Các nền văn hóa của người nguyên thủy ở Việt Nam

Các nền văn hóa của người nguyên thủy ở Việt Nam

Các nền văn hóa của người nguyên thủy ở Việt Nam được các nhà khảo cổ học phân tích dựa trên các di chỉ tìm thấy được phân bố ở nhiều nơi.

Nền văn hóa nguyên thủy ở các khu vực vùng núi Việt Bắc

Ở vùng núi Việt Bắc, dấu vết của cư dân nguyên thủy thời kỳ này thường tìm thấy trong các hang động đá vôi, trên lớp chứa di tích văn hóa Bắc Sơn. Cũng có hang chỉ có di tích của con người thời kỳ này như hang Ba Xã (Lạng Sơn). Hang này cao hơn mặt ruộng ở chân núi tới 108m. Tầng văn hóa dày đến 1,3m. Ở đây đã tìm thấy nhiều chiếc rìu tứ giác và rìu có vai có kích thước nhỏ, mài nhẵn, lưỡi sắc. Có những chiếc đục nhỏ, dài, hình chữ nhật.

Qua những công cụ này, chúng ta biết rằng kỹ thuật chế tác đá ở đây đã phát triển rất cao. Kỹ thuật cưa đá đã phổ biến. Với kỹ thuật khoan, có thể là khoan tách lõi, người nguyên thủy Việt Nam ở Ba Xã đã tạo được chiếc vòng đá lớn và đẹp, có đường kính trong 80mm và đường kính ngoài 92mm. Đặc biệt trong hang cao trên núi như vậy, lại tìm được nhiều đồ trang sức bằng vỏ các loại ốc biển. Đó là các vỏ ốc Cypraea hay Nassa được mài thủng phần lưng để xâu dây, những khuyên tai tròn, mài tử mảnh vỏ ốc Conus, có khe hở và rất nhiều hạt chuỗi nhỏ, bằng vỏ ốc hay bằng đốt xương sống cá. Những vỏ ốc biển đó rõ ràng  phải được trao đổi qua một con đường khá xa mới có thể đến tay những người dân vùng này. Trong hang, còn tìm được một số mảnh gốm có dấu thừng và một dọi xe chỉ bằng đất nung.

Hang Mai Pha gần thành phố Lạng Sơn lại có những đồ gốm độc đáo. Có loại hình tròn, cổ eo, miệng loe, có loại hình có quai uốn từ miệng xuống thân, trông mềm mại, đẹp mắt. Trên các bình này đều có dấu thừng đều đặn dọc từ cổ xuống. Một số mảnh đồ đựng còn giữ lại cái núm có xuyên lỗ ở giữa, có vành chân đế được trang trí bằng đồ án vạch chìm và trổ lỗ. Đồ án phổ biến là những hình hoa thị nối liền nhau, hoa có bốn cánh cân đối, ở giữa và trên cánh thường có lỗ thủng.

Rìu đá mài tứ giác hay có vai tìm được khắp các tỉnh từ Cao Bằng đến Hoàng Liên Sơn. Trong số công cụ đá thời kỳ này ở vùng Cao Bằng, thường gặp một số bôn có vai có nấc. Phải chăng những chiếc bôn kiểu này, cùng với những đồ gốm có chân đế trổ lỗ, đã nói lên một mối quan hệ nào đó giữa các bộ lạc đá mới hậu kỳ vùng này với các bộ lạc vùng biển Quảng Ninh? Tuy nhiên, những chiếc bôn có vai có nấc ở Cao Bằng cũng có những nét khác biệt so với bôn có nấc của văn hóa Hạ Long. “Nấc” ở những chiếc bôn Cao Bằng là một bậc thẳng ngang với vai, còn “nấc” ở bôn Hạ Long thì chạy theo cung tròn.

