Chính sách đối ngoại và đối nội của vương triều XVIII
Chính sách đối ngoại và đối nội của vương triều XVIII thời Tân vương quốc ở Ai Cập là sự mở rộng lãnh thổ, phát triển quân sự với những mâu thuẫn xã hội.
1. Chính sách đối ngoại của các Pharaon vương triều XVIII
Thời Tân vương quốc, mậu dịch đối ngoại của người Ai Cập thường tiến hàng song song với những cuộc viễn chinh có tính chất cướp bóc. Mục tiêu xâm lược chủ yếu của Ai Cập vẫn là các miền Syria, Palestine và Nubia, về sau mở rộng đến cả miền Tiền Á và lưu vực sông Euphrates. Người Ai Cập ra sức cướp đoạt các vùng có nhiều tài nguyên phong phú, kiểm soát các vị trí chiến lược và các đường giao thông thủy bộ quan trọng.
Sau vua Ahmose I là Thutmosis I, Thutmosis II, và nhất là Thutmosis III – mà nhiều sử gia thường ví với Alexandros, Caesar, Napoleon sau này – đều kế tiếp nhau theo đuổi chính sách đối ngoại bành trướng bằng vũ lực. Trong một cuộc viễn chinh sang châu Á, Thutmosis III đã chiến thắng liên quân các tiểu vương quốc ở miền tây Tiền Á trong một trận chiến đấu ác liệt ở thành Kadesh trên bờ sông Orontes, triệt hạ thành trì kiên cố này, thanh thế lừng lẫy khắp miền tây Á. Nhiều quốc gia chiếm hữu nô lệ ở Tây Á như Mitanni, Babylon, Assyria, và Hatti đều phải kết bạn đồng minh với Ai Cập hoặc tặng nhiều lễ vật cho Ai Cập để giữ mối quan hệ hòa hiếu.
Thời kỳ thống trị của Thutmosis III là thời kỳ lực lượng quân sự của Ai Cập phát triển mạnh nhất, cũng là thời kỳ hình thành đế quốc Ai Cập rộng lớn. Trong thời kỳ này, người Ai Cập chiếm cứ đất đai nhiều nhất, cướp đoạt nô lệ, của cải của các nơi nhiều nhất. Tài liệu có nói đến việc Thutmosis III đem nhiều vàng bạc, châu báu cùng với hàng nghìn nô lệ cướp được ở châu Á về cúng cho đền thờ thần Amun. Để thống trị các miền châu Á bị chinh phục, người Ai Cập đã đưa quý tộc bản xứ lên làm quốc vương bù nhìn. Đa số những quốc vương bù nhìn này là con cháu hoàng gia, tôn thất, quý tộc các vùng bị chinh phục, trong chiến tranh bị bắt đem về Ai Cập làm con tin; họ đã trải qua một thời kỳ được nuôi dưỡng và giáo dục một cách thích đáng ở Ai Cập, trước khi được chọn trở về làm vua bù nhìn ở xứ sở của mình.
Trong một số văn kiện, thư từ gửi cho các Pharaon Ai Cập, các ông vua bù nhìn này thường viết: “Cử tôi ở địa vị này không phải là cha tôi, cũng không phải mẹ tôi. Chính bàn tay có uy quyền củaPharaon đã đưa tôi lên ngôi báu của ông cha tôi ngày trước”. Trong thư từ gửi cho Pharaon Ai Cập, họ thường xưng là “hạt bụi bên chân Người”. Thật vậy, họ chỉ là những kẻ tôi tớ và tay sai của quốc vương Ai Cập cử sang. Chỗ dựa của các viên thống đốc này chính là những đội quân Ai Cập chiếm đóng thường trực.
2. Chính sách đối nội của vương triều XVIII
Do chính sách bành trướng bằng vũ lực của các Pharaon thuộc vương triều XVIII mà Ai Cập dần dần trở thành một đế quốc rộng lớn, biên giới phía bắc giáp vùng Tiểu Á, biên giới phía nam đến tận xứ Nubiai; khoảng cách giữa hai đường biên giới nam bắc có tới 3.200 km. Lãnh thổ của đế quốc Ai Cập rộng lớn đòi hỏi phải cải tổ lại bộ máy quan liêu và cải tổ quân đội cho phù hợp với yêu cầu của nền thống trị mới.
Trước đây, các Pharaon chỉ cần có một Vidia giúp việc, nay phải đặ hai Vidia; một cai quản miền Bắc, một cai quản miền Nam. Quyền hạn của Vidia bây giờ cũng được nới rộng, nhất là Vidia miền Nam vì ở xa chính quyền trung ương nên thực tế có quyền hành rộng rãi hơn. Nhưng nhiệm vụ quan trọng nhất của Vidia vẫn là lãnh đạo mọi công trình thủy lợi và công tác đồng áng trong cả nước, xét xử các vụ án tranh chấp và ruộng đất. Tổ chức hành chính địa phương cũng có thay đổi.
Quyền lực của chúa châu bị hạn chế nhiều vì phải chia sẻ bớt cho mấy chức quan lại khác trong châu do trung ương bổ nhiệm xuống. Do đó, bây giờ quý tộc các châu không còn là một mối đe dọa đối với chính quyền trung ương thống nhất nữa.
Về tổ chức quân đội, trước cuộc xâm nhập của người Hyksos, người Ai Cập chỉ có bộ binh. Bây giờ thì do học tập được kỹ thuật dùng chiến xa của người Hyksos, ngoài bộ binh ra, họ còn có quân đội chiến xa. Quân đội chiến xa trước đây đã từng quyết định sự thắng lợi của những bộ lạc chăn ngựa người Hyksos đối với người Ai Cập vốn có trình độ văn hóa cao hơn, thì ngày nay những đội quân chiến xa ở trong tay người Ai Cập là lực lượng rất quan trọng đóng góp vào sự thành công của chính sách bành trướng bằng vũ lực của Pharaon. Chiến xa có hai ngựa kéo là một loại vũ khí đáng sợ thời đó. Đối với loại chiến xa này, bộ binh của địch không thể chống cự nổi. Thắng lợi thường thuộc về quân đội nào lấy chiến xa làm binh chủng chủ yếu.
