Sự thành lập của nhà Hạ, nhà Thương và nền văn hóa Ân Khư
Sự thành lập của nhà Hạ và nhà Thương cho thấy xã hội chiếm hữu nô lệ trong lịch sử Trung Quốc cổ đại tương đối phát triển, đỉnh cao là nền văn hóa Ân Khư.
1. Sự thành lập của nhà Hạ trong lịch sử Trung Quốc thời cổ đại
Nhà Hạ thành lập vào khoảng thế kỷ XXI trước Công nguyên. Sách sử ký có ghi chép các đời vua nhà Hạ tên của 17 đời vua ấy và các sự kiện lịch sử quan trọng. Nhà Hạ mở đầu xã hội chiếm hữu nô lệ Trung Quốc. Những người đứng đầu công xã nô dịch tù binh bắt được trong chiến tranh, biến họ thành nô lệ, đồng thời bóc lột những nông dân công xã nghèo khổ, cướp đoạt dần ruộng đất của công xã. Họ dần dần biến thành quý tộc, chủ nô. Quý tộc cao cấp là ” lục khanh” (nghĩa là 6 chức khanh tướng). Khi có chiến tranh, “lục khanh” chỉ huy quân đội. Thủ lĩnh tối cao của quý tộc là vua.
Quý tộc chủ nô bóc lột sức lao động của nông dân công xã và nô lệ. Nô lệ chủ yếu sử dụng vào các công việc phục vụ trong nhà hay chăn nuôi gia súc (ví dụ: họ Hữu Hồ bại trận bị biến thành nô lệ chăn nuôi gia súc, Thiếu Khang lúc lưu vong phải làm quan coi gia súc và quan coi bếp nước,…). Quý tộc chủ nô sống an nhàn xa xỉ, thích uống rượu, ca múa, đi săn,… Để bảo vệ tài sản tư hữu, đàn áp sự phản kháng của người dân, vua và quý tộc xây dựng nên bộ máy nhà nước chiếm hữu nô lệ. Vua nắm quyền lực tối cao trong cả nước, thu cống thuế bằng sản vật của các công xã, xây thành quách để bảo vệ quyền thống trị của mình, để phòng sự phản kháng của nhân dân hay sự tấn công của các bộ lạc, bộ tộc bên ngoài.
Tuy vậy, sự thống trị trong buổi đầu của nhà Hạ chưa được củng cố. Thủ lĩnh tộc Hữu Cùng là Hậu Nghệ thừa cơ vua Hạ là Thiếu Khang đi săn, cướp lấy chính quyền của nhà Hạ, làm cho quý tộc nhà Hạ phải lưu vong khắp nơi. Cuối cùng, vua Hạ Thiếu Khanh liên kết với các lực lượng của nhiều bộ lạc khác, đánh bại được tộc Hữu Cùng để khôi phục lại triều Hạ. Lúc cường thịnh nhất, nhà Hạ đã thống trị cả một vùng đất đai rộng lớn ở trung du Hoàng Hà, đặt kinh độ tại An Ấp (tỉnh Sơn Tây).
Tương truyền rằng hồi thế sử XVII trước Công nguyên, vua cuối cùng của nhà Hạ là Kiệt cùng với giai cấp quý tộc nhà Hạ, dựa vào vũ lực, bạo ngược vô đạo, bóc lột nhân dân rất tàn khốc. Kiệt thường cưỡng bách nhân dân đi đánh giặc, làm cho sản xuất nông nghiệp bị đình đốn. Người dân rất căm ghét Kiệt và nguyên rủa rằng: “Mày là mặt trời đáng ghét, bao giờ mày mới suy tàn? Chúng ta thề cùng sống chết với mày!” (sách Sử ký).
2. Sự hưng khởi của nhà Thương
Thời bấy giờ có bộ lạc Thương ở hạ lưu Hoàng Hà, dưới sự lãnh đạo của Thành Thang đã dần dần lớn mạnh lên, rồi lần lượt đánh bại các bộ lạc liên minh với nhà Hạ, sau đó lại tấn công Hạ Kiệt. Thành Thang động viên binh sĩ rằng: “Hạ Kiệt dùng sức người quá đáng, bóc lột nhân dân quá đáng. Người dân đều không theo hắn. Trời bảo ta phải trừng trị hắn. Vì lệnh Trời, chúng ta không thể không đánh giặc Kiệt. Ai không phục tùng quân lệnh thì cả nhà phải phạt làm nô lệ”. Binh sĩ đánh giặc rất dũng cảm. Thành Thang chiến thắng Hạ Kiệt, lật đổ nền thống trị của nhà Hạ, dựng nên nhà Thương. Từ đó, nhà Thương khống chế phần lớn miền trung du và hạ du Hoàng Hà. Kinh đô của nhà Thương đặt tại đất Bạc (tỉnh Hà Nam).
