Vương triều Maurya trong lịch sử Ấn Độ cổ đại

Chandragupta và vương triều Maurya trong lịch sử Ấn Độ

Vương triều Maurya nổi tiếng trong lịch sử Ấn Độ cổ đại được Chandragupta sáng lập sau khi lật đổ vương triều Nanda, tồn tại khoảng từ năm 321 – 184 (TCN).

Sự thành lập vương triều Maurya

Đại bộ phận quân đội Macedonia rút khỏi miền tây bắc Ấn Độ không được bao lâu, thì các bộ tộc Ấn Độ ở những vùng mà Macedonia cho rằng đã định binh xong, đều vùng dậy đấu tranh tự giải phóng rất sôi nổi. Thủ lĩnh của phong trào đó là Chandragupta, người sáng lập ra vương triều Maurya sau này, một trong những vương triều lớn mạnh nhất trong lịch sử Ấn Độ cổ đại .

Theo sử liệu thì cuối thời vương triều Nanda, Chandragupta đã từng giữ một chức quan cao cấp trong triều đình; Chandragupta âm mưu đảo chính lật đổ triều đình Nanda, nhưng công việc bị bại lộ. Chandragupta buộc phải chạy trốn sang Punjab và được học tập ở đây kỹ thuật tác chiến của người Macedonia. Sau khi quân đội Macedonia rút lui, Chandragupta liên kết với các thủ lĩnh bộ lạc vùng núi Himalaya thành lập một đội quân liên minh đánh đuổi người Hy Lạp-Macedonia, giải phóng toàn bộ miền Punjab. Sau đó, Chandragupta thống lĩnh đại quân tiến về phía Đông, đánh chiếm vương quốc Magadha, thống nhất toàn bộ miền Bắc và miền Trung Ấn Độ thành một quốc gia lớn mạnh.

Năm 321 trước Công nguyên, vương triều Nanda bị lật đổ, Chandragupta lập ra vương triều mới – vương triều Maurya nổi tiếng trong lịch sử Ấn Độ cổ đại. Vương triều này thống trị ở Ấn Độ cho tới năm 184 trước Công nguyên.

Tình hình kinh tế - xã hội thời vương triều Maurya
Tình hình kinh tế – xã hội thời vương triều Maurya

Tình hình kinh tế – xã hội thời vương triều Maurya

Về tình hình của vương quốc Maurya, dưới thời thống trị của Chandragupta, chúng ta có thể biết được khá rõ qua những tác phẩm của sứ giả Megasthenes, qua tập Arthashastra (Luận về chính sự) của nhà văn cổ đại Ấn Độ Chanakya (hay còn gọi Kautilya), và qua những bản khắc đá thời vua Ashoka sau đó.

Megasthenes là sứ thần người Hy Lạp đã từng sống lâu năm tại cung đình của Chandragupta ở thủ đô Pataliputra, nên rất am hiểu về tình hình chính trị,sinh hoạt, phong tục, tập quán của người Ấn Độ thời bấy giờ. Những tài liệu ông viết về Ấn Độ đều là những sử liệu có giá trị. Theo Megasthenes, thủ đô Pataliputra là một thành phố lớn và tráng lệ trên sông Hằng, nằm ở chỗ ngã ba sông. Thành dài chừng 15km dọc theo sông và rộng chừng 3km, xung quanh có thành quách và hào sâu bao bọc. Thành quách có đến gần 600 vọng gác và 65 cửa ra vào. Cung điện của nhà vua ở trên một gò cao trong thành với những vườn hoa và vườn bách thảo rất đẹp. Thủ đô Pataliputra tuy xa biển nhưng thuyền bè vẫn có thể ngược dòng  sông Hằng để cập bến tận bến thành. Các cuộc phát quật khảo cổ được tiến hành ở vùng Patna (xưa là Pataliputra) đã chứng thực những lời ghi chép của Megasthenes.

Trong Arthashastra của Chanakya cũng có những đoạn ghi chép rất kỹ tình hình sinh hoạt kinh tế và chính trị của người Ấn Độ thời vương triều Maurya. Chanakya là cận thần của Chandragupta. Tuy có học giả cho rằng tập Arthashastra không phải do Chanakya viết, mà là do người ở thời đại muộn hơn về sau viết, nhưng có điều rất rõ là những sự việc ghi chép trong cuốn sách ấy đã miêu tả tình hình kinh tế và chính trị thời đại vương triều Maurya. Cuốn sách này có bàn đến rất nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn về việc quản lý nhà nước, về chức trách của các bộ, các quan lại, cũng như nhiều vấn đề về ngoại giao, chiến tranh và hòa bình. Sách cũng có miêu tả tình hình sinh hoạt kinh tế của vương quốc Magadha thời bấy giờ.

