Chế độ đẳng cấp Varna, bộ luật Manu và đạo Bà La Môn

Chế độ đẳng cấp Varna, bộ luật Manu và đạo Bà La Môn

Chế độ đẳng cấp Varna, bộ luật Manu và đạo Bà La Môn biểu thị cho sự đình trệ, ngăn ngừa sức phản kháng của giai cấp bị áp bức trong xã hội Ấn Độ cổ đại.

1. Chế độ đẳng cấp Varna

Ở thời kỳ Vedic, tại Ấn Độ xuất hiện một chế độ xã hội đặc biệt gọi là chế độ đẳng cấp Varna, cũng gọi là chế độ “chủng tính”. Ở một số nước khác như Ai Cập, Lưỡng Hà cổ đại, tuy cũng có chế độ đó, nhưng không đâu điển hình bằng Ấn Độ.

Chế độ đẳng cấp Varna là một chế độ xã hội dựa trên sự phân biệt về chủng tộc, về dòng họ quý, tiện về nghề nghiệp, về tôn giáo, hình thành trong quá trình người Aryan chinh phục và thống trị người Dravidian, trong quá trình phân hóa xã hội ngày càng sâu sắc giữa quý tộc và thường dân người Aryan.

Người Dravidian là một chủng tộc lớn, có một nền văn minh sớm phát triển. Người Aryan xâm lược lại lạc hậu hơn. Nhìn bề ngoài, hai chủng tộc đó khác nhau rõ rệt. Do chỗ bất đồng về chủng tộc và do quan hệ giữa kẻ chinh phục và người bị chinh phục, sự kỳ thị chủng tộc giữa người người Aryan và người Dravidian rất nghiêm trọng. Việc người Aryan muốn củng cố nền thống trị của mình đối với người Dravidian trình văn hóa vốn cao hơn, là một việc rất khó khăn cho họ. Do đó họ chủ trương củng cố và phát triển chế độ “chủng tính” để áp chế người Dravidian.

Một mặt khác, trong nội bộ người Aryan cũng dần dần xuất hiện sự bất bình đẳng giữa những dòng họ theo nghề nghiệp hoặc tín ngưỡng tôn giáo này và những dòng họ theo nghề nghiệp hoặc tín ngưỡng tôn giáo khác. Về sau, chế độ đó tồn tại rất dai dẳng, tạo nên một hoàn cảnh lịch sử ràng buộc nền kinh tế, xã hội Ấn Độ, không cho nó có thể phát triển nhanh chóng được.

Sự tồn tại của chế độ đẳng cấp Varna biểu thị tính chất đình trệ của xã hội Ấn Độ cổ đại.

Bộ luật Manu Ấn Độ cổ đại
Bộ luật Manu Ấn Độ cổ đại

2. Bộ luật Manu và thần Brahma Ấn Độ cổ đại

Theo bộ luật Manu, người ta phân biệt rất nhiều chủng tính, tựu trung có thể quy thành bốn chủng tính lớn, sắp xếp theo tự trên dưới như sau:

  • Chủng tính Brahmin (hay Brahma), tức là Bà La Môn, gồm tầng lớp tăng lữ của đạo Bà La Môn;
  • Chủng tính Kshatriya, gồm tầng lớp quý tộc, vương công và võ sĩ;
  • Chủng tính Vaicya, gồm đại đa số bình dân người Aryan làm nghề nông, nghề thủ công và nghề buôn;
  • Chủng tính Shudra, gồm đại bộ phận những thổ dân bị người Aryan chinh phục và nô dịch, chủ yếu là người Dravidian không được hưởng quyền lợi gì, căn bản là những kẻ tôi tớ đi làm thuê làm mướn.

Theo thần thoại cổ đại Ấn Độ thì bốn chủng tính trên là do thần Brahma tạo ra và quy định trách nhiệm rành mạch; Bà La Môn có trách nhiệm nghiên cứu và giảng kinh Veda, lo việc tế tự và truyền thụ tri thức; Kshatriya có trách nhiệm học kinh Veda, cai trị và bảo vệ dân, dâng lễ vật cho thần; Vaicya có nhiệm vụ lao động sản xuất nhằm cung cấp mọi thứ cần thiết cho đời sống của Bà La Môn và Kshatriya, ngoài ra, còn phải nộp thuế má, phục vụ lao dịch và binh dịch; còn Shudra thì có bổn phận phục vụ cho ba chủng tính trên, không được kêu ca, oán thán. Trong thần thoại cổ Ấn Độ nói về sự sáng tạo ra thế giới, có câu: lúc đầu Thần tạo ra ba Varna trên và về sau mới tạo ra Shudra và súc vật.