Khoảng thế kỷ XIV trước Công nguyên, vua Thương là Bàn Canh dời đô đến đất Ân (thuộc tỉnh Hà Nam bây giờ). Do đó về sau, nhà Thương cũng còn gọi là nhà Ân. Từ Thành Thang đến Bàn Canh, trong vòng 300 năm, nhà Thương phải dời đô đến 5 lần vì nạn lụt ở Hoàng Hà thường xuyên xảy ra. Lần cuối cùng, Bàn Canh phát động cuộc thiên đi bị người Thương phản đối. Điều đó chứng tỏ rằng bộ tộc Thương phát triển đến đấy thì đã quen với đời sống định cư xây dựng trên cơ sở nông nghiệp phát triển thời bấy giờ. Sau khi Bàn Canh dời đô qua đất Ân thì định cư ở đấy trong khoảng 270 năm, không dời đi đâu nữa. Như thế chứng tỏ khả năng chinh phục thiên nhiên của họ đã lớn hơn trước nhiều.
3. Nền văn hóa Ân Khư của Trung Quốc thời cổ đại
Khoảng năm 1899, tại huyện An Dương, thuộc tỉnh Hà Nam ngày nay, người ta đã tìm thấy rất nhiều mai rùa và xương thú có khắc chữ ở di tích Ân Khư. Kinh đô cũ của nhà Ân. Sau đó, cũng tại đây lần lượt phát quật thấy di tích các cung điện, nhà ở, mộ táng, xưởng thủ công và rất nhiều đồ đồng, đồ gốm, đồ ngọc. Thời ấy các vua Ân thường dùng mai rùa, xương thú để bói xem lành dữ. Sau khi bói xong, thường ghi lại trên mai rùa, xương thú việc đã hỏi và sự nghiệm về sau. Những ghi chép đó gọi là văn giáp cốt (có nghĩa là khắc chữ trên xương hoặc mai rùa), phần lớn là bốc từ tức là những lời bói toán, qua đó có thể phán đoán được một cách tương đối chính xác những nét lớn về tình hình sinh hoạt xã hội đời Ân-Thương.
Thời Ân-Thương, nông nghiệp đã trở thành ngành sản xuất chủ yếu trong xã hội. Nông dân các công xã khai khẩn những đất đai màu mỡ ở hạ lưu Hoàng Hà, đào nhiều mương ngòi để dẫn nước và tháo nước. Họ cày ruộng bằng lưỡi cày gỗ, trồng kê, ngô, lúa mì và lúa tẻ, gặt lúa với liềm đá hoặc bằng vỏ ngao. Quý tộc thu rất nhiều thóc lúa của nông dân, cất vào trong các kho lẫm, dùng nhiều thóc gạo để nấu rượu uống và tế thần. Nông dân trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa. Nghề chăn nuôi cũng còn là một nghề quan trọng. Quý tộc có rất nhiều súc vật như bò, cừu, dê, lừa, ngựa,… Khi tế thần, họ thường giết hàng trăm con. Ngựa họ nuôi để kéo xe. Xe ra trận và xe vua ngự thường dùng đến bốn con kéo.
Thời bấy giờ, việc đúc đồ đồng thau đã đạt tới trình độ kỹ thuật cao. Trên đồ đồng có trạm trổ hoa văn rất tinh xảo. Trong số đồ đồng thau đào được, nhiều nhất là binh khí, dụng cụ ăn uống, đồ thờ cúng như lư, đỉnh, vạc, có cái rất lớn, nặng đến 700kg. Ngoài ra còn nhiều đồ nghệ thuật điêu khắc bằng đá, ngọc, xương, gỗ, và đặc sắc nhất là nhiều đồ gốm trắng, đen rất đẹp. Những di vật đó chứng tỏ nghề thủ công thời Ân đã khá phát triển.