Theo các sử liệu nói trên thì tình hình kinh tế của Ấn Độ thời vương triều Maurya phát triển thêm một bước. Ngoài những rừng rậm còn chiếm một phần đất đai khá lớn, những miền thuộc lưu vực các con sông lớn đều được khai thác thành những khu vực nông nghiệp trù mật. Nhờ có việc mở mang các công trình thủy lợi như đắp đê điều, đào kênh ngòi, dẫn nước vào ruộng, diện tích cày cấy ngày càng tăng và nhiều loại ngũ cốc mới như lúa chẳng hạn, được trồng một cách phổ biến, nhất là ở miền Đông. Do vai trò ngày càng quan trọng của công tác thủy lợi, nhà nước đã phải lập ra một cơ quan chuyên môn phụ trách riêng về công tác này. Nghề làm vườn và nghề trồng cây ăn quả cũng phát triển mạnh. Việc canh tác nông nghiệp cũng như mọi công trình thủy lợi đều do nông dân công xã làm hết.

Các loại thuế má và sưu dịch đè nặng lên vai những người nông dân công xã. Tầng lớp quan lại đi thu thuế cho nhà nước cứ tróc vào tập thể nông dân công xã và bắt họ phải đóng thuế thân cũng như các thứ thuế khác bằng hiện vật, chủ yếu bằng gạo để đem chất đầy các kho lương của nhà vua. Về sau, tại nhiều vùng, công xã nông thôn cũng tan rã dần, làm cho một số nông dân mất hết mảnh ruộng đất của mình và biến thành kẻ đi cày ruộng cho vương công quý tộc. Một mặt khác, nhà vua đem ruộng đất các công xã ban cấp cho một số tăng lữ và quan lại cao cấp thuộc chủng tinh Bà La Môn và Kshatriya. Số ruộng đất ban cấp lâu ngày bị tầng lớp quý tộc quan lại chiếm hữu làm của riêng.

Sự phát triển của sức sản xuất ở Ấn Độ trong thời kỳ này đã làm cho thủ công nghiệp tách hẳn khỏi nông nghiệp ở một số vùng kinh tế tương đối phát triển. Những người thợ thủ công tự do tập hợp lại thành những tổ chức đặc biệt như kiểu các phường hội thủ công về sau này. Những nghề thủ công phát đạt nhất lúc này là nghề dệt bông, đay, nghề dệt tơ lụa, nghề luyện kim và nghề làm đồ gỗ. Các nghề thủ công cũng dần dần chuyên môn hóa và phần lớn đều tập trung ở thành thị và ngoại ô. Nhiều thành phố do đó trở thành những trung tâm thủ công nghiệp và thương nghiệp quan trọng như Varanasi (nay là Banaras), Sravasti (nay là Shravasti), Rajagaha (nay là Radjia), Pataliputra (nay là Patna). Nhiều con đường giao thông thương mại thủy bộ nối liền các thành thị đó với nhau và đi thông suốt từ Ấn Độ sang các nước khác.

Trên cơ sở nông nghiệp và thủ công nghiệp thành thị phát triển, thương nghiệp lúc này ở Ấn Độ cũng phát đạt, đặc biệt là ngành mậu dịch đối ngoại. Trong tập Arthashastra có nói đến hàng tơ lụa của Trung Quốc đem sang bán ở Ấn Độ được Ấn Độ rất ưa thích. Tài liệu cũng có nhắc đến việc người Ấn Độ sang mua giống ngựa tốt của Ả Rập và miền Trung Á đem về nuôi, điều đó chứng tỏ rằng ngay từ thế kỷ IV trước Công nguyên, Ấn Độ đã có những quan hệ mậu dịch với Trung Quốc, Ả Rập và các nước Trung Á, theo đường bộ lẫn đường biển.

Vương triều Maurya – Lịch sử Ấn Độ cổ đại
– LichSu.Org –

Lịch sử Ấn Độ cổ đại
Lịch sử Ấn Độ cổ đại

Khám phá lịch sử Ấn Độ cổ đại

Ấn Độ là một nước đất rộng, người đông với những thành phần chủng tộc và ngôn ngữ phức tạp. Đây cũng là nơi khởi nguồn của 4 tôn giáo lớn trên thế giới, bao gồm: Ấn Độ giáo, Phật giáo, Jaina giáo và Sikh giáo.

Việc nghiên cứu lịch sử Ấn Độ cổ đại sẽ cho chúng ta cái nhìn toàn cảnh về nơi khởi nguồn của nền văn minh lưu vực sông Ấn cổ đại cùng với sự xuất hiện của những Đế quốc cường thịnh và các tuyến đường mậu dịch thông thương quốc tế.

1 thought on “Vương triều Maurya trong lịch sử Ấn Độ cổ đại”

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.