Sự xuất hiện của xã hội loài người
Sự xuất hiện của loài người trên trái đất xảy ra chừng một triệu năm về trước, dựa trên những giả thuyết của Darwin và Engels về nguồn gốc của loài người.
Tác dụng của lao động trong quá trình biến hóa từ vượn đến người.
Căn cứ vào những thành tựu nghiên cứu của các ngành địa chất học, cổ sinh vật học và khảo cổ học, chúng ta biết rằng ở thời đại cổ, trên trái đất chưa có loài người. Sự xuất hiện của loài người trên trái đất chỉ là một việc xảy ra cách đây chừng một triệu năm thôi, do sự tiến hóa của các giống động vật từ thấp lên cao. Bản thân loài người là một giống động vật cao cấp nhất. Chân lý ấy mãi đến thế kỷ XVII mới được nhà sinh vật học người Pháp là Lamarck phát hiện ra. Trong một tác phẩm của ông nhan đề Triết lý của động vật học, ông khẳng định rằng: loài người là do một loài vượn biến hóa thành.
Tiếp theo đó, ở Anh lại có nhà sinh vật học nổi tiếng Darwin đã đem lý luận về sự tiến hóa của Lamarck phát triển lên một bước cao hơn làm cho vấn đề càng thêm sáng tỏ. Darwin có viết hai cuốn sách nổi tiếng là Nguồn gốc các giống loài và Nguồn gốc loài người và sự chọn giống, trong đó ông khẳng định rằng: loài người là do loài vượn mà biến hóa thành. Tổ tiên của loài người là một loài vượn ngày xưa đã sớm tuyệt chủng. Hai tác phẩm này lúc mới ra đời đã bị nhiều người công kích kịch liệt.
Lý luận của Darwin như một bó đuốc bất diệt. Tuy vậy, lý luận đó cũng vẫn chưa giải quyết một cách thỏa đáng vấn đề vượn tiến lên người như thế nào? Vì rằng ông chỉ bảo với chúng ta: loài người là do loài vượn biến thành, chứ còn loại vượn biến hóa thành loài người như thế nào, thì ở chỗ này, Darwin chưa giải thích được. Bởi vậy phải đợi đến Friedrich Engels, chúng ta mới có được câu trả lời dứt khoát.
Lúc Darwin còn sống, Friedrich Engels có việt một luận văn nổi tiếng: Tác dụng của lao động trong quá trình biến hóa từ vượn đến người. Luận văn của Friedrich Engels đã nêu ra cho chúng ta thấy động lực chân chính của sự biến hóa từ vượn đến người là lao động. Ông khẳng định rằng: chính lao động đã sáng tạo ra bản thân con người.
Do tác dụng của một quá trình lao động lâu dài, loài vượn cổ dần dần biến thành người. Người và vượn đương nhiên có nhiều chỗ khác nhau: ví dụ loài người biết nói mà loài vượn thì không biết nói, loài người thì đi thẳng mình, mà loài vượn thì không đi thẳng mình được. Nhưng chỗ khác nhau căn bản, theo Friedrich Engels là: loài người là một động vật biết chế tạo công cụ, còn loài vượn thì không có khả năng ấy. Không có bàn tay của một loài vượn nào đã chế tạo ra được một công cụ bằng đá, dù là công cụ thô sơ nhất.
Loài người biết chế tạo công cụ nên loài người đã chinh phục được tự nhiên. Trái lại, loài vượn không biết chế tạo công cụ nên loài vượn chỉ biết thích ứng với tự nhiên. Friedrich Engels viết: “Nói một cách đơn giản, động vật chỉ biết lợi dụng giới tự nhiên ở bên ngoài đơn thuần lấy hiện trạng của bản thân mình để cải biến giới tự nhiên, còn người thì cải biến giới tự nhiên để bắt nó phục vụ cho lợi ích của mình để thống trị giới tự nhiên. Đó là chỗ khác nhau căn bản giữa người và các loài động vật khác, mà yếu tố đưa đến sự khác nhau đó chính là sự lao động”.
