Khám phá di chỉ văn hóa Hoa Lộc ở Thanh Hóa

Nền văn hóa Hoa Lộc

Di chỉ văn hóa Hoa Lộc ở Thanh Hóa phần nào giúp chúng ta hiểu hơn về đời sống cũng như đặc điểm của những bộ lạc người nguyên thủy xưa kia.

Ngoài các bộ lạc Phùng Nguyên ở lưu vực sông Hồng, trên đất nước Việt Nam còn có những bộ lạc khác cũng đã tiến vào thời đại đồ đồng. Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy di tích của một nhóm bộ lạc nguyên thủy phân bố ở vùng bờ biển các huyện Hậu Lộc và Nga Sơn tỉnh Thanh Hóa. Di chỉ tiêu biểu là Hoa Lộc (thuộc Hậu Lộc, Thanh Hóa) đã được khai quật lớn. Vì thế, nền văn hóa khảo cổ ở đây được đặt tên là văn hóa Hoa Lộc (còn có tên gọi là Cồn Sau Chợ).

1. Các hoạt động kinh tế của người nguyên thủy Hoa Lộc

Các bộ lạc Hoa Lộc sống gần bờ biển. Xương cá biển cùng với chì lưới tìm thấy nhiều trong di chỉ Hoa Lộc chứng tỏ đánh cá là một hoạt động kinh tế quan trọng ở các bộ lạc này. Qua các xương răng thú rừng còn lại trong di chỉ, chúng ta biết rằng chủ nhân của văn hóa này còn là những người săn bắn. Ngoài ra, họ cũng đã nuôi chó, bò, lợn. Xương các động vật nhà này tìm thấy trong nơi cư trú.

Các bộ lạc Hoa Lộc có một nền nông nghiệp dùng cuốc phát triển. Di chỉ Hoa Lộc là một địa điểm tìm được số lưỡi cuốc đá nhiều hơn tất cả những địa điểm đã biết ở Việt Nam từ trước đến nay. Những lưỡi cuốc đá ở Hoa Lộc có chuôi tra cán dài hơn lưỡi cuốc đá của nền văn hóa Bàu Tró và có rìa lưỡi cong hơn.

Khác với chủ nhân văn hóa Phùng Nguyên, các bộ lạc Hoa Lộc dùng nhiều rìu và bôn bằng đá có vai. Rìu và bôn có vai ở Hoa Lộc được mài nhẵn, vuông vắn và vai thường ngang, đó cũng là những điểm phân biệt với văn hóa Bàu Tró. Ở Hoa Lộc, cũng tìm được những chiếc bôn có vai có nấc nhưng không nhiều như trong văn hóa Hạ Long.

Sau khi khai quật hàng nghìn mét vuông ở các di chỉ văn hóa Hoa Lộc các nhà khảo cổ học đã tìm thấy được vài vật bằng đồng, có thể là dùi đồng hay dây đồng, trong tầng văn hóa. Những dấu vết nhỏ bé này nói lên rằng chủ nhân văn hóa Hoa Lộc đã biết đến kim loại.

Đồ gốm Hoa Lộc
Đồ gốm Hoa Lộc

2. Đồ gốm Hoa Lộc

Chủ nhân văn hóa Hoa Lộc cũng có một kỹ thuật chế tác phát triển cao. Họ đã làm nhiều công cụ và đồ trang sức bằng đá rất đẹp. Nhưng mặt nổi bật ở các bộ lạc Hoa Lộc là nghệ thuật làm đồ gốm của họ. Đồ gốm văn hóa Hoa Lộc rất độc đáo cả về kiểu dáng và hoa văn trang trí. Ngoài những nồi, vò có hình dáng thông thường, người thợ gốm Hoa Lộc còn nặn những chiếc bình có vai gãy, có miệng gấp vào trong, hay đặc biệt hơn, có miệng hình nhiều cạnh, tứ giác hay gần bát giác. Đó là những dáng ít gặp ở các văn hóa khác.

Gốm Hoa Lộc được trang trí rất đẹp. Đồ án trang trí thường gồm những đường cong, phảng phất phong cách Phùng Nguyên, nhưng cách tạo hoa văn thì hoàn toàn khác. Nếu trong văn hóa Phùng Nguyên họa tiết hoa văn là những dải mang những đường chấm dày uốn lượn trên nền trơn, thường được miết bóng, thì trong văn hóa Hoa Lộc, bản thân hoa văn lại là những dải thoáng đãng, để trơn, hay có những nhóm chấm, còn nền của hoa văn lại phủ dầy những đường sóng nhỏ li ti, sít nhau, đều đặn, được tạo nên bằng cách ấn miệng vỏ một loại sò biển. Như vậy là nền của hoa văn được làm một cách công phu còn hơn cả bản thân hoa văn. Cách trang trí độc đáo này đã làm cho gốm Hoa Lộc trở nên khác biệt với đồ gồm trong các văn hóa khác.

Một đặc điểm của văn hóa Hoa Lộc là sự có mặt của rất nhiều con dấu bằng đất nung hình chữ nhật, hình tròn hay hình bầu dục. Mặt con dấu thường là những hình chữ S hay hồi văn nối liền nhau làm thành mạng hoa văn và được khắc rất sâu. Những con dấu này gần giống với những con dấu đất nung được phát hiện trong nhiều di chỉ từ Ấn Độ đến Balkan, thuộc nhiều thời kỳ khác nhau, từ đá mới đến đồ đồng. Những con dấu này có lẽ được dùng để in lên vải hơn là để in lên đồ gốm.

Di chỉ khảo cổ học Hoa Lộc, được phát hiện cuối tháng 11/1973, cho đến nay đã trải qua 5 lần khai quật. Các lần khai quật lần lượt diễn ra vào các năm 1974, 1975, 1976, 1982 và 2017. Có thể nói từ khi phát hiện, khai quật và nghiên cứu đến nay, văn hóa Hoa Lộc đã khẳng định được vị trí của nó, trong hệ thống các nền văn hóa khảo cổ học trên đất nước ta. Văn hóa Hoa Lộc với những đặc trưng văn hóa riêng đã góp phần làm sáng tỏ các nguồn hợp tạo nên văn hóa Đông Sơn ở lưu vực sông Mã, một hợp nguồn tạo dựng văn minh Việt cổ buổi đầu thời dựng nước của dân tộc Việt Nam.

 

Các nền văn hóa Việt Nam thời nguyên thủy
Các nền văn hóa Việt Nam thời nguyên thủy

Các nền văn hóa Việt Nam thời nguyên thủy

Để hiểu hơn về lịch sử dân tộc và đời sống của người nguyên thủy ở Việt Nam, ngoài văn hóa Hoa Lộc nói trên các bạn có thể tìm hiểu thêm về các nền văn hóa khác được hình thành trên đất nước ta qua từng giai đoạn với những đặc trưng khác nhau mà LichSu.org chia sẻ dưới đây:

  1. Văn hóa Sơn Vi
  2. Văn hóa Hòa Bình
  3. Văn hóa Bắc Sơn
  4. Văn hóa Quỳnh Văn
  5. Văn hóa Đa Bút
  6. Văn hóa Hạ Long
  7. Văn hóa Bàu Tró
  8. Văn hóa Phùng Nguyên
  9. Các nền văn hóa nguyên thủy khác

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.