Giữa các chủng tính đó và nhất là giữa ba chủng tính trên với chủng tính Shudra có một sự cách biệt rất nghiêm ngặt. Hôn nhân giữa những người thuộc chủng tính khác nhau bị cấm chỉ, thậm chí vương công, quý tộc thuộc chủng tính Kshatriya không được lấy con gái thuộc chủng tính Bà La Môn làm vợ. Tuy vậy, người thuộc chủng tính trên có thể lấy vợ thuộc chủng tính dưới. Con cái do sự kết hôn phi pháp giữa người thuộc chủng tính khác nhau mà sinh ra bị coi là không trong sạch và bị giáng xuống chủng tính hèn hạ nhất trong xã hội. Pháp luật phân biệt và luôn luôn bảo vệ quyền lợi của những chủng tính trên.

Ví dụ, theo bộ luật Manu, thì giết một người Shudra chỉ bị xử phạt bằng 1/6 tội giết chết một người Bà La Môn, giết một người Vaicya bị xử bằng 1/4. Giết người Bà La Môn bị coi là một tội rất nặng, ngoài việc bị xử tội hình, còn có thể bị xử phạt tiền chuộc tội nữa. Bà La Môn được coi là người của thần, địa vị xã hội rất cao, thân thể bất khả xâm phạm, dù họ có phạm tội gì nặng đến mấy đi nữa cũng không thể bị xử tử hình được. Nhưng nếu ai xúc phạm đến người Bà La Môn thì bị xử phạt hết sức tàn khốc, nhất là người Shudra mà phạm vào tội này thì sẽ bị cắt lưỡi, lấy dùi nung đỏ đâm vào mồm hoặc rót dầu sôi vào tai. Những người thuộc chủng tính khác mà phạm tội này thì bị xử bằng hình phạt khác nhau, nặng hay nhẹ thùy theo người phạm tội thuộc chủng tính dưới hay chủng tính trên.

Luật pháp còn bắt buộc người thuộc các chủng tính dưới phải tôn trọng và phục tùng vô điều kiện người thuộc chủng tính Bà La Môn. Có điều luật nói: Nếu một người Bà La Môn chỉ mới lên năm tuổi nói chuyện với một người Shudra già trăm tuổi, thì người Shudra vẫn phải có thái độ cung kính như con đối với cha. Vì rằng theo luật Manu, “ưu tú nhất trong mọi sinh vật là loại động vật, ưu tú nhất trong loại động vật là giống động vật có lý tình, ưu tú nhất trong động vật có lý tình là con người, và ưu tú nhất trong loài người là Bà La Môn. Bà La Môn sinh ra sớm nhất và có hiểu biết về kinh Veda, nên cần phải thống trị toàn thế giới”.

Nói chung, pháp luật bảo vệ lợi ích của các chủng tính trên, chống những hành vi xúc phạm của những chủng tính dưới. Luật Manu quy định: người thuộc chủng tính dưới dùng tay hay chân để làm bị thương người chủng tính trên thì tay hay chân đó phải bị chặt. Trong mọi trường hợp, ở mọi lĩnh vực, quyền lợi của chủng tính Shudra bị hy sinh một cách không thương tiếc. Sinh mệnh của họ không được đảm bảo một chút nào. Họ sống trong điều kiện rất khổ sở. Dù họ có là dân tự do đi nữa thì trên thực tế, họ cũng không khác với nô lệ mấy. Nhất là hoàn cảnh của bộ phận người Shudra mà ở Ấn Độ gọi là Chandala (ở hạ lưu sông Hằng) và Pariah [*] (ở vùng Deccan) thì vô cùng khổ sở. Chandala và Pariah là những người do đàn bà thuộc chủng tính Bà La Môn lấy đàn ông người Shudra mà sinh ra. Hạng người này trong xã hội bị coi là những kẻ ô nhục, đáng nguyển rủa. Bộ luật Manu nói về họ như sau: nhà ở của họ phải làm ngoài lăng, họ phải dùng những đồ dùng giống như đồ dùng cho chó và lừa; họ phải ăn bằng bát mẻ; thức ăn của họ phải do người khác đặt vào bát mẻ đưa tới cho họ; ban đêm họ không được đi lại trong làng; người làm nghề tôn giáo không được đi lại với họ, họ chỉ có thể lấy người cùng tầng lớp với họ và chỉ có thể làm một số công việc bị coi là hèn hạ nhất.