Qua một số văn kiện còn giữ lại, có thể biết được những binh lính chiến xa đa số xuất thân ở tầng lớp khá giả, vì rằng theo nguyên tắc thời đó, binh lính phải tự túc về vũ khí không phải ai cũng có thể mua sắm được cho mình một cỗ chiến xa và hai con ngựa. Một tài liệu có nói rõ: Muốn gia nhập hàng ngũ chiến xa, phải tốn một khoản tiền lớn, muốn mua một con ngựa phải bán đi ba người nô lệ. Những tốn kém đó không đáng kể, vì mỗi lần tiến hành chiến tranh cướp bóc thì phần lớn chiến lợi phẩm đều thuộc về đội quân chiến xa.
Do ưu thế của đội ngũ chiến xa trong quân đội, địa vị của bộ binh, phần lớn xuất thân từ tầng lớp dân tự do nghèo, bị đẩy xuống hàng thứ yếu, nhất là từ khi có chủ trương của các Pharaon Ai Cập mộ người ngoại tộc làm lính đánh thuê ngày càng đông sung vào bộ binh. Chủ trương này xuất phát từ tâm lý lo sợ không dám giao vũ khí cho tầng lớp dân tự do nghèo; hậu quả về cuộc khởi nghĩa của dân nghèo và nô lệ hồi thế kỷ XVIII trước công nguyên còn chưa phai mờ trong ký ức hãi hùng của các Pharaon và của giai cấp chủ nô thống trị.
3. Những mâu thuẫn trong xã hội Ai Cập và sự suy yếu của vương triều XVIII
Chính sách mở rộng xâm lược và tăng cường áp bức bóc lột thời vương triều XVIII đã gây nên làn sóng căm phẫn trong lòng người dân Ai Cập. Những chiến lợi phẩm cướp được của nước ngoài đều rơi vào tay tầng lớp quý tộc giàu có, còn mọi gánh nặng của cuộc chiến tranh kéo dài suốt 100 năm thì ngày càng đè nặng lên đầu người dân lao động. Mâu thuẫn trong nội bộ xã hội Ai Cập ngày càng sâu sắc. Ngay trong quân đội, mâu thuẫn cũng ngày càng gay gắt giữa đội ngũ chiến xa được ưu đãi, trọng vọng và bộ binh bị xem nhẹ, mặc dầu họ phải đảm đương mọi công việc gay go gian khổ nhất trong quá trình chiến đấu.
Trong khi mâu thuẫn giai cấp trong nội bộ xã hội Ai Cập ngày ngàng sâu sắc thì làn sóng bất mãn cũng nổi dậy ngày càng mãnh liệt trong nhân dân các nước bị Ai Cập chinh phực. Trong hoàn cảnh đó, muốn duy trì nền thống trị của mình ở trong nước và ở nước ngoài, các Pharaon không chỉ dùng vũ lực mà không dùng đến các thủ đoạn ngoại giao và mua chuộc. Điều đó chứng tỏ rằng cuối thời vương triều XVIII, chính sách thực lực của Ai Cập không còn đứng vững được nữa.
Trong kho lưu trữ công văn của vương triều XVIII phát hiện ở vùng Amarna (viết câu bằng văn tự hình góc của người Babylon là thứ văn tự được dùng trong giao dịch quốc tế thời bấy giờ) có nhiều văn kiện ngoại giao của các quốc vương Babylon, Assyria, Mitanni, Hatti, Cyprus và của các tiểu vương miền Syria, Palestine viết cho các Pharaon Ai Cập, nói đến quan hệ bang giao quốc tế của Ai Cập trong thời kỳ này. Trong các văn kiện này, có những bức thư của các tiểu vương bù nhìn châu Á một mặt tỏ lòng trung thành và biết ơn vô hạn của họ đối với Pharaon, mặt khác cũng khẩn khoản van xin Pharaon cử binh sang giúp họ trấn áp phong trào khởi nghĩa đang lan rộng trong nước và chống lại các cuộc xâm lăng của những bộ lạc láng giềng, hòng cứu vãn địa vị rất lung lay của họ, cũng như của cả đế quốc Ai Cập nữa.
Còn những bức thư của của quốc vương lớn hơn thì đều có đề ra nhiều yêu sách cho các Pharaon, chủ yếu là những yêu sách về vàng bạc, châu báu để đổi lấy sự ủng hộ của họ. Ví như quốc vương Assyria, quốc vương Mitanni, … đã từng nhận được nhiều vàng của Amenhotep III (1455 – 1424 TCN) gửi tặng để đổi lấy sự viện trợ quân sự của những nước này nhằm đè bẹp phong trào giành độc lập ở các miền bị Ai Cập chinh phục, hoặc nhằm chống lại thế lực của quốc gia Hatti ở Tiểu Á đang bành trướng về phía Nam. Điều này chứng tỏ nền thống trị của Ai Cập ở châu Á đã bị lung lay tận gốc. Nguy cơ này càng lộ rõ dưới thời thống trị của Amenhotep IV (1424 – 1388 TCN) là thời kỳ mà thế lực của tập đoàn tăng lữ trong nước đã lớn mạnh đến nỗi áp đảo cả quyền lực của Pharaon.
Chính sách đối ngoại và đối nội của vương triều XVIII
– LichSu.Org –