người ta đã biết sắp xếp các công việc chăn nuôi và trồng trọt cho thích hợp với thời vụ. Sang thời Thuấn, vì sông Hoàng Hà hàng năm có nước lũ gây tai họa lớn, cho nên liên minh bộ lạc cử Vũ đi trị thủy. Trong 13 năm trời, Vũ đã phát động người dân đấu tranh gian khổ với nước lũ, khai thông dòng nước, đào ngòi, tưới ruộng, phát triển sản xuất nông nghiệp, lập nhiều công trạng lớn trong việc trị thủy, do đó về sau được cử làm thủ lĩnh liên minh bộ lạc thay Thuấn.
Thời kỳ Nghiêu, Thuấn, Vũ là thời kỳ tan rã của xã hội thị tộc ở Trung Quốc. Song song với sự phát triển của sức sản xuất, chế độ tư hữu cũng xuất hiện. Trong thời kỳ Vũ, bộ lạc liên minh do Vũ cầm đầu đã gây dựng uy danh lớn, đánh đuổi được các bộ lạc du mục chung quanh (bộ lạc Miêu Lê ở miền Nam Hoàng Hà bị đánh bật xuống tận lưu vực Trường Giang). Chiến lợi phẩm biến thành của riêng, tù binh biến thành nô lệ, trong đó các thủ lĩnh của bộ lạc chiếm đoạt nhiều hơn cả. Trong nội bộ công xã thị tộc bắt đầu có sự phân hóa, có những gia đình lớn giàu có, đứng đầu là các gia trưởng, lợi dụng địa vị của mình để chiếm đoạt ngày càng nhiều ruộng đất, gia súc và nô lệ, tù binh của công xã, và trở thành lớp quý tộc thị tộc có quyền thế.
Gia đình Vũ là gia đình lớn giàu sang và có thế lực nhất. Sau khi Vũ chết, thủ lĩnh liên minh bộ lạc không do bầu cử dân chủ nữa, mà do con Vũ là Khải kế thừa. Việc làm đó bị thị tộc Hữu Hồ phản đối. Khải đánh bại Hữu Hồ, củng cố chế độ thế tập (cha truyền con nối). Thế là mở đầu nhà Hạ, nhà nước chiếm hữu nô lệ đầu tiên xuất hiện trong lịch sử Trung Quốc.
Những truyền thuyết về Hoàng đế và Nghiêu, Thuấn, Vũ
Lịch sử Trung Quốc cổ đại
– LichSu.Org –