Người là một động vật biết chế tạo công cụ, do đó người biết lợi dụng những công cụ do chính mình chế tạo ra để sản xuất những tư liệu sinh hoạt vật chất cần cho đời sống của mình. Vì con người phải lao động sản xuất, lại vì quá trình lao động sản xuất, nhất định nảy sinh ra những quan hệ giữa người và người nên xã hội loài người đã sớm xuất hiện. Friedrich Engels nói: “Từ đời sống của loài vượn trên rừng tiến đến đời sống của xã hội loài người, chắc chắn là phải trải qua mấy chục vạn năm; thời gian đó chẳng qua chỉ là một khoảnh khắc so với lịch sử của trái đất. Nhưng cuối cùng, xã hội loài người đã xuất hiện. Yếu tố đưa đến sự khác nhau chủ yếu giữa những bầy vượn sống trong rừng và xã hội loài người chính cũng là do sự lao động vậy”. Từ đó, Ăng-ghen khẳng định: Lao động sáng tạo ra xã hội loài người.
Thật vậy, lao động đã thúc đẩy sự biến hóa trong cơ thể của loài vượn, tạo điều kiện cho những khí quan của lao động, tức là bàn tay và bộ óc của loài người hình thành.
Quá trình biến hóa trong cơ thể của loài vượn, quá trình hình thành bàn tay và bộ óc của con người đã được Friedrich Engels phân tích, miêu tả tường tận trong bài luận văn nổi tiếng nói trên của ông.
Theo Friedrich Engels, trong quá trình tiến từ vượn đến người, việc phân biệt giữa tay và chân là một khâu rất quan trọng, một bước tiến quyết định. Vượn dùng hai chân trước để leo, đu trên cây, lượm hái quả, bới củ để ăn, cầm gậy gộc hay đá để ném. Trong một thời gian dài, hai chân trước chưa biến hẳn thành tay. Sau này, do khí hậu trên trái đất thay đổi nhiều, loài vượn có thích ứng dần với cuộc sống trên mặt đất, và từ đó tập đi đứng thẳng dần, dùng hai chi sau để đi lại đặng cho hai chi trước dần dần được giải phóng để chuyên làm những công việc nói trên: tay và chân đã bắt đầu phân biệt trong quá trình lao động không ngừng và cũng trong quá trình lao động không ngừng đó, bàn tay ngày càng trở nên lanh lẹ, khéo léo. Cái lanh lẹ, khéo léo đó lại được di truyền lại và phát triển mãi từ đời này sang đời khác, khiến cho bàn tay loài vượn trở nên bàn tay người, một bàn tay điêu luyện, tinh xảo đến mức có khả năng nặn ra những pho tượng thiên tài như của Phidias và Praxiteles ở thời cổ Hy Lạp, họa nên những bức tranh tuyệt tác như của Raffaello, Leonardo da Vinci, Michelangelo ở thời văn hóa phục hưng, soạn ra những bản nhạc bất hủ như của Beethoven, Mozart, Chopin ở thời cận đại.
Nhưng bàn tay nào có phải là một cái gì đơn độc? Nó chỉ là một bộ phận của toàn bộ một cơ thể rất phức tạp. Sự khéo léo của bàn tay là do kết quả của lao động đem lại ảnh hưởng đến cơ cấu tổ chức của toàn bộ cơ thể con người, từ đường gân, thớ thịt, khớp xương cho đến dạ dày, quả tim, lá phổi và đặc biệt là bộ não và cuống họng.