Văn hóa nguyên thủy ở Việt Nam
Văn hóa nguyên thủy ở Việt Nam

Nền văn hóa của người nguyên thủy ở Việt Nam trong các khu vực vùng núi Tây Bắc

Ở khu Tây Bắc, dấu vết của người nguyên thủy giai đoạn này cũng đã tìm thấy rải rác ở một vài nơi ở Sơn La. Một số di tích và di vật lẻ tẻ, nhưng đáng chú ý, đã được phát hiện trong vùng Tây Bắc. Chẳng hạn, trong hang Nậm Tun (thuộc Phong Thổ, Lai Châu), tìm thấy ba ngôi mộ mà các nhà khảo cổ học cho là thuộc hậu kỳ thời đại đá mới. Trong một mộ, có một chiếc nồi có đáy gãy cao, vai xuôi, trang trí những đường cong kép hình chữ X. Ở hang Cỏ Lằm (Mộc Châu, Sơn La), tìm thấy được những đồ gốm có hoa văn ấn lõm tròn hay bầu dục. Ở một di chỉ ngoài trời là Sập Việt (thuộc Yên Châu, Sơn La), cũng tìm được những đồ gốm có hoa văn như thế bên cạnh loại đồ gốm có hoa văn dán theo hình nụ đính trên giao điểm các đường vạch chìm. Ở lớp trên của hang Nậm Tun, có nhiều mũi nhọn bằng xương với các kiểu dáng khác nhau, có chiếc hai đầu đều nhọn, có chiếc một đầu nhọn một đầu dẹt. Những công cụ bằng xương này cũng được coi là có niên đại hậu kỳ đá mới.

Các di tích hậu kỳ đá mới ở khu vực Tây Bắc chưa được nghiên cứu có hệ thống nhưng nhìn chung, chúng ta cũng có thể thấy được rằng vào thời kỳ này, các bộ lạc nguyên thủy ở khu vực này cũng đã có trình độ về kinh tế và kỹ thuật tương đương với các vùng khác trên đất nước.

Nền văn hóa nguyên thủy ở các hang động núi đá vôi dọc Trường Sơn

Dấu vết của các bộ lạc hậu kỳ thời đại đá mới để lại nhiều trong các hang động núi đá vôi dọc Trường Sơn.

Ở vùng giáp giới giữa Quỳ Châu (Nghệ An) và Thường Xuân (Thanh Hóa), đã phát hiện được một số hang động như Thẩm Xé Muôn, Thẩm Phong, Thẩm Ké Pang, Nà Thẩm, Thẩm Tiên, chứa di tích của người nguyên thủy thời kỳ này. Trong các hang động ấy, đã tìm thấy nhiều rìu đá hình tứ giác hay có vai mài hoàn toàn bên cạnh những đồ trang sức như vòng tay, khuyên tai bằng đá và vỏ ốc biển xuyên lỗ. Đồ gốm ở các hang này rất phong phú. Trên đồ gốm, ngoài hoa văn dấu thừng, phổ biến là loại hoa văn khắc vạch, thường được vẽ bằng cái que có hai hay ba răng, như những đường hình sóng, đường cong nửa vòng tròn, đường thẳng ngang hay dọc… Cũng có một số hoa văn ô trám, hình sóng chéo thành hình số 8, hoa văn xoắn ốc hay hình chữ S. Người nguyên thủy ở Việt Nam còn trang trí bằng cách in lên đồ gốm những vòng tròn rất nhỏ. Đã tìm thấy một số dọi xe chỉ bằng đất nung.

Các bộ lạc sống ở miền núi phía tây Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế cũng có một trình độ kỹ thuật chế tác đá và chế tác gốm giống với các bộ lạc miền tây Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Dấu vết của các bộ lạc này đã tìm thấy trong một số hang núi như Hang Rào, Khe Tong, Minh Cầm. Những mảnh tước đá cùng với những phác vật rìu (là những chiếc rìu mới được ghè đẽo thành hình dáng chứ chưa được mài) tìm được trong các hang này nói lên rằng người nguyên thủy chế tác công cụ ngay trong hang. Họ đã dùng những chiếc rìu tứ giác hay có vai được mài nhẵn. Cũng có công cụ bằng xương có mũi nhọn.