Người ta đã thấy sinh hoạt bất bình đẳng giữa các giai cấp trong xã hội chiếm hữu nô lệ thời Thương. Trong mộ của thường dân, cùng chôn theo người chết chỉ có dao đá, giáo mác, đồ gốm và một số dụng cụ ăn uống. Trong mộ nô lệ thì không có gì vì người ta cho rằng nô lệ chết rồi thì cũng vẫn là nô lệ, chỉ mang theo hai bàn tay trắng để làm việc cho quý tộc đã chết. Mộ quý tộc thì rất lớn, bên trong có chôn đủ mọi đồ dùng lúc còn sống, lại còn chôn theo cả những nam nữ nô lệ hầu hạ quý tộc, võ sĩ bảo vệ cho quý tộc.
Hằng năm khi tế lễ còn giết rất nhiều nô lệ và súc vật. Trong một ngôi một lớn khai quật ở Ân Khư năm 1950, người ta thấy xung quanh mộ chỉ có một số người tuẫn táng còn có đầu, có thể đó là những thân nhân hay người hầu hạ của chủ. Ở ngoài ngôi mộ lớn đó, lại còn nhiều hố chôn nhỏ, xác toàn là nằm sấp và bị cắt đầu, có lẽ là nô lệ bị làm vật hi sinh trong việc tế tụng hàng năm. Ngoài ra, tùy theo số mộ to, nhỏ, số vật phẩm chôn theo cũng khác nhau: như trong ngôi mộ lớn nói trên có chôn vàng, ngọc, vỏ sò, trai, đồ đồng, đồ xương trên mấy trăm chiếc chảm trổ rất tinh xảo; còn trong những ngôi mộ vừa thì chỉ có đồ ngọc, đồ đồng, đồ gốm, tất cả độ vài chục cái.
Nhà ở cũng phản ánh tình trạng bất bình đẳng trong xã hội. Quý tộc ở trong các cung điện có nhiều hầm để cất giấu của cải và lương thực. Nhà nông dân thì rất đơn sơ, thấp hẹp và lợp cỏ tranh.
Người đời Thương tin thờ sức mạnh của tự nhiên, cho rằng nó có thể đem lại điều lành, điều dữ cho họ. Quý tộc tế trời, đất, núi, sông, đặc biệt tế thần sông Hoàng Hà. Mùa màng tốt hay xấu, mưa gió thuận hòa hay không, săn bắt được nhiều hay ít, chiến tranh thắng hay bại, bệnh tật tăng hay giảm, nô lệ có bỏ trốn hay không, mọi việc đều phải thần và tổ tiên. “Vu sứ” làm nhiệm vụ bói toán, lấy mai rùa, xương thú mài thật nhẵn bóng đem thui trong lửa, rồi nhìn những vết nứt nẻ để đoán tốt xấu, lành dữ. Sau đó họ khắc chữ lên mai rùa, xương thú ghi lại sự việc bói toán, kết quả bói toán và sự ứng nhiệm về sau. Xong rồi quý tộc đem những mai rùa, xương thú có khắc “bốc từ” đó sắp xếp theo một thứ tự nhất định rồi cất dưới hầm kín trong cung điện để tài liệu lưu giữ.
Những chữ “giáp cốt” là thứ chữ viết xưa nhất của Trung Quốc, tổng cộng có hơn ba nghìn chữ đơn, có chữ tượng hình, có chữ hội ý, cũng có chữ hình thanh. Thứ chữ và mười “chi” phối hợp với nhau để tính ngày, giờ và năm, tháng (12 can là: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tị, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi; 10 chi là: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý). Người thời Ân đã biết quan sát thiên văn rất tỉ mỉ, biết được vị trí nhiều ngôi sao và hiểu được hiện tượng nhật thực và nguyệt thực.
Tóm lại, những di tích phát hiện ở Ân Khư cho chúng ta biết rằng ở thời Ân-Thương, xã hội Trung Quốc là một xã hội chiếm hữu nô lệ tương đối phát triển và nền văn hóa Ân-Thương (cũng gọi là nền văn hóa Ân Khư) là một nền văn hóa đặt cơ sở cho sự phát triển của xã hội Trung Quốc về sau này.
Nhà Tây Chu và chế độ tông pháp
Lịch sử Trung Quốc cổ đại
– LichSu.Org –