Công việc lao động ngày càng nhiều, càng phức tạp, thì mối quan hệ hợp tác giữa người và người trong xã hội ngày càng nhiều, càng chặt chẽ hơn. Trong sự hợp tác lao động, người ta cần trao đổi ý kiến, kinh nghiệm cho nhau, do đó nảy sinh ra nhu cầu về tiếng nói. Cuống họng, cái lưỡi của loài vượn chỉ phát ra tiếng kêu, nhưng từ khi vượn biến hóa thành người thì cuống họng, cái lưỡi đó đã tiến bộ nhiều trong cơ cấu, trong cử động; nó trở thành cổ họng, cái lưỡi của người, biết phát ra tiếng nói với những âm điệu ngày càng phong phú, phức tạp. Đó là nguồn gốc của tiếng nói, của ngôn ngữ. Friedrich Engels nói: “Ngôn ngữ bắt nguồn từ trong lao động và cùng phát triển với lao động, đó là cách giải thích duy nhất đúng về nguồn gốc của ngôn ngữ”.
Bàn tay lao động và tiếng nói là hai yếu tố kích thích bộ óc loài vượn biến hóa thành bộ óc người. Friedrich Engels nói: “Trước hết là lao động, sau lao động và đồng thời với nó là tiếng nói, đó là hai sức kích thích chủ yếu đã ảnh hưởng đến bộ óc của con vượn, làm cho bộ óc của nó dần dần biến chuyển thành bộ óc của con người. Bộ óc người mặc dầu có giống với bộ óc loài vượn, vẫn cao hơn bộ óc loài vượn rất xa về khối lượng và tổ chức cơ cấu”.
Tóm lại, trong quá trình vượn biến thành người, chúng ta thấy rằng lao động đã đóng một vai trò quyết định. Lao động đã sáng tạo ra bản thân con người. lao động cũng sáng tạo ra xã hội loài người. Friedrich Engels: “Các nhà chính trị kinh tế học nói rằng lao động là nguồn gốc của mọi của cải. Kỳ thực, lao động cùng với thiên nhiên mới là nguồn gốc của mọi của cải. Thiên nhiên cung cấp cho lao động tài nguyên, và lao động biến tài nguyên thành của cải. Nhưng lao động không phải chỉ có thế mà thôi. Nó là điều kiện căn bản đầu tiên của tất cả cuộc sống con người; nó quan trọng đến mức mà chúng ta phải nói rằng: lao động tạo ra con người [3].
Những bằng chứng khoa học và kết luận về nguồn gốc của loài người.
Quá trình từ vượn tiến lên người phát sinh từ lúc nào? Ở nơi nào? Đối với vấn đề này, các nhà nhân loại học và khảo cổ học chưa đi đến một kết luận thật dứt khoát, nhưng theo sự suy đoán chung thì như sau:
Ước vào khoảng cuối kỷ thứ ba bước sang đầu kỷ thứ tư của lịch sử trái đất, tức là khoảng một triệu năm trước đây, ở miền rừng nhiệt đới châu Á và châu Phi đã từng sinh sống một loài vượn cổ gọi là Đriopítthèque, tổ tiên chung của con người và của những loài vượn hình người đang sống ngày nay. Việc phát hiện ra xương Đriopítthèque đã chứng minh một cách hùng hồn về giả thiết khoa học của Darwin về nguồn gốc loài người là từ một loài vượn cổ mà ra, bởi vì lần đầu tiên nó cho ta một khái niệm cụ thể về hình dáng thực của những con vượn cổ, tổ tiên của loài người.
Nhưng việc có ý nghĩa khoa học lớn hơn và gây hứng thú nhiều hơn đối với vấn đề tìm hiểu nguồn gốc loài người là việc phát hiện ở Nam Phi di cốt của một loài vượn cổ, gần với người hơn bất cứ loài vượn hình người nào mà các nhà khoa học đã biết đến, gọi là vượn phương Nam (Australopithèque). Đặc điểm chủ yếu của loài vượn cổ ấy là đã biết đi hai chân theo tư thế thẳng đứng hoặc gần như thẳng đứng, và đã biết dùng hai tay làm những động tác cầm nắm, vì loài vượn cao cấp này đã chuyển từ chỗ leo trèo trên cây đến cuộc sống trên mặt đất, và đang trong quá trình tách khỏi giới động vật. Cuối cùng, trải qua một quá trình lao động lâu dài, loài vượn này đã biến thành người nguyên thủy, sống thày từng bầy, cùng nhau đi tìm thức ăn trên mặt đất.