Trong số đồ gốm của họ, thường gặp loại nồi thấp, bụng tròn, miệng loe, mặt ngoài in dấu thừng. Trên nền dấu thừng, người nguyên thủy dùng cái que có hai hay ba răng vạch thành hoa văn hình sóng nước, hình ô trám hay hình gân lá. Ở hang Minh Cầm, đã tìm thấy loại nồi cổ eo, xung quanh cổ có tô một dải thổ hoàng đỏ. Đồ trang sức ở hang Minh Cầm đặc biệt phong phú. Ngoài những vỏ ốc xuyên lỗ, ở đây tìm được vô số những vòng vỏ sò, ở giữa xuyên lỗ, có vòng to gần bằng đồng xu, có vòng nhỏ li ti. Còn có cả hoa tai bằng vỏ sò đục lỗ một đầu, hạt chuỗi bằng đá xanh và hoa văn hình sáu cạnh bằng ngà. Hang Minh Cầm là một mộ táng. Trong hang có nhiều xương người và sọ một em bé. Có lẽ đồ trang sức tìm thấy nhiều ở đây là được chôn theo người chết.

Trong các hang động nói trên, có nhiều xương thú rừng như tê giác, gấu, hươu, nai, hoẵng, lợn, nhím, khỉ, vượn… Điều đó nói lên rằng săn bắn còn có một vai trò lớn trong đời sống của các bộ lạc vùng này. Bên cạnh săn bắn là hái lượm. Trong hang, vỏ ốc nước ngọt và vỏ ốc núi chất thành đống lớn. Có lẽ trong các bộ lạc vùng núi, săn bắt chiếm một vị trí quan trọng hơn là các bộ lạc vùng đồng bằng và ven biển. Tuy vậy, cũng như các bộ lạc Bàu Tró, nông nghiệp dùng cuốc hay dùng gậy chọc lỗ đã phát triển ở các bộ lạc vùng núi.

Cuộc sống của người nguyên thủy Việt Nam
Cuộc sống của người nguyên thủy Việt Nam

Nền văn hóa của người nguyên thủy ở Việt Nam trong khu vực Bàu Cạn

Ở Tây Nguyên, các bộ lạc nông nghiệp hậu kỳ đá mới đã để lại dấu vết trong những nơi cư trú ngoài trời. Ở Bàu Cạn (thuộc Chư Prông, Gia Lai), người ta đã tìm thấy trong nơi ở của người nguyên thủy những chiếc rìu hay bôn, tứ giác hay có vai, được mài rất đẹp. Những công cụ này thường có kích thước lớn hơn so với các công cụ cùng loại ở các khu vực khác. Một số có thân cong, có lẽ được dùng làm công cụ xới đất hơn là công cụ chặt đẽo. Ở địa điểm Drai Xí (thuộc M’gar, Đắk Lắk), bên cạnh rìu đá, dao đá, bàn mài và đồ gốm, đã tìm được những chiếc cuốc đá dài trong khoảng 20-30cm, rộng 5-7cm, thân dày và cong, không có chuôi tra cán. Những chiếc cuốc này có hình dạng khác hẳn loại cuốc trong văn hóa Bàu Tró, nhưng chức năng xới đất của chúng thì không nghi ngờ gì nữa. Mặc dầu chưa nghiên cứu đầy đủ, chúng ta cũng có thể nhận thấy rằng các bộ lạc vùng Tây Nguyên vào cuối thời kỳ đá mới có một nền văn hóa vật chất với những sắc thái riêng, phân biệt so với các vùng khác.

