Sự tan rã của nhà nước Ai Cập cuối thời Cổ vương quốc
Sự tan rã của nhà nước Ai Cập thống nhất cuối thời Cổ vương quốc là do các thế lực quý tộc địa phương lớn mạnh, muốn thoát khỏi sức khống chế của Pharaon.
Các Pharaon thuộc vương triều V đều là những quý tộc địa phương ở vùng Heliopolis được tầng lớp tăng lữ cao cấp ở vùng này ủng hộ để cướp đoạt ngôi báu. Heliopolis đã trở thành thủ đô mới của Ai Cập, đồng thời cũng là nơi trung tâm của một tôn giáo được tập đoàn thống trị mới tôn làm quốc giáo, tức là tôn giáo thờ thần Ra – vị “chúa tể của các thần”. Tầng lớp tăng lữ gây một ảnh hưởng lớn lao đối với chính quyền nhà vua, và thường được nhà vua ban cấp nhiều ruộng đất làm bổng lộc.
Hầu hết các Pharaon của vương triều V đều có tiến hành chiến tranh xâm lược các nước láng giềng như Libya, Nubia, Palestine để cướp bóc của cải, nô lệ. Họ còn lập ra những đội chiến thuyền và thương thuyền để thị uy đối với các nước láng giềng ven biển phía đông Địa Trung Hải và phát triển mậu dịch đối ngoại ở tại vùng ấy. Đối nội thì họ cũng tiến hành nhiều công trình xây dựng lớn lao, như xây dựng Kim tự tháp và đền đài.
Bắt đầu từ vương triều VI, nhà nước quân chủ chuyên chế trung ương tập quyền của thời Cổ vương quốc đã bắt đầu suy yếu. Dần dần thế lực của bọn quý tộc chủ nô địa phương lớn mạnh lên, trên cơ sở kinh tế các châu ngày càng phát triển. Các chúa châu tập trung trong tay quyền trưng thu thuế má, quyền xét xử, quyền chỉ huy quân đội, quyền chủ trì lễ bái trong phạm vi châu. Xu thế thoát ly quyền lực nhà vua, xu thế cắt cử nhân quyền ngày càng mạnh làm cho chính quyền chuyên chế suy yếu đi.
Sự suy yếu của nhà nước chuyên chế trung ương tập quyền và sự lớn mạnh của thế lực quý tộc địa phương cuối cùng đã làm cho nhà nước Ai Cập thống nhất bị chia cắt thành những vùng hay châu biệt lập với nhau. Các văn kiện của các châu từ đó không đề ngày, tháng theo niên hiệu của nhà vua nữa, mà để theo ngày, tháng tính từ khi giới quý tộc địa phương lên cầm quyền. Chúa các châu đều có tổ chức quân đội độc lập của mình, đồng thời cũng tự cho mình có ít nhiều tính chất thần quyền như Pharaon. Về sau, quyền lực của họ càng được củng cố thì chức chúa châu lại trở thành thế tập. Cuối cùng các Pharaon trên thực tế, cũng chỉ thống trị trên một vùng đất đai nhất định, giống như một chúa châu nào khác mà thôi.
Sự tan rã của nhà nước Ai Cập cuối thời Cổ vương quốc kết thúc vào cuối thời vương triều VI. Lúc mà toàn bộ đất nước Ai Cập đã bị chia thành nhiều vùng độc lập. Nguyên nhân của sự tan rã đó là ở chỗ sự thống nhất của Ai Cập dưới nền quân chủ chuyên chế của các Pharaon đến lúc này đã trở thành một trở lực cho sự phát triển kinh tế ở các châu. Trong lúc đó thì sự phát triển kinh tế ở các châu và đi đôi với nó là sự lớn mạnh của thế lực quý tộc chủ nô địa phương (chúa các châu) muốn thoát khỏi sức khống chế của trung ương, thoát khỏi sự áp bức bóc lột bằng tô thuế, sưu dịch và binh dịch nặng nề của chính quyền chuyên chế Pharaon.
Việc xây dựng Kim tự tháp, đền đài, miếu vũ cũng như những cuộc chiến tranh xâm lược tổ chức dưới thời các vương triều III, IV, V, VI đã làm tiêu hao nhiều nhân lực, vật lực, tài lực của các châu. Bởi vậy cuối vương triều VI, quý tộc và tăng lữ các châu ra sức làm cho địa phương hay đền miếu của mình có thể miễn được các nghĩa vụ thuế má hay sưu dịch đối với nhà nước. Tình hình đó ngày càng phổ biến, khiến cho các châu ra sức tăng cường tính chất độc lập về mặt kinh tế và chính trị của mình, do đó đẩy mạnh quá trình tan rã của nhà nước Ai Cập thống nhất.
Đến năm 2.400 trước công nguyên, nước Ai Cập thống nhất đã bị chia cắt thành nhiều châu độc lập. Các chúa châu trên thực tế đã trở thành những ông vua nhỏ ở địa phương. Họ có toàn quyền về mặt tài chính, tư pháp, tôn giáo, quân sự, thậm chí có quyền tổ chức mậu dịch đối ngoại và tiến hành chiến tranh xâm lược bên ngoài, không thua kém gì Pharaon.
Sự tan rã của nhà nước Ai Cập cuối thời Cổ vương quốc
– LichSu.Org –