Cục diện Ngũ bá thời Xuân thu [Lịch sử Trung Quốc cổ đại]

Cục diện Ngũ bá thời Xuân thu

Cục diện Ngũ bá thời Xuân thu trong lịch sử Trung Quốc là thời kỳ mà năm nước chư hầu lớn gồm: Tề, Tấn, Sở, Ngô, Việt lần lượt thay nhau tranh ngôi bá chủ.

Đến thời Xuân thu, nhiều nước chư hầu mượn tiếng ủng hộ địa vị tông chủ của nhà Chu, đề ra khẩu hiệu “tôn vương, bài Di” đã mở rộng thế lực và đất đai, thay nhà Chu chiếm lấy bá quyền, vì thế các chư hầu gây chiến tranh thôn tính liên miên. Về sau, ở một số nước chư hầu lớn, tầng lớp công khanh, sĩ, đại phu cũng tranh giành lẫn nhau, thậm chí chia cắt đất đai của chư hầu, mở rộng đất đai của mình: thế là mở đầu thời kỳ các nước lớn tranh nhau bá quyền.

Đại để là các nước ở miền Sơn Đông thì bị Tề thôn tính; các nước ở miền Tây Bắc (gồm cả căn cứ địa ngày trước của nhà Chu) thì bị Tần thôn tính; các nước ở Hà Bắc, Sơn Tây thì bị Tấn thôn tính; các nước ở miền Giang, Hán, Hoài, Nhữ thì bị Sở thôn tính. Những nước chưa bị thôn tính cũng rất suy nhược, nhưng chỉ vì ở vào thế hoãn xung giữa hai nước lớn nên được tạm thời giữ lại. Vì thế, nếu đầu thời Chu có vào khoảng trên dưới một nghìn nước chư hầu, thì đến thời Xuân thu chỉ còn lại hơn trăm nước, và tương đối lớn thì chỉ có mười bốn nước: Tần, Tấn, Tề, Sở, Lỗ, Vệ, Yên, Tào, Tống, Trần, Thái, Trịnh, Ngô, Việt, trong đó lớn mạnh nhất là Tề, Tấn, Tần, Sở, Tống, về sau có Ngô và Việt.

Tề là nước phát triển sớm hơn hết, nhờ có địa thể thuận lợi là nằm ở vùng ven biển thuộc tỉnh Sơn Đông ngày nay, đất đai lại phì nhiêu, có nghề làm muối và đánh cá, có nhiều mỏ quặng. Tề lợi dụng những điều kiện tự nhiên thuận lợi đó để phát triển nông nghiệp, ngư nghiệp, nghề dệt lụa, làm muối và luyện sắt. Hàng lụa, muối và cá của Tề chỉ đi bán ở nhiều nước khác. Giữa thế kỷ VII trước Công nguyên, dưới đời Tề Hoàn công (683 – 643 trước Công nguyên), nhờ thực hành một loạt cải cách của Quản Trọng, một nhà chính trị lỗi lạc thời đó, nên nước Tề cường thịnh lên rất nhanh chóng rồi tự xưng bá ở vùng Trung Nguyên.

Về đối nội, Quản Trọng chủ trương tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, giảm nhẹ sự đóng góp của người dân. Về đối ngoại thì phát động chiến tranh, chiếm cứ các nước nhỏ, cướp đoạt rất nhiều ruộng đất và của cải. Nước Tề lại lợi dụng khầu hiệu “tôn vương, bài Di” đề giành lấy quyền bóc lột của nước lớn đối với các nước nhỏ, gây uy tín đối với các nước khác. Nhờ vậy mà Tề lôi kéo được các nước chư hầu khác, cùng với mình liên hiệp đánh lùi nhiều cuộc tấn công xâm lược của các bộ lạc ở phía Bắc và phía Nam, thường vào cướp bóc và giày xéo vùng Trung Nguyên. Chính sách cải cách của Quản Trọng thật sự đã bồi dưỡng thực lực và nâng cao uy tin của nước Tề, giúp cho Tề Hoàn công trở thành bá chủ của các chư hầu.