Nền văn hóa nguyên thủy Cầu Sắt

Trong khu vực sông Đồng Nai, di chỉ Cầu Sắt (thuộc Xuân Lộc, Đồng Nai) được coi là thuộc hậu kỳ thời đại đá mới. Năm 1976, khi khai quật di chỉ này, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy được nhiều đồ đá và đồ gốm. Rìu và bôn đều làm bằng đá bazan khai thác tại chỗ, hầu hết được mài toàn thân, nhưng vẫn còn một vài dấu đẽo. Trong số rìu bôn có vai, hơn 70% có vai xuôi. Trong số rìu bôn không có vai thì hơn 70% có hình gần tam giác, đốc nhọn, lưỡi xòe rộng, mặt cắt ngang hình bầu dục dẹt. Rìu vai xuôi và rìu tam giác là các loại công cụ đặc trưng cho Cầu Sắt.

Bên cạnh rìu và bôn là những chiếc đục nhỏ, được ghè đẽo hay được mài. Đặc biệt là có khá nhiều chiếc dao đá (50 chiếc trong 320m2) hình bán nguyệt, lưỡi cong và sống thẳng, phần lớn được mài nhẵn. Có khả năng đó là những con dao gặt lúa.

Phần lớn đồ gốm ở Cầu Sắt được làm bằng bàn xoay. Một số được nặn bằng tay. Loại đồ gốm đặc trưng cho di chỉ Cầu Sắt là những chiếc cốc và những chiếc bát cao có thành mỏng làm bằng đất sét trắng.

Kết luận

Nhìn chung, vào giai đoạn cuối của thời đại đá mới, trên khắp mọi miền của đất nước đã tụ cư nhiều nhóm bộ lạc trồng lúa, có kỹ thuật làm đồ đá và đồ gốm gần tương tự nhau. Nhờ có nông nghiệp trồng lúa, đời sống của con người đã ổn định. Nhiều di chỉ có diện tích lớn ở gần nhau nói lên rằng ở thời đó đã có những bộ lạc đông đúc. So với trước rõ ràng có sự tăng vọt về dân số. Sự trao đổi không những chỉ phát triển trong nội bộ các bộ lạc mà còn mở rộng ra ngoài biên giới các bộ lạc. Đã xuất hiện các công xưởng chế tác đá rộng lớn. Như vậy có thể nói, trong công xã đã có một bộ phận khá đông thành viên được chuyên môn hóa. Họ sản xuất để thỏa mãn nhu cầu của công xã và để trao đổi với các bộ lạc khác.

Vào thời kỳ này, vẫn còn những bộ lạc vừa làm nông nghiệp vừa săn bắn hái lượm, nhưng rõ ràng đã có nhiều bộ lạc lấy nông nghiệp làm hoạt động kinh tế chủ yếu, nếu chưa thể nói là duy nhất. Sự chuyển hóa trong kinh tế sản xuất, sự phát triển trao đổi, sự bùng nổ dân số, đó là những biểu hiện khá rõ của một cuộc “cách mạng đá mới”.

Với sự phát triển của nông nghiệp dùng cuốc, các công xã bấy giờ có thể được coi là các công xã thị tộc mẫu hệ phát triển.

Các nền văn hóa Việt Nam thời nguyên thủy
Các nền văn hóa Việt Nam thời nguyên thủy

Các nền văn hóa Việt Nam thời nguyên thủy

Để hiểu hơn về lịch sử dân tộc và đời sống của người nguyên thủy ở Việt Nam, ngoài các nền văn hóa nói trên các bạn có thể tìm hiểu thêm về các nền văn hóa khác được hình thành trên đất nước ta qua từng giai đoạn với những đặc trưng khác nhau mà LichSu.org chia sẻ dưới đây:

  1. Văn hóa Sơn Vi
  2. Văn hóa Hòa Bình
  3. Văn hóa Bắc Sơn
  4. Văn hóa Quỳnh Văn
  5. Văn hóa Đa Bút
  6. Văn hóa Hạ Long
  7. Văn hóa Bàu Tró

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.