Về sau, trải qua một thời kỳ lâu dài, giống người nguyên thủy này dần dần phân tán ra đi tìm thức ăn, sinh sống khắp nơi ở Châu Á, châu Phi, châu Âu, cả ở các đảo trên Thái Bình Dương. Con cháu của họ, trải qua một quá trình sinh sống lâu dài trong những điều kiện tự nhiên xã hội rất khác nhau, đã hình thành các chủng tộc lớn trên thế giới ngày nay. Tây Bán cầu không có di tích của sự xuất hiện loài người, thổ dân ở châu Mỹ là giống người Indiana, nguyên nhân là do người ở miền đông bắc châu Á di cư sang (qua eo biển Bering), cách đây ước chừng một vạn đến một vạn rưỡi năm về trước.
Vì sao người ta có thể biết được chắc chắn là loài người do một loài vượn biến hóa thành? Có những bằng chứng gì cụ thể, chính xác? Những thành tựu của khoa học, đặc biệt trong các ngành khảo cổ học, cổ sinh vật học, địa chất học và nhân loại từ giữa thế kỷ XIX đến nay đã giải đáp dứt khoát vấn đề này.
Khoa học hiện đại đã cung cấp nhiều tài liệu cụ thể, chứng minh rằng giữa loài vượn cổ, tổ tiên của loài người, và con người ngày nay đã từng có một số giống ngườn vượn giao thời, trung gian, nối liền vượn với người kiểu hiện đại.
Năm 1864, Boucher de Perthes, một nhà khảo cổ học nổi tiếng người Pháp, bàn đến lai lịch của những mảnh đá đã được mài đẽo mà ông tìm được ở sâu dưới đất vùng Abbéville ở Pháp. Trong lớp đất sâu ấy còn có những mảnh xương của những loài thú ngày nay đã tuyệt chủng, cùng với những công cụ lao động dùng để đẽo những mảnh đá kia, song người ta chưa tìm thấy xương hóa thạch của con người thuở ấy. Từ đó, những cuộc phát quật khảo cổ được đẩy mạnh ở khắp nơi. Người ta đã tiến hành khai quật, và tìm thấy ngày càng nhiều xương hóa thạch của nhiêu người giống vượn, tổ tiên trực tiếp của con người ngày nay: người vượn Java, người Néanđerrthal, người Cro-Magnon,…
Sự phát hiện xương hóa thạch cùng với công cụ lao động của các giống người nói trên giúp cho chúng ta thấy rõ quá trình hình thành loài người, đồng thời cũng cung cấp cho học thuyết của Darwin và Engels về nguồn gốc loài người những bằng chứng khoa học không thể chối cãi được.
Tóm lại, loài người không phải do Thượng đế hay một đấng siêu nhiên nào tạo ra. Sự xuất hiện của loài người là khâu phát triển cao nhất trong toàn bộ quá trình phát triển của sinh vật. Động lực của sự biến hóa thành người đó là lao động sản xuất. Do cần đảm bảo đời sống, loài người phải lao động và mỗi ngày một cải tiến công cụ. Công việc lao động lại có tác dụng ngược trở lại làm cho cơ thể và trí tuệ con người ngày càng phát triển cao hơn. Bởi vậy, tuy nằm trong cùng một quá trình phát triển chung của sinh vật, nhưng quy luật phát triển của con người và xã hội loài người khác hẳn với mọi sinh vật khác.
Sự xuất hiện của xã hội loài người trên trái đất – LichSu.Org
Theo Chiêm Tế