Sau nước Tề thì đến lượt nước Tấn tranh ngôi bá chủ. Nước Tấn ở tỉnh Sơn Tây và những vùng lân cận thuộc các tỉnh Hà Bắc, Sơn Đông, Hà Nam, Thiểm Tây ngày nay, đất đai rộng lớn. Dưới đời Tấn Văn công (636 – 628 trước Công nguyên), nước Tấn đánh bại được quân nước Sở, thanh thế rất lớn, không bao lâu lại tranh được ngôi bá với Tề.

Trong thời kỳ nước Tấn xưng bá, nước Tần ở phía Tây tích cực hấp thụ văn hóa tiến bộ từ miền Trung Nguyên sang, phát triển sản xuất nông nghiệp, dần dần thôn tính các bộ lạc du mục lân cận, trở thành một nước lớn ở phía tây. Đến đời Tần Mục công (nửa sau thế kỷ VII trước Công nguyên), thì Tần đã xưng bá ở Tây Nhung. Tần luôn luôn muốn phát triển sang phía Đông nhưng lần nào cũng bị Tấn chặn lại. Hai nước Tấn, Tần đánh nhau nhiều lần, hai bên đều có lúc thắng, lúc bại.

Đến lượt Sở là một nước ở phía Nam, thuộc lưu vực Giang Hán và hồ Động Đinh. Từ thế kỷ VII trước Công nguyên trở đi, nước Sở đã thôn tinh mấy chục nước nhỏ ở lưu vực Trường Giang và lưu vực sông Hoài, trở thành một nước lớn, đất đai rộng nhất, nhân khẩu đông nhất ở phía Nam, đe dọa các nước ở lưu vực Hoàng Hà, chủ yếu là nước Tấn.

Cuối thế kỷ VI, đầu thế kỷ VI, hai nước Tấn, Sở đánh nhau liên miên đề tranh giành bá quyền. Nhiều nước khác bị lôi kéo vào vòng chiến tranh. Nước Lỗ và nước Vệ ở lưu vực Hoàng Hà phục tùng nước Tấn; nước Trần và nước Thái ở lưu vực sông Hoài thì phục tùng nước Sở; nước Trịnh và nước Tống nằm ở giữa Tấn và Sở có lúc thì theo Sở có lúc thì theo Tấn. Nước Tề và nước Tần có thế lực hơn thì nói chung là giữ thái độ trung lập, nhưng Tề thì thường đứng về phía Tấn, mà Tần thì thường đứng về phía Sở. Mãi đến năm 597 trước Công nguyên, đời Sở Trang vương, xảy ra trận chiến đấu quyết định ở Trịnh Châu (Hà Nam) giữa Tấn Cảnh công và Sở Trang vương. Tấn thất bại, Sở trở nên cực thịnh, giành được ngôi bá chủ vùng Trung Nguyên.

Sau khi tạm chấm dứt chiến tranh giành bá quyền, kinh tế ở vùng hạ lưu Trường Giang và lưu vực sông Tiền Đường phát triển mạnh. Tình hình đó tạo điều kiện cho hai nước Ngô, Việt cường thịnh lên ở miền Đông Nam. Hai nước đó lại đấu tranh kịch liệt với nhau và đều có tham vọng phát triền lên phía bắc Trường Giang, tranh bá với các nước phương Bắc.

Lúc đầu, vua nước Ngô là Phù Sai đánh bại nước Sở, nước Việt, tiến lên phía Bắc, tấn công nước Tấn. Thời đó Tấn đã suy nhược đành phải nhượng bộ. Thế lực của Ngô rất mạnh. Nhưng gần mười năm sau thì vua nước Việt là Câu Tiễn diệt được Ngô (473 trước Công nguyên), vượt sông Hoài, gặp chư hầu ở Từ Châu. Việt trở thành nước lớn nhất ở miền Đông Nam.

Năm 334 trước Công nguyên, nước Việt bị Sở diệt, thì lúc ấy đã là thời Chiến quốc rồi. Cục diện thời Xuân thu thường gọi là cục diện Ngũ bá, có nghĩa là năm nước lớn lần lượt tranh ngôi bá chủ.

Cục diện Ngũ bá thời Xuân thu
Lịch sử Trung Quốc cổ đại
– LichSu.Org –

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.