Sự phân biệt giữa các chủng tính như vậy là rất khắc nghiệt, khó lòng vượt qua được bức tường ngăn cách chủng tính này với chủng tích khác. Đôi khi cũng có những trường hợp thay đổi thành phần chủng tính, nhất là giữa hai chủng tính trên, nhưng đó là những trường hợp cá biệt, hãn hữu. Chủng tính của mỗi người cũng như thân phận của họ nói chung đã định sẵn từ khi lọt lòng mẹ và suốt đời không thể cải biến thành phần. Những người ở chủng tính khác nhau lại không được cùng ngồi, cùng đi với nhau nữa. Đó là một chế độ xã hội hết sức bất công và đầy tội ác, kìm hãm sự phát triển của xã hội Ấn Độ cổ đại. Tàn dư của nó kéo dài mãi về sau này trong suốt cả thời đại phong kiến Ấn Độ dưới hình thức chế độ đẳng cấp Caste và cho đến tận ngày nay vẫn còn.

Cơ sở của chế độ đẳng cấp Varna là sự bất bình đẳng và áp bức, bóc lột đã xuất hiện và phát triển trong xã hội chiếm hữu nô lệ tảo kỳ ở Ấn Độ. Nhưng một khi chế độ đó đã hình thành rồi, thì nó được coi như là một trật tự xã hội vĩnh cữu, là kết quả của ý muốn của thần thánh và như vậy là nó được người ta tìm cho nó một cơ sở lý luận tôn giáo. Theo những tín ngưỡng tôn giáo phổ biến nhất thời bấy giờ thì vị thần sáng tạo ra vạn vật là Brahma. Chính đấng tối cao đó đã sinh chủng tính Bà La Môn từ miệng của thần ra, chủng tính Kshatriya từ tay ra chủng tính Vaicya từ bụng ra và chủng tính Shudra từ chân ra.

Đạo Bà La Môn thờ thần Brahma
Đạo Bà La Môn thờ thần Brahma

3. Đạo Bà La Môn ở Ấn Độ

Những tín ngưỡng tôn giáo xuất hiện ở đầu thiên niên kỷ I trước Công nguyên trong xã hội chiếm hữu nô lệ tảo kỳ Ấn Độ, coi thờ thần Brahma là thần sáng tạo ra vạn vật, thường được gọi chung là đạo Bà La Môn (Brahmanism). Thực chất của đạo này là một thứ tôn giáo nhằm bào chữa cho tình trạng bất bình đẳng trong xã hội.

Giáo lý của đạo Bà La Môn ra sức thuyết phục mọi người tin rằng những đau khổ ở trên đời này chỉ là tạm thời và không đáng quan tâm, vì cuộc đời này là huyền ảo. Chỉ có Brahma, đấng tối cao, chúa tể của vũ trụ, là có thật. Nếu người ta bị khổ sở thì đó là vì kiếp trước mắc nhiều tội lỗi, vì phạm luật Dharma do thần ban ra. Người bị áp bức chỉ có thể hy vọng kiếp sau sẽ đầu thai vào một Varna cao hơn bằng cách theo cho đúng luật Dharma, nghĩa là phải ra sức làm việc không kêu ca, phải biết thân phận, biết nhẫn nhục, không ganh ghét quý tộc và người giàu. Đó tức là thuyết luân hồi (Karma) của đạo Bà La Môn mà sau này đạo Phật đã tiếp thu.

Rõ ràng, đây là một thứ giáo lý nhằm mục đích thủ tiêu đấu tranh giai cấp, ngăn ngừa mọi sự phản kháng chế độ áp bức, bóc lột, duy trì trật tự xã hội đương thời.

Chế độ đẳng cấp Varna, bộ luật Manu và đạo Bà La Môn – Lịch sử Ấn Độ cổ đại
– LichSu.Org –

Ghi chú: [*] Pariah: tiếng Pháp là Paria. Hồ Chủ Tịch đã lấy tên lớp người cùng khổ sau này để đặt tên cho tờ báo Le Paria (Người cùng khổ) do Người sáng lập ra năm 1922 ở Pháp trong thời kỳ hoạt động cách mạng ở nước ngoài.

Khám phá lịch sử Ấn Độ cổ đại

Ấn Độ là một nước đất rộng, người đông với những thành phần chủng tộc và ngôn ngữ phức tạp. Đây cũng là nơi khởi nguồn của 4 tôn giáo lớn trên thế giới, bao gồm: Ấn Độ giáo, Phật giáo, Jaina giáo và Sikh giáo.

Việc nghiên cứu lịch sử Ấn Độ cổ đại sẽ cho chúng ta cái nhìn toàn cảnh về nơi khởi nguồn của nền văn minh lưu vực sông Ấn cổ đại cùng với sự xuất hiện của những Đế quốc cường thịnh và các tuyến đường mậu dịch thông thương quốc tế.

1 thought on “Chế độ đẳng cấp Varna, bộ luật Manu và đạo Bà La Môn”

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.